Tiếng Việt | English

18/05/2016 - 18:26

Công nhân lao động - Cần được quan tâm đến đời sống tinh thần

Toàn tỉnh hiện có trên 250.000 công nhân tham gia lao động, sản xuất trong hơn 6.700 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, số doanh nghiệp có các cơ sở văn hóa, thể thao phục vụ công nhân sau giờ làm việc vẫn còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần cho công nhân.

Theo ghi nhận, hiện nay, tại các khu công nghiệp (KCN) trên cùng địa bàn, hầu như không có các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, giải trí mang tính cộng đồng sau giờ làm việc để tạo điều kiện cho công nhân tham gia. Vì thế, công nhân cũng không biết làm gì sau giờ tan ca.

Chúng tôi dạo một vòng quanh những phòng trọ của công nhân ở các KCN vào những giờ tan ca, ở đó, không khó để bắt gặp những hình ảnh thể hiện lối sống gấp, sống vội. Có những khu trọ, công nhân nam kéo nhau tụ tập vào phòng của một bạn nào đó trong nhóm và... nhậu. Một số các bạn nữ thì... xúm vào xem tivi của chủ nhà trọ đặt ngoài hành lang hay một số bạn khác thì tất bật với những bữa cơm chiều, ăn xong lại... ngủ để lấy sức cho ngày làm việc hôm sau.

Bạn Nguyễn Chí Tài, 22 tuổi, quê ở Kiên Giang, một công nhân trẻ thuê nhà trọ gần Cty ShillaBag - xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa cho biết: “Hôm nào có tiền thì tụi em lê la quán nhậu, quán cà phê. Cuối tháng hết tiền thì gom mỗi đứa một tí, mua ít mồi về phòng lai rai xong rồi ngủ".

Còn bạn Nguyễn Thị Hồng Hạnh, quê Quảng Ngãi, công nhân Cty Lê Long, huyện Bến Lức tâm sự: "Tụi em với đồng lương thấp, trong khi đó có quá nhiều khoản chi tiêu, tháng nào không bệnh đau là may mắn, bạn nào gói ghém giỏi lắm cũng chỉ đủ chi tiêu, làm tháng nào... xào tháng đó. Đời sống vật chất là vậy, tinh thần cũng chẳng khá hơn, nếu không tăng ca thì tụi em cũng chỉ rúc trong phòng trọ, giờ ra đường cái gì cũng cần tiền, muốn xem phim, uống nước với bạn cũng phải cần tiền,...". Câu nói bỏ lửng của bạn công nhân nữ ấy là một phần trong góc khuất của một bộ phận công nhân lao động nghèo về vật chất lẫn tinh thần.

Áp lực về thời gian, nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến công nhân tại các KCN lâu nay rơi vào tình trạng "đói" văn hóa tinh thần. Mặc dù, Ban Quản lý các KCN, Công đoàn (CĐ) các cấp có nhiều cố gắng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nơi phòng trọ, tạo các sân chơi ý nghĩa, giàu tính giải trí cho công nhân, nhưng đó chỉ là “một hạt cát giữa sa mạc”.

LĐLĐ tỉnh tổ chức các cuộc thi "Công nhân thanh lịch" chào mừng các ngày lễ lớn là một trong những hoạt động văn hóa tinh thần hiếm hoi mà CNLĐ được tham gia

Trao đổi cùng chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lệ Chi, Chủ tịch CĐ cơ sở Cty FuLuh, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc cho rằng: “Chúng tôi cùng Ban Chấp hành CĐ cơ sở Cty cũng đề xuất tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân, nhưng thực chất những hoạt động mà CĐ tổ chức được vào những dịp Quốc tế Phụ nữ 8-3 hay Tết Nguyên đán chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế của công nhân, nhất là đối với những công nhân xa quê, phải thuê nhà ở trọ như hiện nay”.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho biết: "Với nhiều khó khăn khách quan, cùng điều kiện cơ sở vật chất phục vụ văn hóa còn yếu và thiếu, thật khó để đáp ứng tốt nhất nhu cầu giải trí sau giờ làm của công nhân… Tuy nhiên, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng sẽ cố gắng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho công nhân để phần nào giúp công nhân lao động có đời sống tinh thần phong phú hơn sau những giờ làm việc căng thẳng"./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích