Tiếng Việt | English

27/06/2018 - 17:30

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Có nhiều tiêu chí để đánh giá một tác phẩm báo chí, trong đó quan trọng là giá trị thông tin, hiệu ứng xã hội. Với người làm báo chân chính, niềm vui, hạnh phúc là cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, có hiệu ứng xã hội tốt. Để có được bài viết như thế, nhiều khi phóng viên, nhà báo phải rất vất vả trong việc thu thập thông tin, đối diện với nhiều nguy hiểm và cám dỗ.

Niềm vui, hạnh phúc của người làm báo chân chính là cho ra đời những sản phẩm chất lượng

Niềm vui, hạnh phúc của người làm báo chân chính là cho ra đời những sản phẩm chất lượng

Tự răn mình 

Sau thời gian ngắn công tác ở Báo Long An, tôi được Ban Biên tập phân công về nhóm phóng viên Pháp luật - Bạn đọc. Viết báo, mảng nào cũng có những khó khăn và thuận lợi riêng nhưng mảng pháp luật chắc chắn sẽ “chạm” nhiều hơn đến những vấn đề bức xúc, nhạy cảm trong xã hội. Điều này có nghĩa, khi phụ trách mảng này, tôi sẽ góp phần làm rõ nhiều bất công, sai trái trong đời sống xã hội. Mặt khác, tôi sẽ ít, nhiều đụng chạm đến lợi ích không chính đáng của một cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức nào đó. Tuy nhiên, vì tính chiến đấu cao trong những bài viết phản biện, càng ngày, tôi càng thích mảng pháp luật - bạn đọc.

10 năm làm phóng viên Báo Long An là khoảng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để tôi hiểu được về nghề, giá trị thông tin, hiệu ứng xã hội của những bài báo. Bài viết tích cực về những điển hình, cách làm hay, mô hình sáng tạo sẽ góp phần lan tỏa, nhân rộng giá trị chân - thiện - mỹ. Ngược lại, bài viết phản biện, chống tiêu cực, phanh phui vi phạm, bất công sẽ góp phần giảm cái xấu, cái ác,... trong xã hội. Suy cho cùng, mục đích trong những bài viết của tôi, dù “khen” hay “chê” cũng góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, công bằng. 

Niềm vui với nghề chính là có bài viết tạo được hiệu ứng xã hội. Tôi vui vì nhiều lần nhận được những lời cảm ơn từ bạn đọc; được cơ quan ghi nhận, đánh giá tốt,... Tuy nhiên, có lúc cũng bị trách móc vì “sự thật mất lòng”, đụng chạm đến ai đó. Và tất nhiên, tôi cũng không tránh khỏi chuyện bị hiểu lầm, hoài nghi khi quá nhiệt tình với một vụ việc, vấn đề nào đó, nhất là có liên quan đến doanh nghiệp,...

Mỗi lần nỗ lực, làm tốt và được nhiều người khen, cơ quan ghi nhận, tôi như được tiếp thêm động lực để cố gắng viết thêm nhiều tác phẩm có giá trị thông tin cao. Còn nếu nghe những lời phê bình, tôi sẽ nhìn nhận, khắc phục hạn chế, khuyết điểm để trưởng thành hơn với nghề. Ai đó hoài nghi bài viết không đúng, tôi buồn nhưng rồi tự nhủ, hãy xem đó là lời răn, cảnh báo để đừng sa ngã.

Khó, nguy hiểm nhưng không nản lòng

Nghề báo là nghề nguy hiểm và không ít cám dỗ, nhất là với những phóng viên, nhà báo viết đề tài liên quan đến tiêu cực, sai trái. Nhiều phóng viên, nhà báo đang tác nghiệp điều tra, phản ánh những vụ việc tiêu cực, bất minh, sai trái của cá nhân, tổ chức thì bị đe dọa, hành hung.

Ở Long An, năm 2017, khi 3 phóng viên, nhà báo của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Báo Long An đi cơ sở tìm hiểu, viết bài về Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (đóng tại huyện Thạnh Hóa) gây ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm thì bị nhóm người đe dọa, hành hung, giật máy quay phim. Địa điểm bị hành hung, cản trở nằm hoàn toàn ngoài khu vực nhà máy. 

Vụ việc này, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh, UBND tỉnh “lên tiếng”, đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Sau khi xác minh, làm rõ vụ việc, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thạnh Hóa giải thích, không đủ yếu tố khởi tố vụ án hình sự vì các phóng viên không đủ yếu tố thi hành công vụ. Cơ quan điều tra đưa ra những lý do rất lạ lùng: Đi tác nghiệp không đeo logo báo, đài; quá trình tác nghiệp không thông báo cho người của Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa biết,... Trước kết luận này, dư luận xã hội, các phóng viên, nhà báo, Hội Nhà báo và cơ quan báo chí nơi 3 phóng viên công tác rất bức xúc và phản ứng. 

Các nhà báo tác nghiệp

Các nhà báo tác nghiệp

Từ những vụ việc các đồng nghiệp bị hành hung, tôi rút ra những bài học cho mình. Không nản lòng, không sợ hãi nhưng khi đi tác nghiệp, nhất là các vấn đề bức xúc, “điểm nóng”, tôi luôn cẩn thận, lường trước những khó khăn, nguy hiểm có thể xảy ra. Tôi lên kế hoạch thực hiện ban đầu, tìm hiểu khu vực tác nghiệp, chuẩn bị phương tiện tác nghiệp đầy đủ; nếu nhận thấy có mối nguy hiểm thì nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp, cơ quan, ngành chức năng,...

Nghề báo - nghề tôi yêu, say mê là như thế, lắm niềm vui nhưng cũng không ít gian lao, vất vả, nguy hiểm. Để sống trọn với nghề đã chọn, tôi vẫn ngày ngày học hỏi, trau dồi kỹ năng tác nghiệp, luôn nhắc nhở mình không nản chí, lung lay trước những sai trái, cám dỗ, đe dọa,...

“Đã mang lấy nghiệp vào thân” nên tôi luôn cố gắng bám sát thực tiễn, hơi thở cuộc sống, đi cơ sở để có thêm những đề tài mới, bài viết tốt cả về phương pháp thể hiện, lẫn nội dung để tạo được hiệu ứng xã hội./.

Lam Hồng

Chia sẻ bài viết