Tiếng Việt | English

15/01/2019 - 15:34

Góp chút hương xuân

Càng gần đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cũng là lúc các cơ sở sản xuất bánh tráng trên địa bàn phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An “tăng hết công suất” để kịp giao hàng cho khách.

Phơi, trở bánh thường xuyên để bánh được khô đều

Phơi, trở bánh thường xuyên để bánh được khô đều

Không khí làng bánh tráng khu phố Nhơn Hòa 1, Nhơn Hòa 2 vào những ngày này thật hối hả. Mới 2 giờ sáng, các lò rực sáng ánh đèn, bắt đầu cho một ngày làm việc mới với nhiều công đoạn: Đốt lò, xay bột, tráng bánh, phơi bánh,... Chẳng ai biết rõ nghề làm bánh tráng ở đây có từ hồi nào mà chỉ biết rằng, đây là nghề “cha truyền, con nối”.

“Hơn 100 năm trước, sản phẩm bánh tráng Nhơn Hòa từng nức tiếng khắp Nam bộ bởi hương vị đậm đà, dẻo, thơm,... Từ tháng 12-2013, nghề làm bánh nơi đây được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống” - ông Dương Văn Đeo, người gắn bó nhiều năm với nghề bánh tráng, ngụ khu phố Nhơn Hòa 1, phấn khởi.

Bà Lê Thị Nhàn - hộ sản xuất bánh tráng ở khu phố Nhơn Hòa 1, cho biết: “Gia đình tôi phải thức dậy thật sớm tráng bánh để kịp giao cho khách hàng. Ngày thường, tôi chỉ tráng 10kg bánh, đến tầm 10 giờ là xong, nhưng giáp tết, gia đình tôi phải làm gấp đôi, ba (mỗi ngày 30kg bánh), đến tầm 5-6 giờ chiều mới phơi xong. Nhà có 30 tấm vỉ, mỗi vỉ phơi được 5 chiếc bánh, tráng đến đâu, chúng tôi phơi lên vỉ đến đó. Sau khi bánh khô, lột xếp thành chồng để có vỉ tiếp tục tráng lượt 2”.

Dịp tết năm nay, bánh làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Thậm chí, thương lái còn mang tiền đặt cọc trước các chủ lò để mua được bánh. “Bánh ở đây được người tiêu dùng ưa thích, bởi làm bằng loại gạo dẻo thơm pha lẫn chút bột mì. Nhờ vậy, trung bình mỗi ngày, một lò bánh tráng làm hơn 10kg gạo với khoảng 300 chiếc bánh, riêng tháng Chạp, sản lượng tăng lên gấp đôi, gấp ba” - bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - chủ Cơ sở sản xuất bánh tráng Bé Tư, khu phố Nhơn Hòa 2, phường 5, chia sẻ.

Chủ tịch UBND phường 5, TP.Tân An - Nguyễn Văn Ẩn cho biết, hiện nay, trên địa bàn phường có 94 hộ sản xuất bánh tráng với hơn 400 lao động địa phương tham gia. Trung bình mỗi ngày, 1 hộ thu lãi gần 500.000 đồng, riêng vào những tháng cuối năm, thu nhập có thể tăng gấp đôi. Không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong nước, bánh tráng Nhơn Hòa còn được nhiều Việt kiều về quê ăn tết tìm đến mua làm quà tặng bạn bè, người thân ở nước ngoài.

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ làm bánh tráng ở phường 5 mạnh dạn đầu tư vốn trang bị máy móc, nâng cấp lò bánh tráng, dần thay thế cách làm thủ công. Nhờ đó, mọi công đoạn từ xay bột đến tráng bánh được thực hiện nhanh, ít hao hụt. Một số hộ còn đầu tư xây dựng lò sấy để chủ động sản xuất khi thời tiết xấu.

Bà Lê Thị Nhàn, ngụ khu phố Nhơn Hòa, phường 5 đang tráng bánh

Bà Lê Thị Nhàn, ngụ khu phố Nhơn Hòa, phường 5 đang tráng bánh

“Bí quyết sản xuất của làng nghề không chỉ gói gọn ở khâu chọn gạo, xay bột, đúc bánh,... mà quan trọng nhất của các chủ lò nơi đây là biết trân trọng chữ tín đối với khách hàng, sản phẩm làm ra luôn bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc, sản phẩm có nhãn mác rõ ràng” - ông Nguyễn Văn Ẩn nhấn mạnh.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cận kề, người làm bánh tráng ở khu phố Nhơn Hòa 1, Nhơn Hòa 2 (phường 5) bước vào mùa làm ăn nhộn nhịp. Hy vọng thêm một năm, người dân làng nghề truyền thống làm ăn hiệu quả, có điều kiện vui xuân, đón tết đủ đầy, sung túc hơn./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết