Tiếng Việt | English

26/09/2017 - 16:01

Dưới ngọn cờ tiên phong của Đảng

Kỳ 3: Khi cuộc sống là sự sẻ chia

Tại những huyện công nghiệp, với vai trò tiên phong, nhiều đảng viên (ĐV) tích cực đóng góp cho địa phương, đặc biệt là chăm lo đời sống công nhân (CN), hỗ trợ con em CN nghèo có điều kiện đến trường, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Giám đốc Công ty Cổ phần Bêtông ly tâm Thủ Đức - Long An - Phạm Ngọc Hiệp (bìa phải) xem công nhân chính là tài sản quý báu nhất của doanh nghiệp

Biết trân trọng “tài sản vô hình”

Với nhiều tổ chức kinh tế ngoài nhà nước, lợi ích giữa chủ sử dụng lao động (LĐ) và người LĐ không phải lúc nào cũng đồng thuận. Thế nhưng, với Công ty (Cty) Cổ phần Bêtông ly tâm Thủ Đức - Long An (xã An Thạnh, huyện Bến Lức), quyền lợi của người LĐ luôn được Giám đốc Cty - Phạm Ngọc Hiệp quan tâm hàng đầu.

Ông Phạm Ngọc Hiệp nguyên là Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Cty Bêtông ly tâm Thủ Đức (thuộc Tổng Cty Điện lực Việt Nam). Vì thế, từ khi Cty Cổ phần Bêtông ly tâm Thủ Đức - Long An được thành lập vào năm 2007, với kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp nhà nước và công tác Công đoàn trong hơn 15 năm, ông luôn quan tâm đến chế độ, chính sách của người LĐ.

Theo ông, người LĐ được đào tạo bài bản, dễ tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật, có tác phong công nghiệp và giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Thời gian đầu, Cty chỉ có 120 CN nhưng có đến 50% là LĐ phổ thông. Thế là, ông mở ngay lớp đào tạo nghề miễn phí cho gần 30 CN. Đến nay, Cty tổ chức được 3 lớp miễn phí cho hơn 100 CN với giá trị trung bình gần 10 triệu đồng/người. Sau mỗi khóa học, CN được cấp bằng sơ cấp nghề. Ngoài ra, Cty luôn khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí để người LĐ được nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ, ngoại ngữ,...

Đến nay, mức lương trung bình mỗi CN là 9 triệu đồng/người cùng chế độ tiền thưởng, tăng ca, hỗ trợ hợp lý nhằm bảo đảm cuộc sống. Cty còn có nhà lưu trú cho hơn 100 CN ở xa và có xe đưa CN về quê ăn tết hàng năm. Anh Lê Huy Tiến, quê Thanh Hóa, xúc động: “Ở nhà lưu trú vừa an toàn, vừa tiết kiệm nên tôi dư thêm chút tiền gửi gia đình. Tôi gắn bó với Giám đốc Phạm Ngọc Hiệp trên 20 năm, từ khi còn làm việc tại Cty Bêtông ly tâm Thủ Đức. CN nào có con học phổ thông, từ lớp 1 đến lớp 12 được hỗ trợ từ 700.000 đến 1,4 triệu đồng/cháu. Chính sự quan tâm của Cty với người LĐ mà chúng tôi lúc nào cũng trân trọng và hết lòng vì Cty”.

Cty còn có thư viện, nhà sinh hoạt cộng đồng cho CN tham gia hoạt động lành mạnh, đọc sách nâng cao kiến thức và tránh xa tệ nạn xã hội. Ngoài tổ chức du lịch, nghỉ mát hàng năm, những CN có thành tích cao trong LĐ còn được tham quan, học tập tại nước ngoài. Được chăm lo đời sống từ vật chất đến tinh thần chu đáo, CN gắn bó tại Cty suốt từ những ngày đầu thành lập đến giờ rất nhiều. Thậm chí, những gia đình có đến 3, 4 thành viên làm việc cùng nhau cũng không ít. Chị Nguyễn Thị Kim Thương, quê ở Hậu Giang, CN Tổ làm thép, chia sẻ: “Gia đình tôi có 4 người làm việc tại Cty. Chế độ tốt, lương, thưởng hợp lý, môi trường đoàn kết, thân thiện nên vợ chồng tôi gắn bó với Cty gần 10 năm nay”.

Dù thị trường cạnh tranh khốc liệt nhưng Cty duy trì, ổn định sản xuất. Nếu như doanh thu năm 2007 chỉ đạt 100 tỉ đồng thì đến năm 2016 đạt trên 500 tỉ đồng. Ông Hiệp trân trọng: “Thành quả ấy là sự nỗ lực của cả tập thể, sự đồng lòng, đoàn kết của người LĐ. Mới đây, thay vì tiệc tùng hoành tráng ở nhà hàng sang trọng, hoa, quà phung phí nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, tôi dùng số tiền đó tặng anh chị em CN, cứ mỗi năm làm việc là 2 triệu đồng rồi nhân lên. Tôi nghĩ, học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là như thế, vừa tiết kiệm, lại thiết thực để tri ân những người luôn sát cánh cùng mình”.

Bản thân là ĐV, do đó, ngay khi Cty vừa đi vào hoạt động, ông liền thành lập Chi bộ gồm 5 ĐV, đến nay, có 14 ĐV. Ông chia sẻ: “Là doanh nghiệp ngoài công lập, các ĐV - những “hạt nhân” chính trị nòng cốt của doanh nghiệp thực sự là những người gương mẫu, có thực lực chứ không phải “chạy” theo thành tích. Họ vừa giỏi chuyên môn, có đạo đức, luôn giúp đỡ, động viên đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ và đi đầu trong mọi hoạt động, là niềm tự hào của Cty. Chi bộ được công nhận là Chi bộ trong sạch, vững mạnh liên tục từ năm 2010 đến nay”.

Ông Phạm Ngọc Hiệp hiện là Phó Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp huyện Bến Lức. Trò chuyện cùng ông, người đối diện cảm nhận được cái “tâm” và “tầm” của một lãnh đạo giỏi. Với ông, làm kinh tế không chỉ là làm giàu cho bản thân mà phải hoàn thành nghĩa vụ với đất nước, có trách nhiệm với xã hội, quan tâm bảo vệ môi trường và biết đặt lợi ích của người LĐ lên hàng đầu vì họ chính là anh em, người thân, là “linh hồn” để doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.

Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo

Không trực tiếp làm kinh tế, tại huyện Đức Hòa, có một ĐV góp phần rất lớn trong sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí là Chủ tịch Hội Khuyến học - Trương Thị Kim Tiến, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện.

Sinh năm 1954, trong chiến tranh khốc liệt, cha hy sinh chỉ hơn 1 tháng sau khi bà ra đời. Nhà nghèo nhưng cô bé Tiến luôn nung nấu ước mơ làm cô giáo. Lớn lên, theo nghề “gõ đầu trẻ” rồi lần lượt đảm nhiệm các chức vụ khác nhau trong ngành giáo dục, bà luôn trăn trở với những học sinh nghèo, có nguy cơ bỏ học.

Đặc biệt, những năm gần đây, việc phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện tuy mang lại lợi ích kinh tế nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều gia đình, cha mẹ đi làm cả ngày, tăng ca thường xuyên, không có điều kiện quan tâm đến con, nhiều em học hành lơ là rồi chán nản, sa sút. Hoặc, tâm lý muốn sớm đi làm kiếm tiền nên nguy cơ bỏ học tăng cao, nhất là học sinh có học lực yếu, kém.


Chủ tịch Hội Khuyến học Đức Hòa – Trương Thị Kim Tiến (áo trắng) trao học bổng cho học sinh nghèo

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hữu, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa - Nguyễn Văn Đạt thông tin: “Đức Hòa Thượng là một trong những xã tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp, xí nghiệp. Năm học này, với gần 1.300 học sinh, rất nhiều em có cha mẹ làm CN và có nhiều người đến từ những tỉnh xa: An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng,... thậm chí ở miền Bắc, miền Trung. Một số phụ huynh thường xuyên thay đổi chỗ làm nên các cháu cũng theo cha mẹ, nguy cơ bỏ học rất cao. Do đó, sự động viên, hỗ trợ kịp thời của mạnh thường quân qua “cầu nối” là cô Kim Tiến góp phần quan trọng giúp các em có động lực tiếp tục học tập”.

Không chỉ trao quà tại trường mà bà còn đến tận nhà học sinh để xác minh, kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Ông Phạm Văn Sở (ông ngoại em Nguyễn Thúy Diễm My, lớp 3/8, Trường Tiểu học Châu Văn Liêm (thị trấn Hậu Nghĩa)) bộc bạch: “Mẹ Diễm My bị câm, điếc bẩm sinh. Từ khi chồng bỏ đi, 2 mẹ con về ở cùng vợ chồng tôi và mở quán nước mưu sinh. Cô Kim Tiến đến tận nhà thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và tặng học bổng cho cháu, chúng tôi vô cùng cảm động!”.

Hơn 30 năm trong ngành Giáo dục và Đào tạo, hơn 23 năm tham gia hoạt động khuyến học từ kiêm nhiệm đến chuyên trách, ĐV Kim Tiến luôn nỗ lực giúp đỡ, động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến lớp. Mỗi khi biết hoàn cảnh đặc biệt của một học sinh nghèo, bà lại trăn trở và tìm mọi cách giúp đỡ. Do đó, bà luôn giữ uy tín, tạo niềm tin trong lòng nhà hảo tâm để chủ động huy động tài trợ cho đối tượng cần giúp đỡ. Số tiền vận động từ mạnh thường quân trong thời gian qua giúp Hội Khuyến học có kinh phí xây dựng quỹ, tặng học bổng, tu sửa, xây dựng nhiều trường học, tạo điều kiện cho các em học tốt hơn, góp phần nâng cao trình độ dân trí trên địa bàn huyện. 9 tháng năm 2017, hội cấp trên 4.000 suất học bổng với tổng số tiền gần 3 tỉ đồng; trao gần 1.900 phần quà, tổng trị giá gần 395 triệu đồng; khen thưởng trên 7.100 suất quà với số tiền trên 960 triệu đồng;...

Bà Trương Thị Kim Tiến xúc động: “Cách đây gần 10 năm, tôi từng bị suy thận mạn giai đoạn cuối, tưởng chừng không qua khỏi. Nhờ sự ủng hộ của các đồng nghiệp, tình yêu thương của mọi người giúp tôi có kinh phí ghép thận, đủ sức khỏe đến ngày hôm nay. Một khi còn khỏe, còn đủ sức làm việc, tôi sẽ cống hiến hết mình giúp các em có tương lai tươi sáng. Đây cũng là cách tôi trả ơn cuộc đời!”.

Những ĐV ấy, dù ở độ tuổi, công việc khác nhau nhưng bằng cách này hay cách khác đều có những đóng góp nhất định, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Tự hào dưới cờ Đảng, luôn nhớ lời Bác dạy, họ luôn tâm niệm, sống không chỉ cho riêng mình, cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi biết quan tâm, sẻ chia vì cộng đồng, xã hội./.

(còn tiếp)
Phương Phương-Thu Ngân

Chia sẻ bài viết