Tiếng Việt | English

23/02/2017 - 11:12

Nơi có sự hy sinh thầm lặng

Bệnh viện Tâm thần (BVTT) Long An là nơi điều trị các bệnh nhân “đặc biệt”. Họ - những người lúc tỉnh, lúc mê và có thể “lên cơn” bất cứ lúc nào. Chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân tâm thần đòi hỏi y, bác sĩ phải thật sự kiên nhẫn, kể cả chấp nhận hiểm nguy.

Những "diễn viên" bắt đắc dĩ

 Bác sĩ Lưu Văn Tuyết - Trưởng khoa Khám bệnh - người gắn bó hơn 25 năm với bệnh nhân tâm thần, trải qua không ít buồn, vui cùng với người bệnh. Bác sĩ Tuyết cho biết: “Xã hội càng phát triển thì càng có nhiều người bị rối loạn tâm thần sau những sang chấn tâm lý,... Những người vào đây thường xuyên có biểu hiện kích động, gào thét, chạy nhảy, đập phá,... Nếu không có sự cảm thông với người bệnh thì khó có thể trụ vững với nghề”.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, BVTT Long An khám trên 100 lượt bệnh nhân đến điều trị. Có mặt tại BV, chúng tôi được chứng kiến những cử chỉ, lời nói ân cần rất mực thương yêu mà các y, bác sĩ dành cho các bệnh nhân. Nhiều bác sĩ nói vui rằng, nghề này giống như diễn viên. Họ phải biến hóa, nhập vai thành người bạn đồng hành để trò chuyện, lắng nghe xem tình trạng bệnh nhân như thế nào, dù biết đó là những chuyện tầm phào.

Bác sĩ khám, chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Long An

Đối với những bác sĩ điều trị cho những bệnh nhân rối loạn tâm thần do nghiện chất ma túy, chất gây nghiện thì việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần như chăm chính người thân của mình. Người bệnh tâm thần có thể “lên cơn” bất cứ lúc nào. Họ dễ xúc động, nóng nảy và rất manh động. Bởi thế, chuyện điều dưỡng, bác sĩ bị bệnh nhân đánh, chửi không có gì là lạ ở đây.

Dùng tình thương để điều trị

Cuối năm 2015, bác sĩ Trần Minh Thư về làm việc tại BV.  “Lúc mới về công tác, trong lúc đang khám bệnh cho một bệnh nhân nam nghiện chất gây nghiện thì từ đằng sau, một bệnh nhân khác đang trong tình trạng “lên cơn” đánh tôi. Vừa bất ngờ, vừa tức giận nhưng tôi kịp thời kiềm chế cảm xúc vì họ là bệnh nhân đang cần điều trị. Qua lần đó, tôi thấy thương bệnh nhân hơn vì khi bệnh, họ đâu nhận thức được hành động của mình”, bác sĩ Thư chia sẻ. 

Hay như bác sĩ Tuyết kể về một kỷ niệm có lần tình cờ gặp lại một người từng là bệnh nhân nay đã khỏi bệnh, cảm ơn rối rít làm bác sĩ như được tiếp thêm niềm tin để tiếp tục gắn bó với nghề. Những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, cảm động giữa bác sĩ với những người từng là bệnh nhân của mình chính là món quà tinh thần quý giá đối với những người làm nghề thầy thuốc trị bệnh “đặc biệt” này.

Giám đốc BVTT Long An - bác sĩ Nguyễn Đình Mỹ chia sẻ: “Nhiều người không chọn nghề bác sĩ tâm thần chính là vì họ biết đây là nghề nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh, khiến việc tuyển dụng bác sĩ vào các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa tâm thần rất khó khăn”.

Bằng lòng yêu nghề, cống hiến vì bệnh nhân, các y, bác sĩ BVTT Long An luôn tràn đầy nhiệt huyết với con đường mình đã chọn dẫu biết rằng công việc hiểm nguy, vất vả. Chính họ tô thắm thêm hình ảnh người thầy thuốc./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết