Tiếng Việt | English

29/06/2017 - 15:24

Nỗi đau đuối nước ở trẻ

Mặc dù công tác phòng, chống được phụ huynh và ngành chức năng quan tâm nhưng thời gian qua, tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn còn xảy ra, để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội.

Những vụ đuối nước thương tâm

Khi nhắc lại câu chuyện 3 trẻ em ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An tử vong do đuối nước cách đây 1 năm, người dân nơi đây vẫn không khỏi chạnh lòng.

Khi nhắc lại, anh Nguyễn Thanh Hải - cha của 2 em Nguyễn Phú Thịnh, Nguyễn Quốc Thịnh (7 tuổi, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Tân Tây) tử vong trong vụ đuối nước trên, vẫn không cầm được nước mắt.

Sáng ngày 06/5/2016, sau khi thi xong, Nguyễn Phú Thịnh, Nguyễn Quốc Thịnh và Nguyễn Minh Khang rủ nhau đi chơi. Đến 14 giờ, không thấy các em về, gia đình đi tìm thì phát hiện xe đạp và quần áo của các em bên bờ kênh Nam Lộ ở ấp 1. Mọi người tá hỏa mò dưới kênh, ít phút sau, tìm được thi thể cả 3 em.

Anh Hải nghẹn ngào: “Phú Thịnh và Quốc Thịnh ngoan lắm! Nếu gia đình không chủ quan và 2 cháu biết bơi thì vụ việc đau lòng không xảy ra”.

Trẻ em tham gia học bơi tại hồ bơi ở thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh

Hay đó là việc bất cẩn của chị Lương Thị Bông, ngụ ấp Huỳnh Thơ, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh. Lúc 8 giờ, ngày 09/11/2016, cháu Đạt đang quanh quẩn cùng mẹ nhưng do bận việc nhà nên chị Bông quên để ý đến con, chỉ ít phút sau, chị tá hỏa khi phát hiện đôi dép của con trên sàn nước cặp mé sông. Chỉ vì một phút lơ là của chị Bông mà bé Đạt mãi mãi ra đi vì tai nạn đuối nước.

Xã hội hóa hồ bơi

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 30 hồ bơi, chủ yếu được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Các hồ bơi tập trung nhiều ở TP.Tân An (5 hồ), Bến Lức (5), Cần Đước (4),... Việc xây dựng hồ bơi tạo điều kiện cho trẻ em được học bơi, góp phần giảm tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước.

Phụ huynh em N.N.H (ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Vợ chồng tôi sinh được 2 cháu. Hiện nay, cháu lớn học lớp 8 nhưng vẫn chưa biết bơi. Từ khi thị trấn có hồ bơi, tôi rất mừng, vì có chỗ để đưa cháu đi học bơi, nhất là mùa nước nổi sắp về, gia đình cũng giảm được phần nào lo lắng”.

Đến thời điểm này, huyện Tân Thạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư được 2 hồ bơi tại thị trấn Tân Thạnh. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Tân Thạnh - Đinh Bùi Lĩnh cho biết: “Tình trạng đuối nước ở trẻ em, nhất là vào mùa hè luôn là vấn đề được địa phương rất quan tâm. Vì vậy, việc địa phương kêu gọi xã hội hóa đầu tư được 2 hồ bơi góp phần chia sẻ lo lắng về tình trạng đuối nước ở trẻ em. Tuy nhiên, 2 hồ bơi này chỉ đáp ứng nhu cầu bơi lội của trẻ em trong thị trấn và các xã lân cận, những xã vùng sâu, vùng xa thì việc phụ huynh đưa con ra học bơi ở thị trấn rất khó khăn. Do đó, huyện tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư hồ bơi ở các xã vùng sâu, vùng xa; mở các lớp phổ cập bơi,... nhằm ngăn ngừa tình trạng đuối nước ở trẻ em”.

Học bơi là một trong những biện pháp ngăn chặn tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước

Nhân dịp hè, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạnh Hóa mở lớp phổ cập bơi, có 40 em tham gia. Thời gian tới, Phòng Nghiệp vụ Thể dục - Thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) mở các lớp tập huấn về kỹ năng bơi lội cho các giáo viên dạy bơi trên địa bàn tỉnh; phối hợp mở nhiều lớp phổ cập bơi,... nhằm trang bị cho người dạy bơi những kỹ năng sơ cấp cứu khi xảy ra tình trạng đuối nước, những kỹ năng bơi,...

Bên cạnh việc các hồ bơi được xây dựng góp phần dạy trẻ các kỹ năng bơi lội thì việc bảo đảm cho trẻ em được an toàn khi tham gia bơi lội ở các hồ bơi cũng là điều đáng quan tâm.

Hiện nay, có một số hồ bơi trên địa bàn tỉnh không có giấy phép nhưng vẫn được xây dựng, đồng thời, có hồ bơi còn để xảy ra tình trạng trẻ bị đuối nước. Vì vậy, mong rằng các cấp, các ngành, bên cạnh việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư, cần quản lý chặt chẽ các hồ bơi./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết