Tiếng Việt | English

13/11/2019 - 10:29

Về người bạn “bác sĩ vườn” của tôi vừa nằm xuống

Vậy là, anh đã rời đi mãi, để thương để tiếc cho bao nhiêu người ở lại. Đám tang anh, tôi thấy có mặt các bác sĩ nguyên lãnh đạo ngành y tế tỉnh Long An và nhiều đồng nghiệp quý mến anh. Nhớ một lần, lũ lớn tràn về thị trấn, chiều hôm ấy, tôi mon men lội nước vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Huệ - nơi anh làm giám đốc, thấy anh đang cùng các nhân viên bệnh viện hì hục kê từng chiếc giường lên cao để khỏi ngập cho bệnh nhân. Mãi đến chiều tối, anh mới kéo tôi về chỗ ở của giám đốc trung tâm y tế huyện - cũng chỉ là căn nhà tôn ọp ẹp ngập nước lênh láng. Đêm đó, tôi "trà dư tửu hậu" với anh cho đến tận khuya.

Hơn 20 năm sau, khi thị trấn phát triển xứng tầm, có đê bao ngăn lũ, mấy dãy nhà cấp bốn tạm đưa vào làm bệnh viện đa khoa huyện từ ngày tiếp quản (30/4/1975), lận đận cùng anh cũng vừa “thay da, đổi thịt” thành khối nhà ba tầng lầu hiện đại, khang trang. Khi đó, anh cũng đến tuổi về hưu. Thế là, anh mãn nguyện!

Đầu mùa mưa năm đó, tôi đến thăm anh ở bưng Trà Cú Thượng và gọi anh là “bác sĩ vườn”. “Bác sĩ vườn” ngồi xuồng, hai tay phăng sợi dây thừng mắc qua hai bờ kinh kéo xuồng qua lại bến. Bên kia bến là nhà, bên này bến là phòng mạch. Có bệnh nhân mách với tôi rằng, ông bác sĩ này nhân từ và tận tụy với bệnh nhân lắm! Anh mở cửa phòng mạch - một căn nhà nhỏ bên bến xuồng. Tôi đợi anh khám bệnh cho mọi người đến sẩm tối mới hết. Anh đóng cửa phòng mạch, đưa tôi xuống xuồng vượt kinh sang nhà anh ở bên kia bờ.

Ngôi nhà cấp bốn kiểu cổ, màu ngói rêu phong “đứng” cô đơn bên bờ kinh, thưa vắng bóng nhà nhưng nồng nàn hương đồng gió nội. Anh cầm đèn pin, mở nắp từng cái lu, cái khạp, rọi đèn cho tôi xem nào ếch, nào lươn, cá trê, cá lóc, cá rô… Tôi hỏi anh mua hay đánh bắt? Anh cười bảo: “Ở đây cần gì mua, chỉ qua vài cơn mưa đầu mùa là đất ngập nước, ếch lên mấy chỗ chưa ngập cất tiếng gọi bạn tình. Chúng xáp lại từng đôi một. Cha con tôi soi đèn, gặp là bắt bỏ vô bao lưới. Các loại cá, lươn cũng vậy!”. 

Bữa đó, vợ anh làm đủ món ăn đồng quê đãi tôi. Sáng ra, tiếng chim hót, tiếng cu gáy vang dậy quanh nhà. Anh dẫn tôi dạo vườn tràm 2ha cao vút sau nhà. Anh kể, ngày hòa bình, anh từ căn cứ Ba Thu - Mỏ Vẹt về, thấy vùng này đất hoang mà chẳng ai ngó tới. Thế là, anh bạt cỏ, trồng tràm. Trồng rồi bỏ đó, đi học chuyên tu hoàn chỉnh Đại học Y khoa ở TP.HCM. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, anh về huyện nhận công tác, đi thăm lại vườn tràm thấy tốt mịt mùng, bèn cất nhà tre lá ở giữa rừng tràm, giữa đồng bưng hoang chưa có đường giao thông. Sau đó, Nhà nước đào kinh Trà Cú Thượng, mở đường xuồng và bờ kinh đi lại nên anh xây nhà ngói cho vợ con ở, còn anh làm việc ở huyện, chỉ về nhà vào các ngày nghỉ. Cuộc sống khi ấy hết sức khó khăn nhưng nhờ vợ khéo chăn nuôi, trồng trọt, tích góp cùng anh nuôi các con từ trường làng ra trường huyện, trường tỉnh rồi lên đại học ở TP.HCM cho đến khi tốt nghiệp, đứa bác sĩ, đứa kỹ sư, đứa giáo viên cấp ba. 

Bây giờ, tuyến lộ nhựa thênh thang băng qua ranh đất nhà “bác sĩ vườn”. Nhiều người nói, hồi chưa có lộ nhựa này, đất ở đây cho không chẳng ai thèm lấy. Còn bây giờ, giá đất tăng cao, mua cũng khó. Vậy là, 2ha đất của anh năm nào giờ trị giá bạc tỉ rồi! Sau đám tang anh, tôi đi dọc tuyến lộ ấy - từ trung tâm xã Bình Hòa Nam chạy song song với kinh Trà Cú Thượng qua xã Bình Hòa Bắc giao với đường kinh Bo Bo về thị trấn Thủ Thừa. Đường nhựa tới đâu đánh thức bưng biền ngủ hoang tới đó. Và, trên dấu đạn bom cũ, giờ đây, người dân khai hoang, trồng trọt nhiều loại cây trái. Ngôi mộ anh do các con xây nằm trong khu vườn nhà giáp ranh con lộ nhựa ấy. Dọc con lộ này, đây đó ánh lên màu gạch ngói đỏ tươi. Vậy là anh có tầm nhìn xa, để giờ đây hiện thực như từ cổ tích bước ra và đẹp như giấc mơ! Chính vì vậy, tôi tin bạn tôi rất thanh thản mỉm cười yên giấc vĩnh hằng./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết