Tiếng Việt | English

18/06/2015 - 13:51

“Tình nghĩa giáo khoa thư” trong làng văn, làng báo

Chỉ cách chưa đầy 2 tháng sau ông về yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng (đúng 87 tuổi), ông đã ghé thăm và tặng tôi tập bản thảo ông viết về nhà thơ, nhà báo Truy Phong (Dương Tấn Huấn). Ông nói: “Miền Nam chợt nắng chợt mưa/ Con người văn nghệ không thưa thớt lòng”. Tập bản thảo ông chưa kịp đặt tên và theo lối của tuổi già nhớ đâu ghi đó, không bố cục. Ông viết: Hồi công tác chung ở Quân khu 9 suốt 9 năm chống Pháp, tôi và anh Truy Phong cùng làm báo Tiếng Súng kháng địch của quân khu. Phóng viên vẫn phải xông vào trận mạc. Nhiều khi đứng ngâm mình dưới hầm công sự ngập nước, chồm người lên miệng hầm quan sát chiến trường đang giao tranh mà ghi chép. Khi máy bay Pháp ào tới ném bom thì hụp người xuống tránh. Có lần chở chữ trên xuồng đi đúc bản kẽm để in báo, bị bom Pháp đánh một trái rơi trước mũi xuồng. Xuồng lật úp, mọi người trên xuồng lộn nhào xuống kênh nước sâu. Khi máy bay Pháp bay khỏi, tụi tôi liền chạy vào nhà dân mượn thau, rổ để xúc. Biết chuyện, dân cả xóm trên, xóm dưới kêu nhau xách rổ, thau tới và cùng lặn hụp xuống nước xúc bùn lên đãi để lấy từng con chữ. Cứ vậy mà xúc tới xúc lui cả một đoạn kênh dài, mất cả buổi mới lấy được đủ các con chữ để sắp lại. Tôi nhớ những lần cùng Truy Phong lội nước bao đăng vớt cá cho bếp ăn tập thể dưới cái lạnh cắt da. Tình bạn văn giữa chúng tôi ngày càng gắn bó. Hai người thường chia nhau từ tờ giấy, từ cây viết cho tới thẻ đường, hột muối,… trong những năm chiến tranh gian khổ. Anh Truy Phong những lúc rảnh rỗi hay ôm đờn ra chơi. Anh giỏi đờn ca tài tử lắm. Tiếng đờn của anh tròn trịa, thanh thoát như tâm hồn anh vậy”.

Ông viết tiếp: “Năm 1956, tôi lên Sài Gòn và thâm nhập làng báo vào lúc nhà thơ Truy Phong đã làm bùng nổ cả làng báo và công luận qua thi phẩm Một thế kỷ mấy vần thơ  của anh sáng tác ngay sau khi quân Pháp bại trận cuốn cờ lủi về nước và Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về dựng lên nhà Ngô độc tài gia đình trị ở miền Nam Việt Nam. Tuần báo Tiến Thủ đăng bài thơ đó liền bị đóng cửa, rút giấy phép. Tòa soạn bị đập phá tan tành còn chủ báo Việt Tha - Lê Văn Thử và Tổng Biên tập Hương Nam người Long An, từ chiến khu hồi cư về làm báo thì bị quản thúc, theo dõi gắt gao phải ẩn cư chỗ này, chỗ nọ.

Tôi lấy Ban Thi văn Mây Tần do tôi phụ trách làm lá chắn để tổ chức diễn ngâm bài thơ Truy Phong. Thi văn đoàn Chim Việt thì in lén bài thơ đó với lời giới thiệu “nảy lửa” của nhà văn Sơn Nam. Các báo Đuốc Nhà Nam, Tin Sáng, Tia Sáng, Tiếng Chuông, Đất Việt; các tập san, tạp chí Khai Phá, Tham Dự, Mã Thượng, Khởi Hành, Trà Vinh,… đều có lên tiếng ủng hộ tác giả lẫn bài thơ đó.

Ông viết tiếp: “Năm 2005, anh chị em cựu tù chính trị Côn Đảo và bạn bè cựu kháng chiến, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, nhạc sĩ, cán bộ Thành đoàn… ở TP.HCM cùng đi Vũng Liêm (Vĩnh Long) thăm Truy Phong ở xóm Cù lao Dài. Họ là những nhân chứng sống, những người trong cuộc kể cho nhau nghe: Báo Tiến Thủ đăng và phát hành Một thế kỷ mấy vần thơ khiến chế độ Diệm trở tay không kịp. Ngay lập tức mọi người chuyền tay nhau báo Tiến Thủ, thậm chí chép tay gởi tặng nhau. Bài thơ đã nhanh chóng biến thành kịch ngắn, chặp cải lương, hoạt cảnh trong các đêm lửa trại của thanh niên, sinh viên, học sinh, biến thành khúc ca hùng tráng của các diễn đàn yêu nước đòi Mỹ - Diệm phải thi hành Hiệp định Genève,… Thế rồi, thật xúc động, ngày 10-5-2005, tin Truy Phong vừa trút hơi thở cuối cùng khiến số anh chị em trên đây bất chấp trời mưa tầm tã, tức tốc đi xe suốt đêm cho kịp tiễn đưa nhà thơ về cõi vĩnh hằng. Dịp này, nhà báo Hương Nam đã ôn lại sự kiện bài thơ Truy Phong công bố trên báo Tiến Thủ: “Hôm đó, chủ báo Việt Tha - Lê Văn Thử nhận được bài thơ Một thế kỷ mấy vần thơ vào một buổi chiều. Anh rất mừng vì “vớ” được bài thơ quá hay. Anh đưa thư ký tòa soạn Thiệu Võ xem, dù rất tâm đắc nhưng còn ngần ngại vì bài này đã gởi cho rất nhiều báo nhưng không báo nào dám đăng. Sáng hôm sau, anh Việt Tha đem bài thơ đến gặp tôi. Suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, tôi đọc đi đọc lại rồi nói với anh: Bài thơ vượt mức hay thông thường - độc đáo, đặc sắc lắm. Ở phần mở đầu nói cảnh huy hoàng của Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ “Ánh hồng chói rạng chân trời mới”, trong khi quân Pháp “Cờ rũ và súng xếp/ Cúi đầu và lặng thinh” để rồi lủi thủi xuống tàu cút về nước. Ở đoạn bài thơ nói về ngày giặc Pháp vừa đến: “Thành Đà Nẵng tan hoang vì đại bác…” và kể bao thảm cảnh, tội ác của bọn thực dân Pháp gieo rắc xuống đất nước này. Nhưng “Cái gì bạo ngược và phi nghĩa/Là trái lòng dân nghịch ý trời/Súng thép tinh ròng, binh tướng mạnh/Không sao thắng được trái tim người” bởi vì: “Việt Nam nước của tôi/ Già như trẻ/ Gái như trai/ Chết thì chịu chết/ Không cúi lòn ai/ Tham lam ai muốn vô xâm chiếm/ Thì giặc vào đây, chết ở đây!”; nhất là “Dù ai cắt đất chia hai” gây bao khổ đau, uất hận thì cũng phải: “Đinh ninh anh nhớ lấy lời/ Ngày mai thống nhất liền đôi bến bờ”. Chính khổ thơ này đã làm Diệm lồng lên, thêm việc trước đó chủ báo Tiến Thủ cho đăng bài kêu gọi thi hành Hiệp định Genève, giật tít lớn: “Hai miền cần hiệp thương thống nhất đất nước”, càng khiến Diệm mạnh tay đàn áp, khủng bố báo Tiến Thủ; chủ báo phải trốn ra Giồng Ông Tố,…

Và ông dành nhiều trang ca ngợi người “hiền nội” của nhà thơ Truy Phong một đời thầm lặng nuôi chồng dạy học, làm thơ và nuôi đủ các con ăn học trở thành nhà giáo, nhà khoa học,… Ông đã nhiều lần đến thăm và nghỉ đêm để tâm sự với Truy Phong khi bạn bị bệnh nặng. Ông đã xúc động khi thấy: “Trong mòn mỏi cánh tay luôn thao thức/ Bởi tình thương chuyển sức mạnh qua tay/ Anh ơi hãy ngủ cho say/ Sáng ra em sẽ chép tay thơ chồng/ Anh không đi được, em bồng/ Tình nghĩa vợ chồng là lúc ốm đau” đó là hình ảnh “hiền nội” của bạn nằm chiếu dưới đất, suốt đêm kéo dây đưa võng chồng như ru cho chồng ngủ trong khi chồng bị tai biến nằm một chỗ: “Mấy chục năm chồng nằm bất động/ Nào ai đã đỡ đứng bồng ngồi/ Cũng nàng thơ - chính là hiền nội/ Làng nước ngợi khen tiếng để đời”. Ông khen bao tấm lòng đến với bạn ông: “Bạn bè đầu bạc dù xa cách/ Vẫn đến Cù Lao viếng bạn già”. Còn học trò của bạn thì: “Học trò cũ như chim vỡ tổ/Nghe thầy đau vội vã về thăm”. “Học trò trung học đã nên người/ Đến viếng thầy xưa lúc cuối đời”… Ông ghi nhận cả nghĩa cử của nhà báo lão thành Hương Nam gởi tặng Truy Phong cặp kính lão: “Kính lão đôi tròng anh gởi cho/ Cũng không sáng nổi mắt bạn mờ/ Nhưng lòng bạn sáng, lòng anh sáng/ Chung sáng đêm trường đôi mắt thơ”.

Ông - nhà thơ Kiên Giang - là vậy: sống cho đời, sống cho người. Tình bằng hữu của ông đối với nhà thơ Truy Phong đẹp như “Tình nghĩa giáo khoa thư” - tên một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Sơn Nam./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết