Hơn 2 năm triển khai thực hiện, nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt một số kết quả. Tuy nhiên, nhiều địa phương, người dân còn “lúng túng” khi thực hiện, nhất là những nơi trong vùng đề án nên nông nghiệp ƯDCNC chưa thể “cất cánh”.
Thiếu hạ tầng phục vụ sản xuất
Dù được đầu tư nhưng hạ tầng phục vụ sản xuất (SX) nông nghiệp ƯDCNC ở nhiều địa phương vẫn hạn chế. Hệ thống điện, trạm bơm, đê bao, đường giao thông vận chuyển hàng hóa,... chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Thị trường tiêu thụ là bài toán nan giải hiện nay
Là huyện nằm trong vùng SX lúa ƯDCNC của tỉnh nhưng Mộc Hóa còn “lúng túng” khi thực hiện. Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Lâm Hòa Xứng cho biết: “Địa phương phối hợp sở, ban, ngành tỉnh để triển khai đề án theo kế hoạch nhưng quá trình thực hiện còn gặp khó khăn. Hạ tầng phục vụ SX chưa bảo đảm, nhất là hệ thống điện phục vụ các trạm bơm, đường giao thông để vận chuyển nông sản,... Huyện kiến nghị, tỉnh sớm đầu tư thêm hạ tầng; hỗ trợ thêm về việc xác nhận các loại giống và xem xét, điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế từng địa phương”.
Ở huyện Thạnh Hóa, người dân cũng gặp trở ngại do thiếu hạ tầng phục vụ SX. Ông Nguyễn Thanh Tấn, ngụ ấp Nước Trong, xã Thủy Đông, nói: “Gia đình tôi có 1,7ha đất trồng lúa. Nhận thấy tầm quan trọng, ý nghĩa của SX lúa ƯDCNC nên gia đình tham gia. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chưa bảo đảm, điện yếu nên vận hành trạm bơm khó khăn”.
“Để phục vụ SX nông nghiệp ƯDCNC, huyện chỉ bố trí được một phần kinh phí để xây dựng, nâng cấp một số công trình trong khả năng. Chúng tôi kiến nghị, tỉnh xem xét, sớm đầu tư thêm một số công trình điện, đường, trạm bơm để người dân an tâm SX. Huyện cũng rà soát lại các chính sách hỗ trợ ƯDCNC để có đề xuất, kiến nghị cụ thể” - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tạo chia sẻ.
Ít mô hình điểm
Mô hình (MH) điểm có vai trò quan trọng trong chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC nhưng theo lãnh đạo nhiều địa phương và người dân, hiện nay, MH điểm triển khai “nhỏ giọt”, gây khó khăn trong việc học tập kinh nghiệm cũng như nhân rộng ra bên ngoài.
Huyện Đức Huệ, Đức Hòa nằm trong vùng chăn nuôi bò thịt ƯDCNC nhưng người nuôi chưa có nhiều nơi để học tập kinh nghiệm. Bà Trần Thị Hoàng, ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, nói: “Gia đình tôi nuôi bò thịt từ nhiều năm nay, thu nhập tương đối ổn định. Khi được tuyên truyền ƯDCNC vào chăn nuôi, tôi rất háo hức, chờ triển khai MH điểm để học tập, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy có nhiều MH điểm, nếu có thì cũng không khác so với hiện tại tôi nuôi”.
Chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao còn khá khó khăn
Ông Lương Văn Nghiệp, ngụ ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, cho rằng: “Chúng tôi cần tỉnh xây dựng nhiều MH điểm về nuôi bò thịt ƯDCNC để học tập kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần có cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách thực hiện cho người dân”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ - Phạm Văn Liên, huyện còn lúng túng trong quá trình thực hiện ƯDCNC vào chăn nuôi bò thịt, vì thiếu cán bộ chuyên môn hướng dẫn, người dân quen kiểu SX cũ nên chưa thể thay đổi nhận thức một sớm một chiều. MH điểm còn rất ít nên huyện chưa rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng. Huyện kiến nghị, tỉnh cần hoàn chỉnh xây dựng MH điểm để địa phương, người dân tham quan, học tập và tự rút kinh nghiệm, áp dụng thực tế.
Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh - Nguyễn Thanh Truyền kiến nghị: Tỉnh cần hỗ trợ triển khai thêm nhiều MH điểm và sớm đầu tư thêm hạ tầng như điện, trạm bơm,... tại những xã trong vùng đề án để phục vụ SX lúa ƯDCNC.
Nan giải đầu ra
Thời gian qua, việc liên kết “4 nhà”; vai trò của ngành chức năng còn “mập mờ”; nhiều hợp tác xã (HTX) thụ động, chưa phát huy hết công năng, chưa mạnh dạn chuyển đổi sang hướng kinh tế thị trường;... là nguyên nhân ảnh hưởng đến đầu ra nông sản. Đến nay, số lượng HTX tìm được thị trường tiêu thụ ổn định chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Đa số nông sản làm ra, nông dân phải bán qua thương lái và bị ép giá. Vì vậy, đầu ra nông sản vẫn là bài toán nan giải của nhiều địa phương cũng như nông dân khi tham gia nông nghiệp ƯDCNC.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trương Văn Điệp nhìn nhận, thời gian qua, nông sản của huyện vẫn gặp khó về thị trường tiêu thụ vì số lượng doanh nghiệp bao tiêu còn hạn chế. Do đó, tỉnh cần có các giải pháp để giải quyết vấn đề đầu ra nông sản, nhất là ở những địa phương trong vùng thực hiện đề án.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần nhiều mô hình điểm hơn
Tại huyện Cần Đước, dù SX rau ƯDCNC khá thuận lợi, người dân chủ động thực hiện, tổ chức chặt chẽ nhưng thị trường tiêu thụ còn khó khăn. HTX Rau an toàn Mười Hai (ấp 4, xã Long Khê) là một trong những HTX rau ƯDCNC được nhiều nơi đến tham quan, học tập. Tuy nhiên, Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy lo lắng: “Thị trường tiêu thụ là trở ngại lớn nhất của chúng tôi hiện nay. Rau của HTX phải bán cho thương lái nên giá cả bấp bênh. Dịp tết vừa rồi, cải ngọt bán giá 30.000 đồng/kg nhưng từ nửa đầu tháng 3 chỉ còn 2.000 đồng/kg. Chúng tôi cần được hỗ trợ để tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định”.
Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường thông tin: “Trồng rau ƯDCNC được người dân địa phương tích cực tham gia, nhiều MH đạt kết quả cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, phải phụ thuộc vào thương lái. Địa phương phối hợp ngành liên quan chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhưng số lượng còn hạn chế. Huyện kiến nghị tỉnh xem xét hỗ trợ, kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để nông dân an tâm SX”.
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá về tiến độ thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp, tìm ra các giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan để đề án của tỉnh đạt kết quả, mục tiêu đặt ra, nhằm góp phần phát triển KT-XH địa phương, nâng cao thu nhập cho nông dân./. |
(còn tiếp)
Bài 2: Gỡ vướng mắc, tạo đột phá
Thanh Mỹ