Tiếp tục Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, sáng nay (29/12), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo về tình hình thu, chi ngân sách năm 2016. Theo đó, thu ngân sách đến thời điểm này đạt 100,7% dự toán, riêng ngân sách địa phương vượt 15%, đến hết năm nay sẽ vượt khoảng 70.000 tỷ đồng.
Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng kinh tế năm 2016 không đạt như chỉ tiêu đề ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất từ giá dầu sụt giảm.
“Khi xây dựng dự toán với giá dầu là 60 USD/thùng, nhưng thực tế giá dầu chỉ trong khoảng 40 USD/thùng, điều này làm thất thu ngân sách trên 2.400 tỷ đồng, giá khí cũng làm giảm thu 1.000 tỷ đồng. Hoạt động của khối ngân hàng thương mại giảm nộp ngân sách 30%. Ngoài ra, ngân sách cũng giảm thu ngân sách từ các dự án lớn bị thua lỗ thuộc các doanh nghiệp nhà nước.
Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương. (Ảnh: VGP)
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá, tổng thể thu ngân sách nhà nước năm 2016 đã vượt mức Quốc hội đề ra, thu ngân sách địa phương đều vượt mức dự toán. Điều này thể hiện quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị trong đó có ngành tài chính. Các chỉ tiêu về bội chi và nợ công có khả năng giữ được theo báo cáo của Quốc hội.
Trong chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá trốn thuế, ngành tài chính đã có nhiều biện pháp như phong tỏa tài khoản, công khai doanh nghiệp nợ thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu. Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, ngành tài chính đã phối hợp với Tập đoàn Xăng dầu thực hiện giải pháp dán tem, niêm phong đồng hồ, công tơ tổng với cơ sở kinh doanh xăng dầu.
“Sau 3 tháng thực hiện, kết quả rất rõ nét, sản lượng tiêu thụ tăng, số thuế họ phải nộp tăng 15-30%. Điều đó cho thấy gian lận về xăng dầu trong nước rất lớn. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tới đây sửa Nghị định 83, tiến tới kiểm soát được đầu nhập vào của xăng dầu nội địa”, Bộ trưởng Tài chính chỉ rõ.
Về thu hồi nợ đọng thuế, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết đến hết tháng 11/2016 đã thu hồi được 42.000 tỷ đồng nợ đọng thuế và số còn nợ đọng thấp hơn thời điểm năm 2015. Trong năm 2016, cơ quan hải quan đã thực hiện gần 9.000 cuộc thanh kiểm tra sau thông quan, xử lý tăng thu thêm 3,3 nghìn tỷ đồng. Số nợ thuế hải quản hiện chỉ còn 1%.
“Bộ Tài chính luôn chỉ đạo thu đủ, đúng, kịp thời các khoản phát sinh để đảm bảo về nghĩa vụ thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Tuy nhiên chúng tôi cũng nhận thấy rằng công tác thuế, hải quan còn phải cố gắng nhiều khi mà số nợ đọng thuế còn lớn, còn tình trạng thất thu với hàng triệu hộ kinh doanh cá thể không sử dụng hệ thống kế toán, hóa đơn điện tử”, Bộ trưởng bày tỏ.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, hiện nay ngành tài chính đang chỉ đạo đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử để tránh tình trạng hoàn thuế giá trị gia tăng gian lận, mua bán hóa đơn nhập nhằng, thậm chí có người lập hàng chục doanh nghiệp không kinh doanh mà chỉ buôn bán hóa đơn.
Nhấn mạnh tính đột phá trong năm 2016 là việc rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện việc kiểm tra chuyên ngành đang thực hiện theo 22 luật, 253 thông tư, quy định của các bộ. Để rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành, Chính phủ và ngành tài chính phải sửa đổi, bổ sung 87 văn bản, làm mới làm được 24 văn bản trong điều kiện phương tiện nhân lực thiếu và yếu.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo mạnh mẽ cho công tác kiểm tra chuyên ngành. “Nếu không sửa đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành sẽ rất vướng trong vấn đề thông quan hàng hóa. Chưa kể phương thức kiểm tra chuyên ngành đang nặng về hành chính, chậm đổi mới, xã hội hóa, phương tiện, nhân lực thiếu và yếu”, ông Dũng nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Đánh giá về kết quả hoạt động của ngành tài chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước tình hình kinh tế khó khăn năm vừa qua Chính phủ đã rất lo lắng về việc thu ngân sách, nhưng cuối cùng các ngành, địa phương cũng đã hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, ngân sách luôn rất quan trọng để cân đối nên các cấp, các ngành, địa phương cần cố gắng đảm bảo thu chi để vượt qua khó khăn.
Thủ tướng cho rằng, mặc dù giá dầu thế giới liên tục giảm trong năm vừa qua đã ảnh hưởng đến nguồn thu từ xuất nhập khẩu, xăng dầu… tuy nhiên nhiều nguồn thu nội địa cũng đã sụt giảm nên cần phải xem xét đến việc chi tiêu tiết kiệm, nhất là tại các địa phương cần trợ cấp ngân sách thì càng phải tiết kiệm.
“Lãnh đạo các thành phố cần đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sâu sát về vấn đề này, tính toán tiền bạc chặt chẽ nhất là trong việc chi nguồn ngân sách nhà nước, tránh thất thu đặc biệt là phải xem xét đối với 3,5 hộ kinh doanh cá thể có thất thu ra sao trong thời gian tới”, Thủ tướng lưu ý./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN