Tiếng Việt | English

12/10/2020 - 15:15

Đức Huệ: Nỗ lực thực hiện tốt chương trình giảm nghèo

Hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Đức Huệ

Hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Đức Huệ

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Huệ, tỉnh Long An - Trần Quốc Bảo cho biết: Thời gian qua, huyện luôn nỗ lực thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Huyện luôn quan tâm, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ để giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Các nguồn lực được đầu tư, hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã biên giới đã góp phần giúp người dân nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Từ năm 2016 đến nay, huyện được đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng hạ tầng, hỗ trợ vốn cho người nghèo có phương tiện sản xuất,… Từ số tiền hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã có cuộc sống ổn định hơn.

Ông Lý Hoài Thanh, ngụ ấp 1, xã Mỹ Quý Đông, cho biết: “Được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tôi đầu tư nuôi bò, heo. Giờ đây, đàn bò, heo của gia đình tôi gầy dựng được hàng chục con, kinh tế khá giả, thoát nghèo bền vững”.

Còn ông Võ Minh Dương, ngụ ấp 3, xã Bình Hòa Nam, chia sẻ: “Tôi rất vui mừng vì được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, vận động mạnh thường quân xây tặng gia đình căn nhà tình thương. Giờ đây, tôi có thể yên tâm, không lo mưa nắng, ổn định cuộc sống”.

Bên cạnh đó, huyện còn tập trung đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo để người lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Từ năm 2016 đến nay, huyện tổ chức được 38 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với hơn 1.000 học viên tham gia.

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện kiến nghị tỉnh tăng nguồn vốn nhân rộng mô hình cao hơn so với hiện nay, tăng nguồn vốn Chương trình 135 cho xã biên giới để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, nâng mức hỗ trợ xây nhà cho người có công và người nghèo, cần quan tâm hỗ trợ nhà ở cho hộ cận nghèo, khuyết tật, neo đơn không có lao động và thu nhập ổn định.

Từ năm 2016 đến nay, tổng dư nợ của cả 3 nguồn vốn là 113.751,29 triệu đồng với tổng số 3.827 hộ vay gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Ngoài ra, huyện còn vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện xây dựng 165 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, trị giá 6.836 triệu đồng.

Thời gian tới, huyện tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo một cách căn cơ, bền vững; phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ và các tổ chức thành viên trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, làm tốt công tác quản lý, xác định hộ nghèo, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Ngoài việc hỗ trợ học nghề miễn phí, người lao động nghèo còn được phổ biến kiến thức về khoa học - kỹ thuật, tư vấn pháp luật, quản lý kinh tế, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động trợ giúp cần hướng đến tính bền vững, trợ giúp cần có cam kết, điều kiện kèm theo và hướng dẫn hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh; đồng thời, phối hợp để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho hộ nghèo. Chính quyền địa phương cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát chặt chẽ, hỗ trợ tối đa về kỹ thuật và các điều kiện chăn nuôi cho người dân khi có vấn đề phát sinh./.

 Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết