Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ, chăm sóc
Những câu chuyện thương tâm
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Long An xảy ra 5 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Nguyên nhân do trẻ chưa biết bơi; một số em biết bơi nhưng chủ quan tắm ở những nơi có dòng nước chảy xiết, ao, hồ sâu, không có người lớn trông coi; một số địa phương chưa quan tâm đến công tác phổ cập bơi và giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ,...
Cụ thể như trường hợp em Huỳnh Bảo Toàn (13 tuổi, quê Sóc Trăng, tạm trú xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Ngày 12/4/2019, Toàn và 3 học sinh lớp 7, Trường THCS Trần Thế Sinh rủ nhau ra sông Thủ Đoàn tắm. Lúc đó, nước đang lên cao và chảy mạnh nhưng Toàn vẫn bơi ra xa. Một lúc sau, khi em bơi vào thì đuối sức, chỉ còn cách bờ khoảng 2m thì bị chìm. Phát hiện Toàn bị chìm, các em còn lại kêu cứu nhưng không kịp.
Sự ra đi của Toàn để lại nỗi đau rất lớn cho gia đình và xã hội. Phụ huynh em Toàn nghẹn ngào nói: “Toàn rất hiếu thảo, ngoan ngoãn và học giỏi. Chỉ vì một phút ham chơi, thiếu sự kiểm soát của gia đình mà con gặp tai nạn. Giá như lúc Toàn tắm sông có người lớn trông coi, giá như tôi quan tâm đến con nhiều hơn,... thì Toàn đâu có ra đi như vậy!”.
Hay trường hợp bất cẩn của gia đình anh Nguyễn Minh L., ngụ xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh. Vào cuối tháng 4/2019, em Nguyễn Minh Ph. (14 tháng tuổi) qua nhà ông nội chơi cách đó một con mương. Do bận việc nhà, mẹ Ph. không quan sát con, bé không may bị ngã xuống nước và tử vong. Em ra đi trong sự bàng hoàng, đau đớn của cha mẹ, gia đình và những người xung quanh.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo
Tai nạn đuối nước luôn là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh. Để phòng, chống đuối nước cho trẻ em, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Theo đó, ngành LĐ-TB&XH đã và đang thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; mô hình Ngôi nhà an toàn,...
Chị Đặng Thị Thu Sáng (ngụ ấp 2, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) nói: “Mô hình Ngôi nhà an toàn góp phần giúp phòng, chống tai nạn, thương tích rất hiệu quả”
Huyện Thạnh Hóa là địa phương tiêu biểu thực hiện tốt mô hình Ngôi nhà an toàn. Được biết, năm 2011, huyện bắt đầu thực hiện mô hình. Ngôi nhà an toàn phải bảo đảm 33 tiêu chí, trong đó, một số tiêu chí bắt buộc phải thực hiện đạt 100% như xung quanh ao, hồ chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực nhà ở phải có hàng rào chắc chắn, bảo đảm an toàn cho trẻ em; giếng nước, bể nước hoặc các đồ dùng chứa nước khác phải có nắp đậy an toàn; cửa sổ phải có chấn song, các thanh dọc chắc chắn và khoảng cách bảo đảm trẻ không chui qua được,... Đến nay, huyện xây dựng được 3.775 ngôi nhà an toàn ở các xã, thị trấn trên toàn địa bàn. Thông qua mô hình này, tỷ lệ trẻ em bị tai nạn, thương tích giảm theo từng năm. Chị Đặng Thị Thu Sáng, ngụ ấp 2, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Hàng ngày, vợ chồng tôi đi làm nên gửi con cho bà ngoại giữ. Bà ngoại bán tiệm tạp hóa nên việc xây dựng ngôi nhà an toàn vừa giúp tôi an tâm làm việc, vừa giúp con có được môi trường sống an toàn và lành mạnh”.
Không riêng gì ngành LĐ-TB&XH có nhiều mô hình hay góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ mà thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo xây dựng Kế hoạch Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2016-2020, nhất là đưa môn bơi lội vào giảng dạy trong trường học; vận động xã hội hóa xây dựng hàng chục hồ bơi. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Tân Thạnh - Đinh Bùi Lĩnh thông tin: “Hè này, huyện phối hợp các trường học mở ít nhất 2 lớp phổ cập bơi với hơn 70 em. Việc này được huyện duy trì nhiều năm qua”.
Phổ cập bơi là một trong những biện pháp tích cực phòng, chống đuối nước
Phổ cập bơi được xem là một trong những phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa trẻ em tử vong do đuối nước. Em Nguyễn Huỳnh Long, ngụ xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, bộc bạch: “Hè này, em được cha mẹ cho học bơi. Tại đây, em được huấn luyện viên hướng dẫn kỹ năng làm quen với môi trường nước, sơ cấp cứu khi đuối nước, các kiểu bơi,...”.
Còn nhiều khó khăn
Bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là phòng, chống tai nạn, thương tích của tỉnh còn nhiều khó khăn. Theo thống kê, hiện nay, số trẻ em biết bơi trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số trên 360.000 trẻ. Từ đó, năm nào trên địa bàn tỉnh cũng có trẻ tử vong do đuối nước. Đây được xem là vấn đề nhức nhối của các cấp, các ngành trong thời
gian qua.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa - Phạm Chí Cầm nói: “Địa bàn xã có nhiều kênh, rạch. Người dân sống chủ yếu bằng nghề nông nên đời sống còn nhiều khó khăn. Do đó, việc xã hội hóa xây dựng hồ bơi và sân chơi cho trẻ em còn khó khăn. Trong khi trẻ em rất hiếu động, người lớn thì lo đi làm, không có thời gian quan tâm đến trẻ nên tai nạn, thương tích ở trẻ có thể xảy ra”.
Trẻ em tụ tập chơi ở sông, ao, hồ dễ xảy ra tai nạn đuối nước
Không riêng những địa phương có nhiều kênh, rạch thường xảy ra trường hợp trẻ tử vong do đuối nước mà những địa phương khác như huyện Đức Hòa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ tử vong cao. Hiện nay, Đức Hòa là nơi tập trung rất nhiều hầm nước sâu do khai thác đất nhưng đa số chưa được che chắn cẩn thận. Thiết nghĩ, các ngành chức năng sớm có biện pháp giải quyết tình trạng này, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa cho biết: “Năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 940 trường hợp trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó có 17 trẻ tử vong. Trẻ bị tai nạn, thương tích xảy ra chủ yếu ở trẻ từ 0-5 tuổi, chiếm 37,1%; trẻ từ 6-9 tuổi chiếm 23%. Những con số thống kê đáng buồn trên tiếp tục là hồi chuông cảnh báo, nhắc nhở chúng ta - những người lớn, những người có trách nhiệm phải tiếp tục quan tâm đến trẻ em một cách đầy đủ, thiết thực hơn. Tháng hành động Vì trẻ em năm 2019 với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo”, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là Luật Trẻ em 2016; tăng cường truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia về trẻ em 111 nhằm kịp thời hỗ trợ trẻ em; tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ; chủ động phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông,... bảo đảm kỳ nghỉ an toàn, lành mạnh cho trẻ”./.
"Năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 940 trường hợp trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó có 17 trẻ tử vong. Những con số thống kê đáng buồn trên tiếp tục là hồi chuông cảnh báo, nhắc nhở chúng ta - những người lớn, những người có trách nhiệm phải tiếp tục quan tâm đến trẻ em một cách đầy đủ, thiết thực hơn”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa
|
Minh Thư