Tiếng Việt | English

07/10/2022 - 16:51

Không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

So cùng kỳ năm 2021, hiện số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết (SXH) đều tăng cao. Vì vậy, ngành Y tế cùng các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.

Thường xuyên kiểm tra, thay rửa, đậy nắp kín các vật dụng chứa nước và thả cá để tiêu diệt lăng quăng, phòng bệnh sốt xuất huyết

Cảnh giác với dịch sốt xuất huyết 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 02/10/2022, toàn tỉnh Long An ghi nhận 12.707 trường hợp mắc SXH, tăng 8,7 lần so với cùng kỳ năm 2021 và 10 ca tử vong, tăng 9 ca so với cùng kỳ. Trong đó, có 524 trường hợp mắc SXH Dengue nặng, tăng 12,5 lần so với cùng kỳ. Trước tình hình bệnh SXH gia tăng, ngành Y tế tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống dịch và vận động người dân phối hợp, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống SXH.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan (ấp Mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) chia sẻ: “Qua tuyên truyền trên loa, đài về tình hình dịch bệnh và các hoạt động phòng, chống bệnh SXH của ngành Y tế, tôi không chủ quan, lơ là, thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thay nước bình hoa, giữ vệ sinh môi trường xung quanh, cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày,...”.

Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh duy trì công tác giám sát dịch tễ, đánh giá nguy cơ dịch SXH trên toàn tỉnh để kịp thời đưa ra biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh từ cộng đồng; tổ chức theo dõi, phân tuyến quản lý, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bệnh chuyển nặng, tử vong.

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch 

Là điểm nóng về dịch SXH, tính đến ngày 30/9/2022, huyện Đức Hòa ghi nhận 3.734 ca mắc, tăng gấp 2,6 lần so cùng kỳ năm 2019 và 6 trường hợp tử vong. Số ổ dịch ghi nhận là 693, tăng 2,1 lần so cùng kỳ năm 2019. Các xã, thị trấn ghi nhận số ca mắc cao: Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông, Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa Thượng, Hòa Khánh Đông, Đức Lập Hạ và Đức Lập Thượng.

Để phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn, ngành Y tế huyện Đức Hòa phối hợp địa phương xử lý ổ dịch nhỏ, gồm diệt lăng quăng kết hợp với phun hóa chất diệt muỗi. Mô hình điểm thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng tại xã Đức Hòa Đông tiếp tục được duy trì hiệu quả, bước đầu mang lại kết quả tốt, làm giảm tỷ lệ lăng quăng và muỗi tại xã sau chiến dịch.

Công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh được thực hiện bằng nhiều hình thức: Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, vãng gia, họp nhóm,... để người dân hiểu về sự nguy hiểm của bệnh SXH và các biện pháp phòng bệnh. Từ đó, chủ động phối hợp chính quyền địa phương, ngành Y tế tích cực tham gia vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, loại bỏ vật dụng phế thải đọng nước,…

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa - Lương Thị Hồng Thắm cho biết: “Dự báo trong thời gian tới, dịch SXH tiếp tục diễn biến phức tạp và có khả năng bùng phát trên diện rộng tại các xã có nhiều nhà trọ, khu cụm công nghiệp như Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông, Mỹ Hạnh Nam, Mỹ Hạnh Bắc,... Vì vậy, Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất diệt muỗi diện rộng khi thỏa tiêu chí, hướng dẫn xử lý dịch SXH theo quyết định số 3711/QĐ-BYT; giám sát, tổng hợp thống kê, báo cáo hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đúng thời hạn, đủ thông tin theo các biểu mẫu quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT, ngày 28/12/2015 và phần mềm thống kê báo cáo SXH. Đồng thời, Trung tâm tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh SXH; tiếp tục thực hiện giám sát và xử lý ổ dịch nhỏ theo hướng dẫn chuyên môn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh”.

Các chuyên gia dự báo thời gian tới, số ca mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hàng năm từ tháng 7 đến tháng 11. Do đó, các địa phương cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Ngành Y tế khuyến cáo người dân khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh SXH phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà./.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Thường xuyên thay nước bình hoa, thả cá hoặc hóa chất diệt lăng quăng vào các hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh,...

Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng để muỗi không đẻ trứng.

Ngủ mùng phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi,... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Tích cực phối hợp ngành Y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết