Tiếng Việt | English

27/09/2017 - 16:06

Dưới ngọn cờ tiên phong của Đảng

Kỳ 4: Cùng xây dựng quê hương ngày càng phát triển

Đồng Tháp Mười trước kia là vùng đất hoang hóa, đầy khó khăn. Giờ, nơi đây từng bước hình thành đô thị, xóm làng trù phú. Ở đó, còn có nhiều câu chuyện về những đảng viên sống trọn tình, trọn nghĩa vì người khác!


Làm hết việc chứ không hết giờ trở thành nếp làm việc quen thuộc tại Trung tâm Văn hóa và Thông tin thị xã Kiến Tường

Người lính cụ Hồ!

Đến xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, hỏi nhà chú ba Châu (Võ Minh Châu), hầu như ai cũng biết. Vợ chồng chú ba Châu nổi tiếng về sự tử tế và gương mẫu, tiên phong trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nhiều năm nay, vợ chồng chú thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài xã.

Trước khi gặp chú ba Châu, chúng tôi được nghe không ít “tiếng lành” về vợ chồng chú: Uy tín, gương mẫu trong mọi hoạt động, đi đầu đóng góp các phong trào ở địa phương. Cô chú đều là đảng viên (ĐV), ngoài 60 tuổi. Mỗi ngày, họ chia sẻ cùng nhau những niềm vui giản dị: Chăm sóc cây cảnh, nhà cửa và giúp đỡ mọi người,...

Nhớ những ngày mới về Tuyên Thạnh dựng nhà, lập nghiệp, gia đình cô chú gặp rất nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Minh Thảo, ở xã Tuyên Thạnh, kể với chúng tôi: “Nghe những người sống lâu năm ở đây kể, hồi trước, nhà chú ba cực lắm! Cô chú phải làm đủ thứ nghề để nuôi 2 con ăn học. Giờ, cả 2 đều thành đạt nên cô chú có cuộc sống ổn định hơn. Ở đây, cô chú làm nhiều việc lắm! Giúp cho nhiều người nhưng lại rất ngại nói về mình”. Chị Thảo kể thêm, năm 2017, cô chú giúp một học sinh mắc bệnh ung thư chi phí điều trị”.

Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, vợ chồng chú ba Châu hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng cho các hoạt động từ thiện - xã hội, xây dựng địa phương. Nhà tình thương, cầu giao thông nông thôn, học bổng cho học sinh nghèo,... được vợ chồng chú đóng góp bằng tất cả sự sẻ chia. Hơn 1 tỉ đồng, con số đó là cả một gia tài! Và cô chú quyết định trao tặng cả gia tài ấy cho những “người dưng” thay vì con cháu trong nhà là một quyết định hết sức trân trọng!

Có những tháng ngày, khi gia đình chưa cất được một nếp nhà gạch khang trang thì cô chú vẫn sẵn sàng tặng nhà tình thương cho một hộ nghèo trong xã. Nhắc lại câu chuyện ấy, chú ba nói nhẹ tênh: “Nhà chú lúc đó tuy chưa là nhà tường nhưng lành lặn, không dột nát như nhà người ta. Còn ở được, mình cứ ở, người ta cần hơn thì mình dành cho họ trước!”. Rồi cô chú nhìn nhau mỉm cười mãn nguyện, bởi lẽ, đó là quyết định chung, là sự đồng lòng của cả 2 vợ chồng.

Ngoài sự sẻ chia nghĩa vợ, tình chồng, cô chú còn gắn bó nhau bởi tình đồng chí. Trước đây, cả cô và chú đều là bộ đội, cùng nhau nếm trải những gian nan, vất vả của chiến trường. Và theo chú, có lẽ đó là lý do khiến cô chú luôn cùng suy nghĩ: Phải sống tận tâm không chỉ cho mình mà còn cho người khác, cho đất nước. Chú nói: “Có lẽ, vợ chồng chú quen với nếp sống và sinh hoạt của người lính. Mình vất vả một chút nhưng luôn cảm thấy vui vì được mang đến niềm vui cho người khác”. Gặp cô chú, chúng tôi hiểu thêm phẩm chất cao quý của người ĐV, Bộ đội Cụ Hồ!

Tận tụy vì dân

Người làm được nhiều việc như vợ chồng chú ba không nhiều nhưng ĐV sống tận tâm vì người khác thì không hề thiếu. Hầu như ở bất cứ địa phương nào, đa số ĐV cũng đều là nòng cốt trong mọi phong trào. Họ gương mẫu, đi đầu và từ đó vận động người dân ủng hộ.

Ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, có một chi bộ ấp luôn đi đầu trong các phong trào - Chi bộ ấp Ông Lẹt. Toàn ấp có khoảng 200 hộ dân. Để ủng hộ các công trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, người dân chung tay đóng góp hàng trăm triệu đồng và gần 5ha đất. Nhờ vậy, hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn tại ấp này được nâng cấp, làm mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất nông nghiệp của người dân.


Đảng viên tại chi bộ ấp Ông Lẹt luôn là những người nòng cốt trong các hoạt động (trong ảnh: Một cuộc họp chi bộ tại ấp)

Để đạt sự đồng thuận đó, không thể không kể đến sự gương mẫu, đi đầu của những ĐV trong ấp. Như bà Nguyễn Thị Phúc - ĐV, giáo viên về hưu tại ấp. Là thành viên tổ vận động, bà Phúc luôn gương mẫu trong tất cả hoạt động đóng góp tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Tâm, ở ấp Ông Lẹt, cho biết: “Trong ấp có hoạt động gì thì cô Phúc luôn có mặt rất sớm để chuẩn bị. Nói về hiến đất thì trong ấp ít ai được như cô ấy!”. Sự gương mẫu đó là điểm chung của từng ĐV Chi bộ ấp Ông Lẹt. Nhờ vậy, ĐV trong chi bộ luôn được người dân tin yêu, ủng hộ. Nhiều năm liền, chi bộ ấp được đánh giá trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, luôn là ấp đi đầu trong các phong trào của xã.

Và dù ở vị trí nào, ĐV vẫn luôn giữ vai trò tiên phong trong mọi phong trào, nhiệm vụ. Họ không chỉ sẻ chia cùng người khác mà còn tận tụy, hết lòng vì công việc nhằm mang đến những điều tốt nhất cho người dân. Họ nỗ lực xây dựng hình ảnh người cán bộ, ĐV tận tụy, liêm khiết, gần dân và hết lòng vì dân. Để hiểu rõ điều đó, chúng tôi tìm đến Chi bộ phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Kiến Tường. Ở đó, chúng tôi biết về câu chuyện của những cán bộ văn hóa làm “hết việc chứ không hết giờ”, gặp gỡ những cán bộ, ĐV cần mẫn, tận tụy. Vào dịp lễ, tết, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Phòng Văn hóa và Thông tin và Trung tâm Văn hóa thị xã hầu như không được nghỉ.

Bí thư Chi bộ, quyền Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã - Nguyễn Thị Cẩm Hằng cho biết: “Với tâm thế hoàn thành nhiệm vụ chính trị, tôi luôn động viên các anh chị em, nhất là ĐV nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ để làm gương cho quần chúng. Đặc thù công việc đòi hỏi phải làm việc ngoài giờ: Tổ chức các chương trình văn nghệ phục vụ lễ, tết; treo cờ, phướng các ngày lễ lớn; tổ chức các sự kiện;... Những cán bộ, công chức ngành Văn hóa thường phải đi sớm, về trễ nên mỗi người, đặc biệt là các ĐV luôn sẵn sàng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.

Chị Hằng vừa nhìn 2 nữ cán bộ đang làm việc tại phòng, vừa kể: “Cả 2 em đều có con nhỏ nhưng công việc nhiều khi đòi hỏi phải hoàn thành trong thời gian rất ngắn nên các em cố gắng rất nhiều. Có em sau khi rước con từ trường mẫu giáo về, phải đưa thẳng tới cơ quan. Mẹ ngồi làm việc, con thì chơi quanh đó đợi mẹ!”.

Và câu chuyện đó trở thành quen thuộc với những cán bộ, công chức ngành Văn hóa tại thị xã. Trước những khó khăn trên, lãnh đạo, ĐV tại đơn vị luôn là người gương mẫu để động viên tinh thần cấp dưới của mình. Cán bộ, ĐV Hà Thị Thanh Trao nói về thủ trưởng của mình một cách trìu mến: “Cô Hằng hiền lắm và rất tận tâm với mọi người trong cơ quan. Ở lại làm việc ban đêm là chuyện thường của cô!”. Chị kể với chúng tôi: “Nhiều năm nay, cô Hằng hầu như không được đón giao thừa ở nhà vì phải theo sát các chương trình văn nghệ mừng giao thừa".

Bằng cách này hoặc cách khác, ở bất kỳ vị trí nào, các ĐV cũng thể hiện rõ vai trò gương mẫu của mình. Nhờ có những ĐV cao niên như vợ chồng chú ba Châu, suốt đời lao động chăm chỉ, chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh; ĐV Chi bộ ấp Ông Lẹt tiên phong vì lợi ích chung; ĐV tận tâm, hết lòng vì công việc như chị Hằng;... mà Đồng Tháp Mười ngày nay vươn lên với nhiều đổi mới. Những ĐV gương mẫu ấy khơi dậy các phong trào trong dân, để vùng đất hoang hóa, không đường, không điện, không nước hợp vệ sinh ngày xưa thành vựa lúa trù phú, trong đó, thị xã Kiến Tường đang phát triển từng ngày.

Chúng tôi xin khép lại bài viết bằng nhận xét của Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Kiến Tường - Trần Kim Anh: “Ở đây, ĐV luôn hăng hái hưởng ứng các phong trào, gương mẫu đi đầu và tuyên truyền cho người khác cùng tham gia. Tại cơ quan, đơn vị, mỗi người luôn tự rèn luyện đạo đức, chuyên môn để phục vụ tốt nhân dân. Những ĐV về hưu vẫn duy trì sinh hoạt Đảng, nắm bắt thông tin thời sự, tham gia làm kinh tế và tiếp tục đóng góp cho địa phương theo khả năng của mình”. Dưới ngọn cờ tiên phong của Đảng, những người ĐV luôn sẵn sàng đóng góp sức mình để xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.

Phương Phương-Thu Ngân

Chia sẻ bài viết