Tiếng Việt | English

22/06/2021 - 19:15

Ngành Giáo dục & Đào tạo góp phần xây dựng nông thôn mới

Giai đoạn 2016-2020, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Long An đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh. Đến nay, rất nhiều trường học và cơ sở GD&ĐT đã đạt chuẩn về giáo dục. Các thế hệ học sinh ra trường góp phần không nhỏ vào công cuộc XDNTM, xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Trường THCS Tân Đông, xã nông thôn mới có nhiều mảng xanh

Đẩy mạnh tuyên truyền về XDNTM trong trường học

Thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội, tạo sự đồng thuận về chủ trương, sự tích cực tham gia ủng hộ của các lực lượng cùng với ngành phấn đấu đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X về trường học đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới.

Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh, công tác tuyên truyền Chương trình XDNTM qua việc phổ biến rộng rãi trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) và các đoàn thể về chủ trương xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, về các tiêu chuẩn công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia do Bộ GD&ĐT quy định.

Đồng thời, việc tuyên truyền XDNTM còn được thực hiện lồng ghép qua các lớp tập huấn bồi dưỡng về xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh quá trình xây dựng các mô hình “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” ở các xã, phường, thị trấn; lồng ghép với các cuộc vận động: Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn XDNTM”.

Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp, ngành GD&ĐT tăng cường đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để có thêm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ XDNTM, nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng được nâng lên và sự chuyển biến tích cực. Nguồn vốn xã hội hóa đóng góp để sửa chữa phòng học, phòng chức năng, mua sắm bổ sung các thiết bị dạy và cải tạo các hạng mục sân đường, hệ thống thoát nước và các hạng mục khác góp phần tích cực trong việc hoàn chỉnh tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bình Phong Thạnh (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) cho biết: “Trường có gần 60 cán bộ, giáo viên, trên 800 học sinh, là một trong những trường điểm của khu vực Đồng Tháp Mười.

Thời gian qua, được sự quan tâm của huyện, ngành GD&ĐT, trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện công tác để hoàn thiện cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục góp phần vào chương trình XDNTM của địa phương. Cụ thể là trường triển khai trồng nhiều cây xanh, huy động giáo viên học sinh tham gia bảo vệ môi trường, hoàn thiện hạng mục hạ tầng. Sắp tới, trường được đầu tư, xây dựng, trang thiết bị thêm 8 phòng chức năng để bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh“.

Song song đó, ngành GD&ĐT xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án, kế hoạch nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học theo hướng đạt mức chất lượng tối thiểu tiến tới đạt chuẩn quốc gia: Triển khai Dự án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường và trong công tác đổi mới quản lý giáo dục giai đoạn 2016-2020; Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các trường công lập trên địa bàn tỉnh Long An năm 2016-2020”; Dự án mua sắm thiết bị dạy học phục vụ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM năm 2020; Dự án Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn năm 2017- 2020.

Trường Tiểu học Việt Lâm, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành được đầu tư xây dựng khang trang (Ảnh tư liệu)

Những kết quả khả quan

Đầu năm 2021, toàn tỉnh có ít nhất 80% tổng số xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất trường học. Qua đó, góp phần đạt  mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh các công trình, bảo đảm đạt chuẩn về cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; hỗ trợ xây dựng trường mầm non cho các xã vùng sâu, xa, khó khăn chưa có trường mầm non công lập.

Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 02-02-2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 29-12-2017 của Tỉnh ủy về “Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)”, đến cuối năm học 2019-2020, ngành GD&ĐT thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Về mạng lưới giáo dục mầm non, phổ thông so với đầu giai đoạn năm 2016, ngành đã sắp xếp tinh gọn bộ máy sự nghiệp công lập giảm 81 đơn vị. Toàn tỉnh hiện có 589 cơ sở giáo dục từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông. Trong đó, có 553 cơ sở giáo dục công lập và 36 cơ sở giáo dục ngoài công lập, tăng 11 cơ sở giáo dục ngoài công lập (tăng nhiều nhất ở cấp học mầm non với 9 đơn vị và những năm cuối giai đoạn 2020 có xu thế phát triển các cơ sở giáo dục cấp tiểu học và trung học cơ sở ngoài công lập).

Ngành GD&ĐT cũng tập trung phát triển trường học mầm non thuộc các xã vùng sâu, xa gặp khó khăn. Hiện toàn tỉnh có 17 đơn vị trường học mầm non (mẫu giáo) thuộc 18 xã vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; có 2 trường Đại học ngoài công lập thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT; 1 trường Cao đẳng sư phạm (công lập) thuộc quản lý của Sở GD&ĐT; 3 trường Trung cấp chuyên nghiệp (trong đó có 1 ngoài công lập) thuộc quản lý của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội;...

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Tây (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) - Nguyễn Kim Long thông tin: “Giai đoạn 2016-2020, Ban Giám hiệu và toàn thể giáo viên trường tiểu học quán triệt công tác xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng chất giáo dục nhằm cùng với địa phương XDNTM. Đến nay, trường đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng và tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục cho học sinh, góp phần cùng chính quyền duy trì và nâng cao tiêu chí về giáo dục”.

Thông tin từ Sở GD&ĐT, kế hoạch chương trình XDNTM giai đoạn (2021-2025) ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục phát triển hệ thống trường học mầm non, phổ thông tư thục ở địa bàn các khu, cụm công nghiệp và đô thị có mật độ dân cư cao để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn cũng như con em các gia đình di cư từ nơi khác đến; tổ chức sắp xếp lại trường học theo hướng thu gọn các điểm trường phụ gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học ở các xã. Đến năm 2025, ngành phấn đấu có 60% trường học đạt chuẩn quốc gia, có 80% đơn vị cấp xã đạt tiêu chí “Trường học” và có 90% đơn vị cấp xã đạt tiêu chí “Giáo dục”./.

Đến đầu năm 2021, số trường học trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới là 300/590 đơn vị. So với chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh đề ra thì tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia vượt 0,85%. Trong tổng số 161 xã có 128 xã đạt tiêu chí trường học, tỷ lệ 80%.

Lâm Đỗ

Chia sẻ bài viết