Tiếng Việt | English

01/09/2019 - 08:19

Nông thôn đổi mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh Long An hiện có 77 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, phấn đấu năm 2019 có thêm 8 xã và 1 huyện đạt chuẩn.

Thủy Đông đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 3/2019

Sức sống mới

Chúng tôi trở lại xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, vào một ngày mưa tháng 8. Những con đường đất, đá đỏ sình lầy vào mùa mưa trước đây nay khoác lên mình “chiếc áo mới” tinh tươm. Dọc theo tuyến đường chính dẫn về trung tâm xã là hàng cây hoàng yến đang trổ hoa vàng rực. Xen kẽ là hệ thống đèn chiếu sáng, hàng cột cờ đúng quy cách và các bảng tuyên truyền về chương trình xây dựng xã văn hóa, NTM. Đời sống người dân được cải thiện, minh chứng là những căn nhà tường, mái ngói kiên cố mọc lên ngày càng nhiều. 

Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt xã Thủy Đông được đầu tư nâng cấp

Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt xã Thủy Đông được đầu tư nâng cấp

Bà Võ Thị Kim Loan, ngụ ấp Nước Trong, xã Thủy Đông, phấn khởi nói: “Từ khi phát động chương trình XDNTM, hệ thống điện, đường, trường, trạm trên địa bàn xã đều được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, hệ thống cầu nông thôn không ngừng được nâng cấp, mở rộng, thông suốt trên các tuyến đường. Hệ thống thủy lợi, đê bao được nạo vét, gia cố thường xuyên nên việc sản xuất của người dân rất thuận lợi. Có thể nói, so với trước đây, bộ mặt nông thôn có những đổi thay vượt bậc”.

Chủ tịch UBND xã Thủy Đông - Phan Vũ Cường cho biết: “Đạt kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, cùng sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương và sự đồng thuận của người dân. Đến nay, hộ nghèo đa chiều của xã chỉ còn 1,68%; hộ dân sử dụng điện và nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%,...”. Từ một xã thuần nông có xuất phát điểm thấp, qua XDNTM, hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng lên, tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH của địa phương.

Rời Thủy Đông, chúng tôi đến xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, một trong những xã vừa được công nhận đạt chuẩn NTM. Cũng như Thủy Đông, trước khi thực hiện chương trình XDNTM, tình hình KT-XH của địa phương còn nhiều khó khăn với hơn 95% người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 15,4 triệu đồng/năm, hộ nghèo trên 16%. Bên cạnh đó, địa bàn xã tương đối rộng, kênh, rạch chằng chịt trong khi hệ thống cầu, đường giao thông nhỏ, hẹp nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa bất tiện.

Chủ tịch UBND xã Hậu Thạnh Tây - Nguyễn Văn Sinh chia sẻ: “Qua khảo sát và lập đề án XDNTM thời điểm năm 2013, xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, 6 năm qua, xã huy động nguồn vốn XDNTM trên 192 tỉ đồng, trong đó, người dân và doanh nghiệp đóng góp trên 66 tỉ đồng”. Đến nay, hệ thống giao thông được đầu tư tương đối đồng bộ, 3/3 trường học đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế, nhà văn hóa ấp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, vui chơi, sinh hoạt của người dân,...

Đường giao thông xã Hậu Thạnh Tây được tráng bêtông rộng rãi, khang trang

Huy động mọi nguồn lực

Được biết, giai đoạn 2011-2018, toàn tỉnh huy động trên 48.539 tỉ đồng để thực hiện chương trình XDNTM. Trong đó, vốn tín dụng là chủ yếu với trên 30.328 tỉ đồng, vốn ngân sách nhà nước trên 11.192 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp, cộng đồng và nhân dân đóng góp trên 7.018 tỉ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 77 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm hơn 46,39% tổng số xã toàn tỉnh. Số tiêu chí đạt bình quân 15,2 tiêu chí/xã (đây là mức đạt khá cao so với các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí. Phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 8 xã được công nhận xã NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 85 xã. 

Theo Văn phòng Điều phối chương trình XDNTM tỉnh, cùng với sự quan tâm đầu tư về kết cấu hạ tầng, công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được chú trọng theo hướng bền vững và xã hội hóa. Nhiều chủ trương, chính sách, dự án tập trung nguồn lực cho chương trình nhằm cải thiện đời sống của hộ nghèo, cận nghèo được triển khai thực hiện khá hiệu quả, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh chỉ còn 9.108 hộ nghèo, chiếm 2,22%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn khoảng 45 triệu đồng/năm.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu

Bên cạnh những thuận lợi, việc huy động nguồn lực thực hiện chương trình XDNTM còn gặp nhiều khó khăn, nhất là huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi và điện phục vụ sản xuất. Cảnh quan môi trường nông thôn ở một vài nơi chưa thật sự xanh, sạch đẹp. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục có xu hướng gia tăng là nỗi lo của nhiều địa phương hiện nay,...

Mục tiêu của chương trình XDNTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Vì vậy, không phải đạt chuẩn là kết thúc mà phải nỗ lực để giữ vững và nâng cao các tiêu chí, góp phần vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Xuất phát từ mục tiêu ấy, các cấp, các ngành và địa phương tập trung quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí một cách thực chất, bền vững và ngày càng hoàn thiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh, để đạt mục tiêu đề ra, trước hết, phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong XDNTM. Xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chỉ tiêu thi đua quan trọng của các cấp, các ngành và là tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức. UBND các xã phải xây dựng lộ trình cụ thể trong từng năm, đồng thời lập kế hoạch triển khai thực hiện từng tiêu chí, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng kết quả đã đạt sẽ là tiền đề quan trọng để các địa phương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xây dựng nông thôn phát triển toàn diện./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết