Tiếng Việt | English

22/05/2020 - 15:46

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh có tỷ lệ nữ tham gia lĩnh vực chính trị tăng.Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh Long An, nhất là chưa đạt chỉ tiêu về phụ nữ (PN) tham gia chính trị trong thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) đề ra. Điều này cần sự chung tay của các cấp, các ngành, góp phần tăng cường BĐG trong lĩnh vực chính trị.

Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia chính trị ở tỉnh còn thấp so với chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đề ra

Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia chính trị ở tỉnh còn thấp so với chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đề ra

Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia chính trị ở tỉnh còn thấp so với chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đề ra. Phó Giám đốc Sở Lao động  - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết: “BĐG  trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho PN được nói lên tiếng nói đại diện cho giới mình,  phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Theo đó, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm đến việc thực hiện các mục tiêu BĐG trên mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH và gia đình, nhất là trong lĩnh vực chính trị. 

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, nữ tham gia cấp ủy Đảng đạt 20,23%, nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đạt 23,85%; các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 14,38%; cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ nữ 65,11%. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ tham gia chính trị còn rất thấp so với chỉ tiêu, nhiệm vụ trong thực hiện Chiến lược Quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020”.

Theo Chiến lược Quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 (phấn đấu đạt nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016-2020 từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016-2020 trên 35%; phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 95% UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% và đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có  30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động) thì ở Long An các chỉ tiêu này đều không đạt.   

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất BĐG trong lĩnh vực chính trị là do nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí, năng lực lãnh đạo, quản lý của PN vẫn còn mang nặng định kiến giới, khó thay đổi; một số cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ và chưa dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức cho việc thực hiện BĐG trong công tác cán bộ; một số cán bộ nữ do điều kiện, hoàn cảnh còn ngại tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị nên công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ ở một số địa phương bị thiếu hụt,…

Huyện Cần Đước là một trong những địa phương có tỷ lệ nữ tham gia chính trị thấp. Cụ thể, nữ tham gia cấp ủy Đảng cấp huyện nhiệm kỳ 2016-2020 là 5/43, chiếm 11,63%; xã, thị trấn 54/213, chiếm 25,35%. Còn nữ đại biểu HĐND cấp huyện từ năm 2016-2020 là 8/39, chiếm  20,51%; xã, thị trấn 108/472, chiếm 22,88%. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Bảy cho biết: “Thời gian qua, huyện luôn đẩy mạnh công tác truyền thông về BĐG, ủng hộ sự tham gia của PN trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; tuyên truyền vai trò và những đóng góp quan trọng của PN trong sự phát triển của huyện nhà; tham mưu Huyện ủy, UBND huyện tạo điều kiện cho PN học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ theo đúng quy trình, thủ tục. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ để làm căn cứ quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm nhằm thúc đẩy sự tham gia của PN trong công tác lãnh đạo, quản lý; khuyến khích, động viên PN học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, vươn lên khẳng định mình trên tất cả lĩnh vực; chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, khẳng định truyền thống quý báu của PN “Giỏi việc nước, đảm việc nhà””.

Thực tế cho thấy, nữ giới có đủ khả năng gánh vác các trọng trách như nam giới trên mọi lĩnh vực xã hội. Tuy vậy, tỷ lệ nữ tham gia chính trị ở tỉnh nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn thấp. Điều này cần phải nhìn nhận lại công tác BĐG trên lĩnh vực chính trị thời gian qua, đồng thời cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành để tăng cường công tác BĐG trong lĩnh vực chính trị, nhằm góp phần tăng tỷ lệ nữ trong cấp ủy, HĐND trong nhiệm kỳ tới./.

Kim Ngọc

 

Chia sẻ bài viết