Tiếng Việt | English

27/05/2017 - 17:30

“Like” càng nhiều càng tệ cho sức khỏe?

Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng lạm dụng mạng xã hội sẽ không tốt cho sức khỏe, và cái chúng ta thiếu chính là những tương tác thật ngoài đời.

Kết quả nghiên cứu cho thấy thói quen sử dụng Facebook ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và giao tiếp của chúng ta - Ảnh: Reuters
Facebook hiện là mạng xã hội lớn nhất hành tinh với gần 2 tỉ người dùng thường xuyên. Tin tức, các câu chuyện phiếm, hình ảnh động vật, những cơ hội lung linh... thu hút nhiều người theo dõi ngày đêm. Nhưng điều đó có tốt không?

Một nghiên cứu chuyên sâu công bố mới đây trên tạp chí Dịch Tễ Học Hoa Kỳ cho rằng câu trả lời là “không”. Các nhà khoa học phát hiện những ai xài Facebook càng nhiều, họ càng ít khỏe mạnh và ít hài lòng với cuộc sống. Nói thẳng ra thì: bấm chuột vào nút “Like” càng nhiều, cảm giác của bạn càng tệ.

Cảnh báo

Hai tác giả của nghiên cứu là bà Holly Shakya, giáo sư chuyên ngành sức khỏe cộng đồng thuộc Đại học California (San Diego) và ông Nicholas Christakis, giám đốc phòng nghiên cứu bản chất con người thuộc Đại học Yale.

Về cách thức tiến hành, các nhà khoa học theo dõi sức khỏe tinh thần, đời sống xã hội và thói quen dùng Facebook của 5.200 người trưởng thành tại Mỹ trong hơn hai năm.

Trong giai đoạn 2013 - 2015, những người tình nguyện đồng ý tham gia các cuộc khảo sát được Hãng thăm dò Gallup thực hiện. Kết quả này sau đó được chia sẻ với các nhà nghiên cứu, để họ ghi nhận những thay đổi về cảm xúc và hành vi của các người dùng.

Về thói quen dùng Facebook, dữ liệu ghi lại rất cụ thể: nhóm tình nguyện sử dụng nút “Like” bao nhiêu lần, bấm vào bài viết của bạn bè có thường xuyên không hay bao lâu thì họ thay đổi dòng trạng thái (status).

Song song đó, các nhà nghiên cứu hỏi các tình nguyện viên về đời sống xã hội: họ có hay tụ tập với bạn bè, đồng nghiệp ở ngoài không, cảm giác gần gũi ra sao... Ngoài ra còn một loạt câu hỏi khác để kiểm tra mức độ hài lòng với cuộc sống, sức khỏe tinh thần và cả cân nặng.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy thói quen sử dụng Facebook bị cho là gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất, tinh thần và giao tiếp của con người.

Chẳng hạn, cứ mỗi sự gia tăng (trên trung bình) trong các hoạt động trên mạng xã hội (“Like” bài viết, thay đổi trạng thái, đọc các đường link...), nguy cơ một người trải qua các vấn đề về sức khỏe tinh thần sau đó tăng thêm 5-8%.

Con người cần tình bạn thật sự

Phản hồi trước kết quả nghiên cứu, Facebook dẫn một kết luận khác của giáo sư Robert Kraut (Đại học Carnegie Mellon, Pennsylvania) và một chuyên gia của họ: “Tác động của Internet đối với sức khỏe con người phụ thuộc vào cách họ sử dụng nó”.

Tuy thừa nhận rất khó để đo lường hiệu ứng cảm xúc trong thế giới ảo, nhóm này cho rằng những ai nhận được nhiều bình luận từ bạn bè trên Facebook sẽ có mức độ hài lòng cuộc sống, tâm trạng tốt... tăng 1-3%.

Trong nghiên cứu của mình, giáo sư Shakya và Christakis tìm thấy mối liên hệ mạnh mẽ giữa các cuộc gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp ngoài đời thật với sự cải thiện về sức khỏe thể chất và tinh thần - một phát hiện tái khẳng định các kết quả nghiên cứu trước đây.

Công trình của Shakya và Christakis nổi bật ở chỗ họ có quyền truy cập dữ liệu Facebook của nhóm tình nguyện suốt hơn hai năm, qua đó theo dõi được những chuyển biến trong cuộc sống thật song song với các hoạt động trong thế giới ảo.

Có một điều rõ ràng là kết quả nghiên cứu này sẽ còn gây nhiều tranh cãi. Có thể mượn lời ông Christakis để kết luận: “Thay thế tương tác giữa người với người bằng giao tiếp qua mạng có thể đe dọa đến sức khỏe tinh thần của bạn. Cái con người ta cần là tình bạn thật sự và sự tương tác thật ngoài đời”. 

Facebook có lý do chính đáng để tự bào chữa, tuy nhiên trong hai tháng gần đây, có ít nhất hai nghiên cứu khác vạch ra tác động tiêu cực của truyền thông xã hội đối với thanh thiếu niên và người trưởng thành.

Một nghiên cứu trên 1.780 người Mỹ phát hiện truyền thông xã hội làm gia tăng cảm giác bị cô lập; một nghiên cứu khác trên 1.500 người Anh chỉ ra các trang web - đặc biệt là web hình ảnh - làm trầm trọng hơn cảm giác lo lắng và thiếu thốn.

Phúc Long/tuoitre online

Chia sẻ bài viết