Tiếng Việt | English

24/01/2020 - 11:55

Hoài niệm tết xưa

Theo dòng chảy cuộc sống hiện đại, Tết Cổ truyền của dân tộc có thay đổi đôi chút. Trong ký ức của những người lớn tuổi, tết xưa luôn có nét đẹp và
giá trị riêng để mỗi lần nhắc đến, họ bồi hồi như được sống lại thời xưa cũ.

Mỗi lần được con cháu hỏi về tết xưa, ông Phạm Văn Răng (82 tuổi), ngụ phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An lại bồi hồi một cảm xúc khó tả. Với ông, những hình ảnh về Tết Cổ truyền ngày xưa vẫn nồng nàn, ấm áp. Mỗi năm, gia đình ông luôn duy trì những phong tục của tết xưa. Ông chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, giáp tết là các thành viên trong gia đình lại tất bật dọn dẹp nhà cửa, mua sắm chuẩn bị đón năm mới. Cứ độ 28, 29 tháng Chạp, cả nhà quây quần gói bánh tét, chiều 30 là mọi thứ phải được chuẩn bị tươm tất để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Đặc biệt, Tết Cổ truyền của người miền Nam không thể thiếu món thịt kho tàu ăn kèm với dưa giá, củ kiệu. Theo thời gian, từ việc chuẩn bị đến việc đón tết cũng có nhiều thay đổi nhưng tôi luôn giáo dục con cháu không được quên nguồn cội, những phong tục tốt đẹp của dân tộc”.

Từ lâu, bánh tét đã trở thành lễ vật dâng cúng tổ tiên cũng như là món ăn không thể thiếu của người dân Nam bộ mỗi dịp tết. Ảnh: H.Tuấn

Là một người trẻ thuộc thế hệ 9X, Trần Nguyễn Kim Thanh (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) cho rằng: “Tuy em không được trải nghiệm trọn vẹn không khí Tết Cổ truyền ngày xưa nhưng qua lời kể của ông bà, cha mẹ, mỗi lần được xem những hình ảnh về tết xưa là lòng em lại dâng lên một cảm xúc thân thương, ấm áp đến lạ. Đến nay, gia đình em vẫn giữ những phong tục tết xưa như cúng tất niên, đón giao thừa, hái lộc, chúc tết, mừng tuổi, đi lễ chùa đầu năm…”.

Theo Nhà nghiên cứu Văn hóa, Văn nghệ dân gian - Võ Trường Kỳ, tết là khoảng thời gian đặc biệt thiêng liêng, dù có làm việc, học tập ở đâu đi nữa, đến tết, mỗi người vẫn mong được “về quê ăn tết”, sum vầy bên gia đình. Ông chia sẻ: “Tết xưa có nhiều phong tục rất ý nghĩa, được duy trì đến ngày nay. Ông bà ta thời xưa có câu “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Chúc tết là một trong những phong tục lâu đời thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đã được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngoài ra, đi lễ chùa đầu năm cũng là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Theo phong tục, mọi người thường đi chùa vào ngày mùng một tết để cầu mong năm mới gia đình được dồi dào sức khỏe, gặp nhiều tài lộc, may mắn”.

Tuy nhiên, theo thời gian, phong tục ngày tết cũng có phần thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình ở thành thị đã không còn giữ tục gói bánh tét. Hình ảnh các thành viên trong gia đình quây quần gói bánh, thức canh nồi bánh tét đã thưa dần… Mặc dù có nhiều thay đổi nhưng trong tâm trí của những người con đất Việt, tết vẫn là cột mốc thiêng liêng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Tết Cổ truyền chứa đựng nhiều giá trị tốt đẹp, mang đậm nét văn hóa dân tộc. 
Tết đến, mọi người lại chúc nhau “An khang thịnh vượng” và cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn./.

Bùi Tùng - Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết