Tiếng Việt | English

10/05/2017 - 11:05

Học ở Bác đức tính “cần”, “kiệm”

Không chỉ cần cù, chịu khó vươn lên làm giàu chính đáng, ông Lê Văn Dệ, sinh năm 1956, ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, được người dân quý mến vì luôn là người đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động, tích cực tham gia công tác xã hội, góp sức làm giàu quê hương.

Lớn lên trong cảnh nghèo khó, ông Lê Văn Dệ luôn nỗ lực vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ cuộc sống thiếu trước, hụt sau, giờ đây, qua bao năm làm lụng, tích góp, vợ chồng ông có gần 6ha đất lúa, đủ khả năng lo cho các con ăn học.

Ngoài nỗ lực làm giàu chính đáng cho bản thân, ông luôn đóng góp công sức cho quê hương mình và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Trong quá trình xây dựng Trường THPT Mỹ Lạc, khi giải phóng mặt bằng, phát hiện gần 70 phần mộ không có người thân đến nhận để di dời, ông Dệ tình nguyện hiến 2.000m2 đất ruộng làm nơi an táng. Đồng thời, những người nghèo sau khi qua đời cũng được đưa vào đây chôn cất như nghĩa trang tập trung.

Gia đình ông Lê Văn Dệ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc tỉnh Long An năm 2013

Việc làm này của ông góp phần xóa dần tư tưởng an táng người thân ngay tại khuôn viên nơi ở hoặc ruộng nhà của người dân, gây mất vẻ mỹ quan, ô nhiễm môi trường và không theo quy hoạch nông thôn mới.

Bên cạnh đó, ông Dệ cũng tích cực đóng góp kinh phí sửa chữa trụ sở ấp văn hóa, góp phần xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng được khang trang. Trong quá trình mở rộng đường giao thông nông thôn, ông tình nguyện hiến 200m2 đất và đóng tiền để đal hóa mặt đường. Vừa qua, ông cũng lấy đất mặt ruộng của mình để mở rộng đường vào ấp Mỹ Hòa, góp phần nâng tỷ lệ đường ngõ xóm được nâng cấp, không lầy lội vào mùa mưa, thuận tiện cho người dân đi lại.

Dù đông con nhưng ông luôn động viên, khuyến khích các con chăm lo học tập. Đến nay, các con của ông trưởng thành, đa phần đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Bản thân ông cũng là một trong những người đi đầu trong việc hỗ trợ công tác khuyến học, khuyến tài. Hàng năm, ông vận động mạnh thường quân và đóng góp tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học,... Đây là động lực để các em vươn đến tương lai tươi sáng. Ngoài ra, ông cũng tham gia vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho trường học, xây mái che để các em sinh hoạt ngoài trời,...

Chị Lê Thị Kim Luyến - con gái ông Dệ cho biết: “Cha dạy anh em tôi phải biết thương yêu, giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Cha không cần nói nhiều, nhưng những việc cha làm chính là tấm gương để chúng tôi noi theo”.

Với những nỗ lực của mình, ông Lê Văn Dệ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng bằng khen về thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2013; nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh; danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc cấp tỉnh năm 2013; bằng khen của UBND tỉnh về thành tích tốt trong thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2016 cùng rất nhiều thành tích khác.

Với ông Dệ, học theo gương Bác không phải điều gì quá xa xôi, mà từ những điều bình dị nhất. Với tấm lòng tương thân, tương ái, dù là những người xa lạ, không họ hàng, ruột thịt nhưng ông vẫn sẵn sàng giúp đỡ lúc họ gặp khó khăn, đây chính là niềm vui lớn nhất của cuộc đời ông./.

Qua 1 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Thủ Thừa xây dựng những mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm biểu dương, nhân rộng trong học tập và làm theo gương Bác. Điển hình như mô hình “3 trong 1” của xã Mỹ Lạc về thủ tục làm giấy khai sinh, nhập - tách hộ khẩu giúp người dân thuận tiện trong quan hệ công việc; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xây dựng nhiều mô hình phát động đến chi, tổ hội: Nuôi heo đất, Hũ gạo tình thương, Tiết kiệm điện, nước, Phân loại rác tại hộ gia đình, Tổ Phụ nữ tiết kiệm,…; phong trào “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ huyện; “Nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; các câu lạc bộ “Nông dân sản xuất giỏi” của Hội Nông dân; cuộc vận động “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong ngành công an, quân đội; “Lương y như từ mẫu” trong ngành y;... Ngoài ra, các xã, thị trấn hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” có nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực, được các đơn vị cơ sở biểu dương, khen thưởng.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết