Tiếng Việt | English

02/11/2017 - 09:35

Tăng lương tối thiểu: Doanh nghiệp còn “trăn trở”

Ngày 07/8/2017, Hội đồng tiền lương Quốc gia chính thức “chốt” mức tăng lương tối thiểu vùng vào đầu năm 2018 là 6,5% so với năm 2017. Trong khi trước đó, Hội đồng tiền lương đưa ra 3 phương án tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2018 với các mức tăng 5%, 6% và 6,8% thì Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề nghị mức tăng cao nhất 13,3%... Việc đề xuất từ Tổng LĐLĐ Việt Nam nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu cho công nhân.

Tăng lương nhỏ giọt, công nhân vẫn chật vật với mức sống tối thiểu

Tăng lương tối thiểu nhưng mức sống tối thiểu không thay đổi

Theo mức tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2018 sẽ được áp dụng với 4 mức cho 4 vùng: Mức 3,98 triệu đồng/tháng áp dụng đối với vùng 1; mức 3,53 triệu đồng/tháng áp dụng đối với vùng 2; mức 3,09 triệu đồng/tháng áp dụng đối với vùng 3 và mức 2,76 triệu đồng/tháng áp dụng đối với vùng 4. Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho rằng: “Mặc dù, Chính phủ chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, nhưng qua tham khảo một số người lao động và chủ doanh nghiệp (DN), nhiều ý kiến chưa thật sự hài lòng với mức tăng này. Người lao động muốn mức tăng thấp nhất cũng phải bằng với năm trước là 7,3%. Nếu như mức tăng chỉ đạt 6,5% vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. DN lại “trăn trở” vì nhiều lý do, trong đó nguyên chính vẫn là với mức tăng này, năng suất lao động liệu có tăng? Hơn nữa, nếu tăng lương, mức đóng bảo hiểm cho công nhân sẽ tăng theo”. Chị Nguyễn Thị Cẩm Hà, công nhân Công ty may Simone, khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc chia sẻ: “Phần lớn công nhân là lao động nhập cư, phải thuê nhà trọ. Lương tăng, chi phí sinh hoạt cũng tăng theo nên đời sống công nhân cũng không thay đổi nhiều”.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty Shilla Bags, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa - Lê Công Lập cho rằng: “Mức tăng lương tối thiểu 6,5%, là cơ sở để đại diện người lao động và chủ sử dụng lao động thỏa thuận. Bằng kinh nghiệm sau thời gian làm công tác Công đoàn, tôi thấy việc thỏa thuận này vẫn có thể đạt được mức tăng thêm 6,5%, thậm chí cao hơn nếu DN làm theo quy định. Tuy nhiên, DN có thể điều chỉnh giảm các khoản khác như cắt bớt tiền ăn giữa ca, tiền thưởng, tiền hỗ trợ đi lại,… nếu đại diện người lao động (CĐCS) ở DN không đấu tranh quyết liệt, nhưng điều này thật sự rất khó, bởi Chủ tịch Công đoàn vẫn là người làm công ăn lương cho chủ DN thì rất khó đấu tranh cho quyền lợi công nhân, nhất là ở các DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài”.

Doanh nghiệp còn “trăn trở”

Giám đốc nhân sự kiêm Chủ tịch CĐCS Công ty G.N- Nguyễn Thị Hà thông tin thêm: “Với các DN làm ăn hiệu quả, phần tăng thêm tiền lương tối thiểu sẽ không gây khó khăn nhiều nhưng đối với những DN nhỏ, khi chi phí tăng, nhất là tiền đóng bảo hiểm xã hội lớn hơn trước thì khả năng cạnh tranh của DN đó có thể giảm, lợi nhuận không tăng nhiều, khó tuyển lao động”.

Nếu đứng ở góc độ của người lao động, việc tăng lương tối thiểu để bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động là hợp lý nhưng đối với DN thì việc tiền lương tối thiểu cứ tăng đều đặn hàng năm sẽ vượt khả năng chi trả của DN, nhất là vào thời buổi kinh tế khó khăn. Một khi DN không thể tồn tại thì việc tiền lương tối thiểu tăng 5%, 7%, 10% hay 13% sẽ không còn ý nghĩa. DN cũng sẽ không dám đầu tư mở rộng sản xuất, do chi phí cho nhân công cao, chi trả bảo hiểm xã hội cho người lao động cao và nhiều chi phí khác cũng tăng theo,...

Song Hồng

Chia sẻ bài viết