Tiếng Việt | English

23/01/2018 - 16:43

Tết của trẻ em nghèo

Dù không có được cuộc sống đầy đủ như những trẻ em khác nhưng với sự quan tâm của mạnh thường quân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn sống tại chùa Giác Nguyên (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) và chùa Long Thạnh (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) sẽ được đón một cái tết ấm áp và trọn vẹn.

Mái nhà chung

Những ngày đầu tháng Chạp, chúng tôi có dịp về thăm chùa Giác Nguyên - ngôi chùa đang cưu mang 11 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi em một số phận khác nhau, có em bị bỏ rơi trước cổng chùa, có em được người thân gởi vào chùa,... Sống ở đây, các em được chăm sóc bằng tất cả tấm lòng của những người con Phật.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ tặng quà cho trẻ em ở chùa Long Thạnh nhân dịp xuân về, tết đến

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ tặng quà cho trẻ em ở chùa Long Thạnh nhân dịp xuân về, tết đến

Nhìn các bảo mẫu nhẹ nhàng, ân cần thay quần áo và chơi đùa với các em hay hình ảnh thầy Thích Huệ Phát (Trụ trì chùa Giác Nguyên) chăm từng muỗng cơm cho các em, chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Bà Lâm Xuân Hoa (phật tử quê Vĩnh Long) có thâm niên chăm sóc trẻ hơn 6 năm, chia sẻ: “Trước đây, tôi chăm sóc trẻ ở chùa Pháp Tánh (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc). Nghe chùa Giác Nguyên thiếu người chăm sóc trẻ, tôi tình nguyện qua đây làm công quả. Việc chăm sóc trẻ rất vất vả, nhất là những người lớn tuổi như tôi. Vậy mà, về nhà mới 3 ngày là cảm thấy nhớ các cháu, rồi tôi lật đật quay lại chùa, dù không máu mủ ruột rà nhưng nuôi riết cũng mến tay, mến chân”.

Mối “lương duyên” với những trẻ em kém may mắn của chùa Giác Nguyên bắt đầu từ năm 2015. Khi ấy, em Lê Quang Đạt mồ côi cha mẹ được một người thương tình đem về nuôi dưỡng nhưng hoàn cảnh gia đình người này cũng không khá giả và đang bị bệnh hiểm nghèo nên em Đạt phải đi bán vé số, không được ăn, học đầy đủ. Thấy hoàn cảnh em Đạt khó khăn, thầy Thích Huệ Phát thường xuyên giúp đỡ. Cảm nhận được tình thương của thầy, người này xin gởi Đạt cho chùa chăm sóc.

Thầy Thích Huệ Phát chăm từng muỗng cơm cho trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn

Thầy Thích Huệ Phát chăm từng muỗng cơm cho trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn

Còn chùa Long Thạnh (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) nổi tiếng là “điểm tựa” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở mọi miền đất nước. Chùa đang cưu mang 145 trẻ. Đến đây, các em được chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em, chùa thành lập các câu lạc bộ: Đờn ca tài tử, Lân sư rồng, Thư pháp,... Bằng những việc làm thiết thực đó, chùa Long Thạnh trở thành ngôi nhà chung của trẻ em kém may mắn.

Chung tay chăm lo tết

Vào dịp tết, chùa Long Thạnh được mạnh thường quân, nhà hảo tâm đến tặng nhiều phần quà ý nghĩa như quần áo, bánh, kẹo, tiền mặt,... cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Riêng chùa còn tổ chức nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân nhằm giúp các em có điều kiện vui xuân, đón tết.

Cô Huỳnh Thị Thu Loan - Quản lý học sinh nội trú Trường Tiểu học - THCS - THPT Bồ Đề Phương Duy ở chùa Long Thạnh, cho biết: “Tết năm nào chùa cũng tổ chức cho các em các trò chơi dân gian: Nhảy bao bố, gói bánh tét, chưng mâm ngũ quả, viết thư pháp,... Đặc biệt, năm nay, chùa còn tổ chức chuyến xe sum vầy đưa các em ở các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước về quê ăn tết,... Còn những em mồ côi, không còn người thân hoặc không có điều kiện về quê, chùa tổ chức cho các em vui xuân ở những điểm du lịch trong tỉnh. Tất cả nhằm tạo cho các em có được cái tết trọn vẹn”.

Các bảo mẫu ân cần thay quần áo và vui đùa cùng các em nhỏ

Các bảo mẫu ân cần thay quần áo và vui đùa cùng các em nhỏ

Đã 6 năm nay, em Chu Thị Huynh (học sinh lớp 10, Trường Tiểu học - THCS - THPT Bồ Đề Phương Duy) không về quê Hà Tĩnh đón tết cùng gia đình. Huynh cho biết: “Thấy các bạn được về quê đón tết với gia đình, em buồn lắm! Nhưng quê em xa quá, điều kiện đi lại khó khăn và gia đình cũng nghèo, thay vì số tiền về quê ăn tết, em có thể gởi về cho mẹ. Hơn nữa, tết ở chùa cũng rất vui, chúng em được các thầy, cô quan tâm chăm sóc tận tình, chu đáo”.

Không chỉ dựa vào sự quan tâm chăm sóc, ủng hộ của các nhà hảo tâm, chùa Giác Nguyên còn chủ động làm mứt tết cung ứng ra thị trường nhằm gây quỹ để chăm lo tết cho trẻ em. Thầy Thích Huệ Phát cho biết: “Thời điểm này, mỗi trẻ được mua 2 bộ quần áo mới. Dù điều kiện kinh tế của chùa còn khó khăn nhưng tết năm nào chùa cũng tạo điều kiện cho các cháu lớn đi tham quan ở Đầm Sen hay Suối Tiên”.

Tết đang đến rất gần. Hy vọng, với sự chung tay chăm lo tết của các cấp, các ngành, mạnh thường quân, nhất là sự từ bi của những người con Phật tại 2 ngôi chùa trên sẽ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đón cái tết đầm ấm và ý nghĩa./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích