Tiếng Việt | English

08/06/2017 - 20:00

Ý chí của những cựu chiến binh

Trở về cuộc sống đời thường, phần lớn cựu chiến binh (CCB) gặp nhiều khó khăn: Sức yếu do thương tích trong chiến tranh; thiếu vốn, kinh nghiệm và tư liệu sản xuất,... nhưng với ý chí của người lính Cụ Hồ, các CCB huyện Bến Lức, tỉnh Long An cố gắng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Hiện nay, số hộ hội viên (HV) CCB có mức sống khá trở lên đạt 91%, tăng gần 12% so với đầu nhiệm kỳ; số hộ HV nghèo chỉ còn 0,7%, vượt chỉ tiêu nghị quyết.


Ông Trần Hồng Thanh cho cá ăn

Vượt qua khó khăn

5 năm qua (2012-2017), nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện cho các HV CCB vươn lên thoát nghèo, Hội CCB huyện Bến Lức tập trung vận động cán bộ, HV, mạnh thường quân đóng góp tiền, vật tư, sức lao động xây tặng 18 căn nhà tình nghĩa, 30 căn nhà đồng đội cho hội viên gặp khó khăn về nhà ở và hỗ trợ sửa chữa 13 căn nhà đồng đội với tổng số tiền gần 1,5 tỉ đồng.

Sau khi các HV có nhà ở ổn định, hội hướng dẫn, hỗ trợ HV vay vốn từ các tổ vay vốn - tiết kiệm; tổ, nhóm đa dạng cho vay lãi suất thấp hoặc không tính lãi để mua vật tư sản xuất và đồ dùng sinh hoạt gia đình. Đồng thời, hội chủ động tạo nguồn vốn phát triển kinh tế bằng cách vận động HV đóng góp xây dựng quỹ hội (tính đến cuối năm 2016, số dư bình quân 913.000 đồng/HV, đạt trên 114% nghị quyết).

Với nguồn vốn được hỗ trợ và kiến thức học tập từ các cuộc tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các HV CCB mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh để cải thiện cuộc sống. Đến nay, hầu hết hội cơ sở đều xây dựng được những mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với điều kiện địa phương, gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao: Mô hình V.A.C, nuôi bò sữa, trồng chanh,...

Ông Trần Hồng Thanh, SN 1945, ngụ ấp 6, xã Thạnh Đức, là điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của HV CCB. Ông Thanh chia sẻ, trước đây, gia đình canh tác 3ha mía, thu nhập tương đối ổn định. Tuy nhiên, mấy năm qua, giá mía bấp bênh, gia đình lại có đến 5 miệng ăn nên cuộc sống có phần vất vả hơn. Năm 2014, qua xem ti vi, ông biết đến mô hình nuôi heo rừng. Thấy mô hình này dễ thực hiện, ít tốn công, thịt heo rừng lại bán được giá cao nên ông quyết định tìm mua con giống về nuôi.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, ông Thanh tự học tập thêm kỹ thuật chăn nuôi từ sách, báo, đến nay, đàn heo của gia đình ông phát triển ổn định với gần 50 con. Ngoài heo rừng, ông đào ao nuôi cá tra và trồng dừa để tăng thu nhập. Hàng năm, với 3ha trồng mía và 0,5ha thực hiện mô hình V.A.C, gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng.

Góp sức xây dựng quê hương

Năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, những người lính Cụ Hồ trên quê hương Bến Lức không chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà còn gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong đó, có thể kể đến CCB Nguyễn Văn Tấn đóng góp 40 triệu đồng và CCB Nguyễn Văn Diện đóng góp 25 triệu đồng xây dựng cầu qua kênh ấp 6, xã Bình Đức. Hay CCB Nguyễn Văn Kim đóng góp 40 triệu đồng để làm đường và xây cầu giao thông nông thôn tại ấp 4, xã An Thạnh. Ngoài ra, còn có CCB Chu Ngọc Phong, Lê Văn Thông, ngụ thị trấn Bến Lức, hiến đất trị giá trên 4 tỉ đồng, góp phần chỉnh trang đô thị,...

Chia sẻ về nghĩa cử cao đẹp này, ông Nguyễn Văn Kim nói: “Trong chiến tranh, những người lính Cụ Hồ như chúng tôi dám hy sinh xương máu để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Đến nay, mất một ít đất, góp một ít tiền nhưng thực hiện được chủ trương lớn của Nhà nước cũng là việc nên làm”. Từ những suy nghĩ ấy, không riêng Kim mà 100% HV CCB gương mẫu tham gia vận động gia đình và nhân dân đồng thuận đóng góp công sức, tiền của cùng với địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, các HV CCB trong huyện còn tham gia thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đến nay, Huyện hội duy trì, nhân rộng “Tổ nắm tin” tại 100% chi hội CCB. Mỗi tổ có ít nhất 3 thành viên, nhiều nhất lên đến 15 thành viên, là những CCB có uy tín ở địa bàn dân cư. Với phương châm “Mỗi cán bộ, HV là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận bảo vệ an ninh cơ sở”, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn sự bình yên khu dân cư.

Với mô hình V.A.C kết hợp nuôi heo, nuôi cá và trồng dừa, ông Trần Hồng Thanh thu nhập gần 200 triệu đồng/năm

Nổi bật là Tổ nắm tin của Hội CCB thị trấn Bến Lức. Năm 2016, 15 thành viên của tổ, đồng thời là đội Honda khách phòng, chống tội phạm tham gia bảo vệ hiện trường tai nạn giao thông được 23 vụ, kịp thời chở 15 đối tượng đi cấp cứu, cung cấp 72 nguồn tin có giá trị cho lực lượng công an. Các thành viên của tổ còn tham gia trực tiếp cùng lực lượng công an bắt giữ 10 vụ đá gà, đánh bài tại địa bàn thị trấn; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ thanh niên tụ tập đua xe trái phép, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.

Với những đóng góp thiết thực, hiệu quả của từng HV CCB trên nhiều lĩnh vực, các chỉ tiêu công tác hàng năm và cả nhiệm kỳ của Hội CCB huyện Bến Lức đều đạt và vượt so với nghị quyết, Hội CCB huyện hàng năm đều đạt trong sạch, vững mạnh xuất sắc./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết