Tiếng Việt | English

22/09/2021 - 10:01

Bến Lức: Cố gắng 'không để ai bị bỏ lại phía sau'

Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Bến Lức là một trong những địa phương dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Với mục tiêu “không để ai ở lại phía sau”, các cấp, các ngành, đoàn thể trong huyện triển khai nhiều gói an sinh, chăm lo cho các đối tượng chính sách, lao động (LĐ), người dân bị ảnh hưởng của dịch.

Triển khai nhiều gói an sinh

Trưởng phòng LĐ - Thương binh và Xã hội huyện Bến Lức - Nguyễn Thanh Xuân cho biết, thời gian qua, huyện nhanh chóng triển khai nhiều kế hoạch, chính sách hỗ trợ kịp thời cho người nghèo, LĐ tự do, người LĐ có hoàn cảnh khó khăn, mức độ bao phủ rộng. Đến nay, huyện hoàn thành (đợt 1 và 2) gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ (NQ68) với số tiền trên 9,94 tỉ đồng, 7.240 lượt người được hỗ trợ.

Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ 975 phần sữa, thực phẩm bổ sung cho người già, trẻ em tại các nhà trọ, khu cách ly, khu phong tỏa với tổng trị giá gần 240 triệu đồng. Huyện cũng thực hiện hỗ trợ 48,7 tấn gạo cho 3.247 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại 15 xã, thị trấn. Dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, trước tình hình giãn cách kéo dài, huyện đang đề nghị hỗ trợ đợt 3 cho LĐ tự do.

Công an huyện Bến Lức mang quà đến trao tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Bến Lức - Thái Văn Quý chia sẻ, song song với gói hỗ trợ từ NQ68, huyện còn triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, thu hút các nguồn lực để chăm lo cho người dân. Các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh phối hợp thực hiện các chương trình trợ giúp, ứng cứu khẩn cấp, thăm hỏi, động viên bảo đảm an sinh xã hội người dân và phòng, chống dịch bệnh.

Từ đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, huyện nhận được sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân tiền, hiện vật (gồm 574 tấn gạo, 14.130 thùng mì, rau, củ, quả và nhiều loại nhu yếu phẩm),... với tổng giá trị gần 31 tỉ đồng. Trong đó, cấp huyện vận động được trên 13,3 tỉ đồng, cấp xã vận động được 17,5 tỉ đồng. Từ các nguồn này, huyện, xã phân bổ đến nhiều địa bàn trên toàn huyện, trong đó ưu tiên ở khu vực phong tỏa, nhà trọ, người có hoàn cảnh khó khăn, LĐ mất việc.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Bến Lức là địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp thu hút số lượng lớn người LĐ nhập cư từ nhiều tỉnh, thành đến làm việc, sinh sống. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, chính quyền tỉnh thực hiện các biện pháp kiềm chế dịch bằng nhiều cách, trong đó có giãn cách xã hội. Vì vậy, nhiều CNLĐ làm việc ở doanh nghiệp mất việc, không thể di chuyển về quê và phải ở lại trong nhà trọ tránh dịch. Để phần nào giảm bớt khó khăn cho công nhân, LĐ trong các khu nhà trọ, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện phối hợp ngành Công an vận động chủ nhà trọ giảm giá tiền thuê phòng, hỗ trợ lương thực, thực phẩm,...

Gia đình ông Lê Thanh Triều là chủ nhà trọ ở ấp 8, xã Lương Hòa có 2 dãy với 39 phòng, xây dựng năm 2019. Mỗi phòng có diện tích bình quân khoảng 24m2 cộng gác lửng. Mỗi phòng trọ có giá cho thuê từ 1-1,2 triệu đồng/tháng. Thời gian đầu tháng 7, tùy người ở trọ có việc làm như thế nào, gia đình ông có cách gia giảm tiền thuê trọ. Tiếp theo đó, tháng 8, gia đình ông giảm 50% tiền thuê phòng cho tất cả người thuê. Tháng 9, gia đình ông quyết định giảm 100% tiền thuê phòng. Ngoài giảm tiền thuê trọ, gia đình ông còn liên hệ chính quyền địa phương chung tay hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả, sữa (dành cho trẻ em) cho người trọ. Ông Triều cho biết, tháng 10 và những tháng tiếp theo, tùy tình hình dịch bệnh sẽ có cách gia giảm tiền thuê trọ cho người LĐ mức hợp lý.

Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Thành chia sẻ, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, gia đình ông Lê Thanh Triều là 1 trong 593 nhà trọ với 10.858 phòng trọ giảm giá thuê trên tinh thần chia sẻ khó khăn với người trọ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mức giảm từ 20-100% (tổng số tiền miễn giảm 3,3 tỉ đồng). Đồng thời, LĐLĐ huyện còn vận động chủ nhà trọ tặng 1.950 phần quà cho người ở trọ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 654 triệu đồng. Ngoài ra, LĐLĐ huyện còn chủ động triển khai nhiều chế độ, chính sách chăm lo công nhân, LĐ; đa dạng hóa các hình thức hoạt động Công đoàn hướng đến đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Cán bộ xã Thạnh Đức trao quà cho người có hoàn cảnh khó khăn

Những chiến sĩ áo xanh giúp dân

Tùy theo đặc thù của từng đơn vị, địa phương mà có cách làm khác nhau hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Công an huyện Bến Lức là một trong những đơn vị có nhiều mô hình góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Mô hình Ước mơ hồng được Công an huyện thực hiện nhiều năm thông qua hình thức vận động cán bộ, chiến sĩ (CBCS) quyên góp, xây dựng quỹ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Nguồn quỹ này nhằm giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng cho thân nhân CBCS bị bệnh, CBCS có hoàn cảnh khó khăn, con dưới 14 tuổi của CBCS có cha, mẹ tuyến đầu chống dịch, CBCS quê ngoài tỉnh.

Ngoài ra, Công an huyện còn gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà và động viên 70 CBCS do Bộ Công an, Công an tỉnh tăng cường thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện; thăm hỏi, tặng quà và động viên đoàn y, bác sĩ Bệnh viện 19/8 Bộ Công an, Bệnh xá Công an tỉnh và CBCS Công an huyện tham gia test nhanh tầm soát cộng đồng; thăm hỏi, tặng quà 10 thành viên đội dân phòng liên xã phòng, chống tội phạm huyện; thăm hỏi, tặng quà Bệnh viện dã chiến số 17 (đặt tại Công ty Cổ phần Đồng Tâm) và lực lượng tuyến đầu chống dịch bị nhiễm bệnh.

Trung tá Lương Thị Tuyết Hạnh - Phó Trưởng Công an huyện Bến Lức, chia sẻ, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, công nhân, LĐ. Trước tình hình trên, Công an huyện luôn đồng hành, sát cánh với người dân trong phòng, chống dịch bệnh thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa, góp phần san sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch. Từ đó, người dân không căng thẳng về tinh thần, không cảm thấy bị bỏ lại phía sau, an tâm thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”.

Theo đó, Công an huyện tích cực huy động các nguồn lực ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện, nhất là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, với tổng số tiền trên 2,2 tỉ đồng. Công an huyện phối hợp UBND thị trấn Bến Lức thực hiện mô hình ATM gạo nghĩa tình đặt tại trụ sở khu phố 8, phát được 12,7 tấn gạo cho người nghèo; vận động trao tặng khẩu trang, thiết bị y tế cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch số tiền khoảng 200 triệu đồng; vận động mạnh thường quân ủng hộ nhu yếu phẩm gồm 21 tấn gạo, 1.900 thùng mì, 12.000 trứng gà, 6.000 trứng vịt, 9,5 tấn rau xanh, 2.000 chai nước tương, 1.200 chai nước mắm,... Những phần quà này được trao tặng cho người ở trọ tại các khu cách ly, phong tỏa và những người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng thời, Công an huyện vận động nhà hảo tâm hỗ trợ hàng đêm 160 suất ăn cho lực lượng trực tại các điểm cách ly, các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn huyện. Mô hình Bát cháo yêu thương cũng được triển khai, hàng tuần vào ngày thứ ba và năm, nấu cháo chuyển trao tặng cho các khu nhà trọ, số lượng 200 phần/lần.

Có thể nói, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Thế nhưng, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp chính quyền, từng đơn vị, cơ sở, xã, thị trấn đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các đối tượng khó khăn, người yếu thế trong xã hội. Những gói hỗ trợ được phân phối kịp thời đến tận tay từng người khó khăn vào lúc này là rất cấp thiết, được xem là "mũi giáp công" chủ lực trong “trận chiến” chống giặc Covid-19./.

Những gói hỗ trợ được phân phối kịp thời đến tận tay từng người khó khăn vào lúc này là rất cấp thiết, được xem là "mũi giáp công" chủ lực trong “trận chiến” chống giặc Covid-19”.

Hương Thu

Chia sẻ bài viết