Tiếng Việt | English

23/07/2021 - 19:57

Chen lấn tiêm vaccine phòng COVID-19: Những nguy cơ tiềm ẩn

Tâm lý quá sốt ruột khiến nhiều người dân “quên” đi việc thực hiện 5k theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Điều này dẫn tới các rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ dễ làm lây lan và bùng phát dịch.


Các điểm tiêm vaccine đảm bảo đúng khoảng cách giãn cách. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, tiêm vaccine phòng COVID-19 được xác định là giải pháp căn cơ nhất để tạo miễn dịch trong cộng đồng góp phần đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Chính vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 để đảm bảo an toàn cho người dân là chủ trương và mong muốn của Chính phủ và toàn ngành y tế cũng như mong mỏi của người dân. Tuy nhiên, tâm lý quá suốt ruột khiến nhiều người dân “quên” đi việc thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi đi tiêm chủng hay xét nghiệm - điều này dẫn tới một số rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ dễ làm lây lan và bùng phát dịch.

Đăng ký tiêm qua ứng dụng hồ sơ điện tử

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử được triển khai với mục tiêu sẽ tiêm 150 triệu mũi cho hơn 70% dân số Việt Nam đã chính thức được phát động vào ngày 10/7.

Người dân có nhu cầu đều có thể đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Thông tin-Truyền thông.

Chiến dịch tiêm chủng tổ chức tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định và tiêm chủng lưu động). Để đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 của người dân, nhiều đơn vị cũng đã được huy động tổng lực để thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Cho tới nay, về cơ bản, công tác tiêm chủng đang được thực hiện tốt, bài bản tại nhiều cơ sở.

Tại bệnh viện E, theo Giáo sư Lê Ngọc Thành - Giám đốc bệnh viện cho biết việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đã được bệnh viện E thực hiện từ ngày 13/5/2021 theo chủ trương của Bộ Y tế. Qua hơn 2 tháng triển khai, bệnh viện E đã thực hiện tiêm cho hàng chục ngàn người, công tác tổ chức triển khai tiêm đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc phòng chống dịch của Chính Phủ và yêu cầu của Bộ Y tế.

Đến ngày 23/7, Bệnh viện E đã hoàn thành tốt yêu cầu triển khai đăng ký tiêm qua ứng dụng hồ sơ điện tử App Hồ sơ sức khoẻ. Theo đó, 100% đối tượng được tiêm phải thực hiện khai báo thông tin tiêm chủng trước khi đến cơ sở y tế . Người dân khi có lịch hẹn đăng ký tiêm sẽ phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc trước khi lên phòng tiêm. Đây là việc làm cần thiết để kịp thời phát hiện và sàng lọc các trường hợp không đủ điều kiện để tiêm ( F1, F2, người mới từ vùng dịch về…..), hạn chế tối đa việc lây nhiễm và dễ dàng khoanh vùng đối tượng nếu có phát sinh F1.

Tại nhiều cơ sở y tế khác cũng đang triển khai và hoàn thiện việc triển khai đăng ký tiêm qua ứng dụng hồ sơ điện tử - App Hồ sơ sức khoẻ.

Cần sự phối hợp, hỗ trợ từ chính người dân

Thực tế những ngày qua cho thấy do đây là lần đầu tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, cộng với tâm lý muốn tiêm nhanh của người dân nên vẫn còn tình trạng chen lấn ngoài ý muốn cả khi người dân đi tiêm chủng cũng như khi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Do dịch bệnh COVID-19 đang lan truyền với tốc độ nhanh tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số khu vực dẫn đến tâm lý lo lắng của nhiều người dân. Số lượng người dân có nhu cầu và đăng ký tiêm những ngày gần đây ngày càng gia tăng.

Người dân đăng ký tiêm vaccine. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vì vậy, dù các bệnh viện cũng đã có kế hoạch chuẩn bị, sắp xếp, bố trí, vận dụng tối đa nguồn lực, nhân lực để phục vụ công tác tiêm vacxin cho người dân, song vẫn còn nhiều khó khăn như ý thức người dân với tâm lý muốn đến sớm để tiêm mà không theo thời gian thông báo hay việc nhiều người hạn chế trong việc sử dụng QR để khai báo y tế dẫn đến việc phải hướng dẫn, giải quyết tại chỗ, gây ùn tắc tại khu vực Khai báo y tế bắt buộc.

Ngay sau khi gặp phải tình trạng nêu trên, một số bệnh viện đã phải quyết định tạm dừng triển khai tiêm vaccine và chờ hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như chính quyền địa phương. Điều này đã dẫn tới tiến độ triển khai tiêm chủng bị chậm lại.

Ngày 22/7, tại Bệnh viện E xảy ra tình trạng có quá đông người tập trung tiêm chủng trong một khoảng thời gian. Giáo sư Lê Ngọc Thành cho biết rút kinh nghiệm từ sự việc nêu trên, Ban lãnh đạo bệnh viện đã họp khẩn để bổ sung một số giải pháp tăng cường cho chiến dịch tiêm chủng tại bệnh viện như: Thực hiện phân luồng, bố trí khoa học hơn khu vực đón tiếp khai báo y tế, thuê thêm nhân viên bảo vệ giữ trật tự và điều tiết giãn cách phù hợp.

Để có thể cùng Chính phủ và cả nước thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng này giữa lúc dịch bệnh đang căng thẳng, nhiều chuyên gia ngành y tế kêu gọi người dân bình tĩnh, nghiêm túc chấp hành, thực hiện khai báo chính xác thông tin, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc đăng ký tiêm qua ứng dụng hồ sơ điện tử tại App Hồ sơ sức khỏe.

Đặc biệt, người dân đến bệnh viện cần theo đúng thời gian hẹn, phối hợp đúng hướng dẫn phân luồng của nhân viên y tế để công tác tiếp đón, triển khai tiêm được diễn ra hiệu quả, đảm bảo an toàn cộng đồng./.

Người dân có thể tải ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” trên di động hoặc truy cập https://tiemchungcovid19.gov.vn để đăng ký tiêm, khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm.

Địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn cũng là nơi công khai và cập nhật thường xuyên thông tin vị trí, số bàn tiêm, thông tin người phụ trách trên cổng thông tin của chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19.

T.G (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết