Tiếng Việt | English

25/05/2019 - 10:37

Giá xăng, điện, nước tăng: Đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn

Giá xăng, điện, nước cùng tăng kéo hàng loạt giá dịch vụ, hàng hóa tăng theo, khiến đời sống công nhân, lao động (CNLĐ) vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Khó khăn chồng chất

Chị Nguyễn Thị Ánh Linh - CN Công ty (Cty) TNHH Kannan (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), chia sẻ: “Vợ chồng tôi quê ở Thanh Hóa, vào đây thuê nhà trọ ở đi làm CN hơn 2 năm nay. Hàng tháng, vợ chồng tôi phải dành dụm tiền gửi về quê phụ ông bà nội nuôi 2 đứa con đang học tiểu học. Tổng thu nhập của vợ chồng tôi chỉ hơn 12 triệu đồng/tháng. Trước đây, gói ghém lắm, tôi mới gửi về quê được 2 triệu đồng/tháng. Nay, giá xăng tăng nên phải tốn thêm khoảng 300.000 đồng/tháng cho việc đi lại, vì nhà trọ cách Cty hơn 2km và vợ chồng tôi làm ở 2 Cty khác nhau nên không thể đi chung được. Bên cạnh đó, tháng này, tiền điện tăng gần 100.000 đồng, còn nước từ 8.000 đồng/m3 tăng lên 13.000 đồng/m3 nên vợ chồng tôi dành dụm không được bao nhiêu tiền để gửi về quê nuôi con”. 

Chị Lê Hoàng Khánh Ngân - CN Cty TNHH Túi xách Simone (Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), chia sẻ: “Vật giá cứ mỗi thứ tăng một chút, tính tất cả thì chi phí đội lên khá nhiều. Nhận thấy rõ nhất là chi phí ăn sáng đã tăng thêm 2.000-3.000 đồng/phần. Những thứ khác cũng tăng thêm một ít, cộng chung lại thì chi phối đáng kể đến thu nhập. Đối với những CN đã lập gia đình, có con sẽ thêm phần chi tiêu khác nên gặp khó khăn hơn. Nhờ tôi làm việc chăm chỉ, tăng ca nên mức lương khá. Tuy nhiên, vài tháng nữa, tôi sinh con đầu lòng, phải nghỉ làm một thời gian, nếu vật giá cứ tăng thế này thì chắc sẽ rất vất vả”.

Công nhân phải chi tiêu thật sự tiết kiệm

Công nhân phải chi tiêu thật sự tiết kiệm

Còn anh Trần Tấn Thạnh - CN Cty TNHH Giày ChingLuh Việt Nam (Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức), nói: “Tổng thu nhập của vợ chồng tôi hơn 12 triệu đồng/tháng, trong đó chi phí cho 2 đứa con ăn học hơn 6 triệu đồng, thuê nhà trọ cùng tiền điện, nước khoảng 1,5 triệu đồng, ăn uống cả nhà hết 3,5 triệu đồng. Nếu tháng nào có đám cưới, sinh nhật thì thiếu tiền. Đó là chưa kể ốm đau, bệnh tật”.

Thắt chặt chi tiêu

Chị Lê Thị Thảo - CN Cty TNHH JiaHsin (Khu công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), chia sẻ: “CN chúng tôi với thu nhập thấp, nay lại càng khó khăn hơn khi giá xăng, điện tăng. Hầu hết CN ở trọ hiện nay đều tiết kiệm đến mức tối đa. Những chị em mang cá khô từ quê vào ăn để đỡ tiền chợ. Ai thuê trọ ở gần Cty thì đi bộ để tiết kiệm tiền xăng. Giờ, ở các khu nhà trọ, dù trời đã tối nhưng những hành lang vẫn rất ít đèn được bật vì giá điện tăng quá, đợi tối hẳn rồi mới mở đèn, đỡ được đồng nào hay đồng nấy”.

Chị Nguyễn Thị Tâm - CN Cty TNHH Lê Long (huyện Bến Lức), cho biết: “Quê tôi ở An Giang, vợ chồng lên đây thuê nhà trọ đi làm được 3 năm. Giờ, giá cả tăng cao, điện nhà trọ tăng 500 đồng/kWh, nhà trọ tăng 50.000 đồng/phòng, gạo, thịt, cá giá cũng tăng vùn vụt nên phải chi tiêu thật sự tiết kiệm”. Chị nhẩm tính, gộp chung lương và phụ cấp tăng ca của hai vợ chồng chưa đến 12 triệu đồng/tháng. Thuê nhà trọ mất 1 triệu đồng/tháng, tính luôn tiền điện, nước, gas cũng hơn 1,5 triệu đồng, số còn lại vừa dùng để chi tiêu, vừa gửi về quê lo cho 2 đứa con nhỏ ăn học. 

Anh Trần Văn Thanh - CN Cty TNHH Hù Kiệt (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức), cho hay: “Để giảm bớt chi phí, vợ chồng tôi gửi con về quê cho ông bà nội ở Kiên Giang nuôi, vậy mà cuộc sống vẫn khó khăn. Vợ chồng tôi định mua cái tủ lạnh cũ của gia đình gần xóm trọ vì người ta thay cái mới nên bán rẻ để trữ đồ ăn, nhưng thấy giá điện tăng nên quyết định không mua, để dành tiền tiết kiệm”.

Chị Thái Thu Quyên - CN Cty TNHH Hành Mỹ (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức), thông tin: “Tôi thuê nhà trọ cách Cty khoảng 4km nên hàng ngày đi làm khá xa, tiền xăng chiếm một khoản chi tiêu không nhỏ. Với tình hình giá cả tăng liên tục như vậy, chắc tôi phải đổi chỗ trọ gần Cty để tiết kiệm chi phí”. Chị Quyên cho biết thêm, từ đầu tháng 4, chủ nhà trọ của chị đã tăng tiền điện từ 3.000 đồng/KWh lên 3.500 đồng/KWh. Những CN trong khu trọ thắc mắc, chủ nhà bảo “Giá điện, nước tăng, tôi cũng phải tăng chứ làm sao bù lỗ hoài được. Các anh chị không muốn ở có thể đi nơi khác”.

Có thể nói, hiện nay, đời sống CNLĐ bị ảnh hưởng không nhỏ từ chuyện tăng giá, sự hỗ trợ của những chương trình phúc lợi như bán hàng giảm giá cho CNLĐ trong Tháng CN, tặng quà cho CNLĐ nghèo,... dẫu chẳng thấm là bao so với những nhọc nhằn mà CNLĐ phải đối mặt khi “thắt lưng buộc bụng” vì mức lương còn khá khiêm tốn so với nhu cầu chi tiêu tối thiểu, nhưng đó như một niềm vui tinh thần nho nhỏ, giúp họ có động lực vững tin trong cuộc sống. Nếu như mối lo của doanh nghiệp chỉ là việc cân nhắc giữa tăng hay giữ nguyên mức giá sản phẩm và chịu giảm lãi thì với CNLĐ, đời sống phải chịu sự tác động mạnh mẽ khi giá xăng, điện, nước tăng. Cắt giảm mọi chi tiêu không cần thiết đã trở thành câu chuyện chung của CNLĐ thời vật giá leo thang hiện nay./. 

Song Hồng

Chia sẻ bài viết