Tiếng Việt | English

07/09/2016 - 09:58

Để thanh long bay xa

Kỳ 3: Cuộc “đấu trí” và nỗi trăn trở của nông dân

Trong quá trình trồng thanh long, nông dân Châu Thành, tỉnh Long An trải qua nhiều “cuộc chiến” để quyết định thắng, thua. Họ thường ăn không ngon, ngủ không yên do gặp nhiều khó khăn, rủi ro trong sản xuất, tiêu thụ.

Những "cuộc chiến" khốc liệt

Những năm 2000, nông dân Châu Thành phải đứng trước nhiều sự lựa chọn giữa cây lúa, cây dừa đang cho trái; giữa thanh long ruột trắng đang cho trái và ruột đỏ; giữa trồng mới ruột đỏ hay ruột trắng; giữa bóng đèn tròn sợi tóc - bóng đèn compact 20W hay bóng đèn cao áp tiết kiệm điện; giữa máy biến áp và máy phát điện. Hay gần đây là “cuộc chiến” giữa phá bỏ thanh long ruột trắng già cỗi, trồng lại ruột trắng hay ruột đỏ?


Dịch bệnh trên thanh long

Đến nay, tổng diện tích thanh long của Châu Thành lên đến 6.901ha, tăng gần 6 lần so với năm 2010 (1.200ha).

Gia đình ông Nguyễn Văn Phê, ngụ ấp Thanh Tân, xã Thanh Phú Long sản xuất lúa 2 vụ trên 5 công đất hàng chục năm nay. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, gia đình ông gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và thu hoạch lúa do những hộ dân xung quanh chuyển sang trồng thanh long nên ruộng lúa nhà ông đối mặt với việc thiếu nước. Đến khi thu hoạch, máy gặt lại không vào ruộng được, ông phải thuê nhân công cắt lúa rồi vác ra đường để suốt lúa. Năm 2014, ông Phát phải chuyển sang trồng thanh long.

Được biết, trước đây, xã Thanh Phú Long chỉ được quy hoạch trồng thanh long ở 2 ấp Thanh Hòa và Thanh Phú, các ấp còn lại chuyên canh cây lúa và nuôi tôm. Thế nhưng, hiện nay, tất cả 9 ấp trên địa bàn xã đều có trồng thanh long với diện tích gần 1.100ha.

Lãnh đạo xã Thanh Phú Long cho rằng, chính quyền địa phương không có biện pháp để ngăn chặn bởi mấy năm qua, người dân trồng lúa không có lợi nhuận nhiều do chi phí sản xuất cao, giá nông sản thấp. Trong khi đó, trồng thanh long có lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa nên nhiều người bỏ cây lúa, chuyển sang trồng thanh long.

Do thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên cây lúa, cây dừa, rau màu khác bị thanh long “soán ngôi”. Việc cây thanh long phát triển nhanh nên nhiều lần phá vỡ vùng quy hoạch cây trồng, lúa cao sản của huyện, tỉnh, gây nhiều áp lực cho Đảng bộ, chính quyền và ngành Điện.


Những năm 2000, nông dân Châu Thành phải đứng trước sự lựa chọn giữa bóng đèn tròn sợi tóc - bóng đèn compact 20W hay bóng đèn cao áp tiết kiệm điện

Thiếu điện sản xuất

Từ năm 2010 trở đi, diện tích cây thanh long của huyện phát triển nhanh. Hồ sơ xin hạ máy biến áp để có điện xông đèn thanh long mỗi năm đều tăng. Mặc dù ngành Điện thường xuyên cải tạo, nâng cấp đường dây điện nhưng cứ liên tục quá tải. Nhiều hộ dân hoàn chỉnh hồ sơ nộp cho Điện lực huyện, thuê công ty điện cắm trụ, kéo dây, tốn chi phí 10-20 triệu đồng/hồ sơ rồi cứ chờ năm này sang năm khác nhưng chưa có điện. Được biết, hiện tại, có khoảng 1.700 hồ sơ của người dân xin hạ máy biến áp nhưng ngành điện chưa đáp ứng được. Trong khi đó, thanh long đến thời điểm xông đèn mà không có điện sản xuất. Hơn nữa, trái thanh long giá cao khiến người dân như “ngồi trên đống lửa”, gây áp lực với cán bộ, nhân viên ngành điện. 

Để giải quyết khó khăn trên, huyện phải hạ tải các máy biến thế (hạ công suất bình) của các hộ dân có những năm trước, quy định giờ xông đèn, vận động người dân sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện. Giải pháp tạm thời trên cũng không ổn và gây tranh cãi gay gắt bởi trước đây, người dân muốn xông đèn cho thanh long bao lâu tùy vào kinh nghiệm của mỗi người. Thế nhưng, cuối tháng 9-2012, huyện quy định giờ xông đèn cho thanh long từ 22 giờ trở đi. Nếu ai đốt đèn trước thời gian quy định, Điện lực sẽ cắt phiêu không cho nhà vườn đốt đèn. Bên cạnh đó, từ năm 2013, 2014, huyện quy định xông bằng bóng đèn compact 20W nên nhiều hộ trồng thanh long không chấp nhận vì sợ cây ra hoa không đạt, giảm năng suất.


Xông đèn để thanh long ra hoa trái vụ bằng bóng đèn cao áp

Lợi dụng tình hình này, một số người có máy biến áp dư công suất cho thuê với giá cao. Được biết, hiện nay, có chủ máy biến áp cho thuê với giá tới 4.500 đồng/kWh, còn dây điện, bóng đèn, dây cáp của người thuê. Trong khi đó, giá điện sản xuất chỉ có 1.500 đồng/kWh. Không đủ điện nhưng giá thanh long liên tục tăng cao, buộc người dân phải mua máy phát điện để xông đèn thanh long. Dù biết máy chạy dầu chi phí cao nhưng vẫn phải “bấm bụng” vì không còn cách nào khác.

Anh Phan Tấn Quốc, ngụ ấp An Tập, xã An Lục Long cho biết, gia đình có 5 công đất trồng lúa đến năm 2012, anh chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Trước đó, anh đến Điện lực huyện nộp hồ sơ xin hạ bình biến áp để sau này xông đèn thanh long. Tuy nhiên, hồ sơ của anh đến nay vẫn chưa được giải quyết do thiếu điện. Trong khi đó, năm 2014, thanh long của anh đến tuổi xông đèn, anh phải mua máy phát điện với giá 110 triệu đồng.

Theo anh Quốc, chạy máy phát điện chi phí gấp hơn 2 lần so với điện. Với 800 bóng đèn compact 20W để xông cho 5 công thanh long, 1 đêm chạy máy phát điện tốn 65 lít dầu. 1 đợt xông đèn là 15-17 đêm (mỗi năm 2-3 đợt) đối với thanh long ruột đỏ, còn ruột trắng phải 20-22 đêm. Dầu diesel hiện có giá hơn 12.000 đồng/lít. Như vậy, 1 đợt xông thanh long bằng máy phát điện chi phí trên 11,6 triệu đồng, nếu xông bằng điện thì chỉ tốn 5 triệu đồng.

Đối với người không có tiền mua máy phát điện thì ngoài chi phí tiền dầu, họ còn phải tốn thêm 15 triệu đồng tiền thuê máy, dây điện và bóng đèn cho 1 đợt xông thanh long.

Dịch bệnh hoành hành

Khoảng 3 năm gần đây, khi mùa mưa đến cũng là thời điểm dịch bệnh trên cây thanh long bùng phát trên diện rộng. Nhiều nông dân than thở, dịch bệnh vài năm nay quá nhiều và diễn biến ngày càng phức tạp. Ông Võ Tấn Vũ, ngụ ấp Lộ Đá, xã An Lục Long cho biết: "Tôi có 0,9ha thanh long ruột đỏ bị nhiễm bệnh đốm nâu 30%. Trung bình mỗi tuần, tôi phải phun thuốc trừ bệnh cho cây 1 lần. Tính đến cuối mỗi đợt thu hoạch trái, chi phí thuốc trừ bệnh trên 10 triệu đồng. Đó là chưa kể đến chi phí phân bón, thuốc dưỡng và công chăm sóc. Hiện nay, với tốc độ lây lan nhanh của bệnh đốm nâu gây thiệt hại đến năng suất, chất lượng, tăng giá thành trái thanh long. Cụ thể, trong đợt vừa rồi, tôi thu hoạch được 2,4 tấn thanh long nhưng chỉ có 1,6 tấn bán với giá 8.000 đồng/kg; 0,8 tấn còn lại bị bệnh đốm nâu, chỉ bán được giá 500 đồng/kg. Với giá bán thấp như vậy, sau khi trừ chi phí, tôi khó có thể thu hồi được vốn”.


Khoảng 3 năm gần đây, khi mùa mưa đến cũng là thời điểm dịch bệnh trên cây thanh long bùng phát trên diện rộng. Ảnh: Minh Trực

Còn ông Phan Quang Trường, ngụ ấp Hội Xuân, xã Dương Xuân Hội cho rằng, gia đình có 0,7ha thanh long được 6 năm tuổi, trung bình, mỗi năm thu hoạch trên 30 tấn trái. Nhưng khoảng 3, 4 năm trở lại đây, vườn cây của ông bị bệnh đốm nâu trên 5% diện tích làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như giá thành. Theo ông Trường, việc trừ bệnh bằng thuốc hóa học chỉ đạt hiệu quả từ 60-70% vì chỉ có tác dụng ngăn chặn chứ không đặc trị được.

Được biết, đốm nâu là loại bệnh có khả năng lây lan nhanh và chưa có thuốc đặc trị. Do đó, việc phòng, trừ bệnh không thể chỉ dựa vào biện pháp dùng thuốc hóa học mà cần phải có phương pháp quản lý tổng hợp bệnh, kinh nghiệm của người trồng, liều lượng phân bón mới có thể mang lại hiệu quả.

Theo ông Võ Thanh Hồng, tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện có hơn 1.000ha bị nhiễm bệnh đốm nâu (cả trên cành và trái), với tỷ lệ bệnh từ 20-40%. Bệnh này chưa có thuốc đặc trị nhưng ngành Khuyến nông ban hành quy trình canh tác, bón phân,... nên mức độ thiệt hại không cao. Để nông dân an tâm sản xuất, huyện chủ động liên hệ Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu thực hiện Đề tài “Quy trình điều trị bệnh đốm nâu trên cây thanh long” và được Sở Khoa học và Công nghệ thông qua. Đề tài này nghiên cứu trên giống nấm và triển khai trong phòng thí nghiệm đạt kết quả, hiện đang nghiên cứu thực tế để tổng kết, đánh giá, báo cáo đề tài.

Đầu ra không ổn định

Theo ông Cao Văn Cư, ngụ ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội, đầu ra của trái thanh long không ổn định, giá cả bấp bênh, có lúc thương lái không mua. Nông dân chủ yếu bán cho thương lái địa phương. Sau đó, thương lái bán lại cho các cơ sở thu mua thanh long trên địa bàn. Các cơ sở thu mua sơ chế, gia công đóng gói, bán lại cho thương lái ở tỉnh Bình Thuận, TP.HCM xuất khẩu sang Trung Quốc chứ chưa xuất khẩu trực tiếp được.


Đầu ra của trái thanh long không ổn định, giá cả bấp bênh

Hiện nay, toàn huyện có trên 70 cơ sở thu mua, sơ chế thanh long xuất khẩu, trong đó, gần 20 cơ sở đóng gói có kho lạnh bảo quản, các cơ sở còn lại chủ yếu giao trong ngày; chỉ có 1 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu thanh long, đó là Công ty TNHH Hoàng Huy (xã Dương Xuân Hội).

Còn ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ ấp Ông Bụi, xã An Lục Long, có 1,7ha thanh long cho biết: Hiện nay, Nhà nước chưa có một cơ sở nào đứng ra thu mua thanh long nên nông dân lệ thuộc vào thương lái. Nếu nông dân làm ra sản phẩm nhiều thì thương lái ép giá, ít thì được nâng giá. Có khi, sáng sớm, họ mua 18.000-19.000 đồng/kg, nhưng trưa, chiều, hạ xuống còn 8.000-9.000 đồng/kg, không bán thì đổ cho bò ăn. Trái thanh long đã cắt thì phải bán, nếu để qua ngày sau giá càng thấp hoặc lái không mua, lỗ càng nặng. Nếu giá 12.000 đồng/kg thì người trồng hòa vốn, còn dưới mức đó thì coi như lỗ.

Được biết, hiện nay, thanh long ruột trắng (trái đẹp) có giá trên dưới 10.000 đồng/kg, ruột đỏ khoảng 20.000 đồng/kg. Còn trái xấu, bị bệnh ít có giá từ 5.000-7.000 đồng/kg (tùy theo thời điểm), nếu nhiễm bệnh nhiều thì thương lái không mua. Người trồng thanh long cũng lắm nỗi khó khăn./.

(còn tiếp)
Hải Phát - Thanh Tuyền

Kỳ tới: Để thanh long phát triển bền vững

 

Chia sẻ bài viết