Tiếng Việt | English

15/02/2018 - 13:22

Miền Hạ vươn lên từ gian khó

Từ những vùng đất nhiễm mặn năm nào, vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc (tỉnh Long An) nay vươn mình trở thành những khu nuôi trồng thủy sản trù phú, những cánh đồng rau màu xanh ngát và cả những vùng công nghiệp phát triển như khẳng định quyết tâm lớn của con người miền hạ. Đất khó không bó buộc được những đôi tay khôn, miền hạ hôm nay đang bừng tỉnh giấc!

Từ vùng đất khó 

Hai huyện Cần Đước, Cần Giuộc có vị trí địa lý thuận lợi khi tiếp giáp phía Nam của TP.HCM, khu vực đang có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa rất nhanh, lại có tuyến Quốc lộ 50 đi ngang làm cầu nối. Đã thế, miền hạ còn có cửa ngõ thông thương ra biển lớn, hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển công nghiệp, dịch vụ và khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, bao đời, người dân nơi đây vẫn gặp khó khăn, kinh tế chậm phát triển, đời sống phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng năng suất thấp vì đất đai không màu mỡ lại thường gặp rủi ro bởi thời tiết và môi trường. Cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, đến năm 2000, thu nhập bình quân đầu người của 2 huyện chỉ bằng 50% mức bình quân của tỉnh. 

Rau màu khẳng định chỗ đứng trong sản xuất nông nghiệp của người dân miền hạ, từ cây rau, hàng ngàn hộ dân nơi đây vươn lên đổi đời

Rau màu khẳng định chỗ đứng trong sản xuất nông nghiệp của người dân miền hạ, từ cây rau, hàng ngàn hộ dân nơi đây vươn lên đổi đời

Trò chuyện cùng ông Nguyễn Hữu Thanh, ngụ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, được biết, ngày trước, cả xã và cả huyện kiếm được một tuyến đường nhựa hay bêtông đã là hiếm, bao đời, người dân chỉ biết gắn mình với cây lúa nhưng năng suất không cao, chỉ đủ ăn. Thế mà, đến hôm nay, vùng đất này chuyển mình thành một vùng trù phú với cây lúa, cây rau, đời sống người dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là khi Cần Đước trở thành huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh. “Tình đất, tình người nơi đây thôi thúc mỗi người dân trong huyện phấn đấu bằng tất cả sức mình” - ông tâm sự. 

Từ xã khó khăn của tỉnh, đến nay, Tân Tập, huyện Cần Giuộc bắt đầu có bước chuyển mình thành xã công nghiệp. Nhớ lại những ngày cách nay 15 năm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Tập - Nguyễn Thành Nhanh chia sẻ: “15 năm trước, lúc ấy, tôi còn hành nghề thú y, cả vùng này chỉ toàn dừa nước, đường đi rất khó khăn. Cho dù cố gắng đến mấy, nhưng không ít người dân nơi đây chưa lo đủ cái ăn, cái mặc. Đất nhiễm mặn, trồng lúa kém hiệu quả, nuôi tôm cũng chỉ dưới hình thức quảng canh, người dân chưa được tiếp cận khoa học - kỹ thuật. Người nào nuôi khéo nhất, 1ha cũng chỉ cho vài trăm kilôgam tôm. Vậy mà từ những chương trình đầu tư phát triển hạ tầng với những tuyến đường khai phá vùng đất khó, biến nơi đây thành một vùng trù phú. Hơn 300ha nuôi tôm của các hộ dân trong xã quanh năm cho sản lượng lên đến 1.000 tấn; cá biệt, một số hộ mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm cho năng suất cao hơn 3-4 lần. Cảng mở, đường thông, các dự án phát triển công nghiệp cũng dần về với địa phương. Năm 2013, xã chính thức chỉ còn là xã Tân Tập, không còn thêm “cái đuôi” xã bãi ngang ngày trước”. Anh cán bộ thú y năm nào giờ là Bí thư, Chủ tịch UBND xã. Ông Nhanh nhẩm tính: “Tính ra, trong số các dự án công nghiệp đã triển khai trên địa bàn xã hiện lên đến 450ha. Và quy hoạch phát triển công nghiệp của xã lên đến 1.000ha, tương lai, người dân vùng này sẽ khá giả!”.

Những vùng đất nhiễm mặn được người dân miền hạ chuyển đổi sang nuôi tôm công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao

Những vùng đất nhiễm mặn được người dân miền hạ chuyển đổi sang nuôi tôm công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao

Vươn mình trỗi dậy

Ngày cuối năm, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Nguyễn Văn Thiệp hào hứng chia sẻ, năm 2017, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng giá trị sản xuất công nghiệp theo giá trị thực tế ước đạt gần 14.590 tỉ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ, toàn huyện có 98 dự án được đầu tư với diện tích 6.360ha, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Còn tại huyện Cần Đước, năm qua, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - xây dựng cũng tròm trèm con số 11.000 tỉ đồng. Hoạt động sản xuất ngành công nghiệp có khởi sắc, riêng năm 2017, huyện tiếp nhận 9 nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp trên địa bàn. Đây là một trong những kết quả rất đáng ghi nhận khi hơn 10 năm trước, công nghiệp mới chỉ manh nha xuất hiện tại huyện và đạt con số hôm nay chẳng khác gì như một giấc mơ đang trở thành hiện thực.

Để có được bước tiến vững chắc như hôm nay, phải kể đến cột mốc ngày 07/4/2000, Tỉnh ủy quyết định ban hành Nghị quyết về phát triển KT-XH vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc. Và để nghị quyết ấy đi vào thực tiễn cuộc sống, trước hết, 2 huyện phải vươn lên bằng chính nội lực. Huyện ủy, UBND 2 huyện vùng hạ cụ thể hóa nghị quyết bằng chương trình hành động, lập ban điều hành, phân công lãnh đạo UBND huyện trực tiếp điều hành thực hiện. Những sự đầu tư về hệ thống giao thông, thủy lợi, những chính sách về nông nghiệp dành riêng cho vùng hạ dần đi vào cuộc sống tạo tiền đề cho sự ra đời các vùng chuyên canh rau màu tập trung, vùng lúa đặc sản, vùng nuôi trồng thủy sản, gia cầm dần hình thành và được đầu tư theo hướng bền vững. Nếu giai đoạn 2000-2005, các cơ sở sản xuất công nghiệp ở vùng hạ chỉ có cơ khí, xay xát lúa gạo, đóng tàu, ghe,... với quy mô nhỏ, lẻ thì đến năm 2006, công nghiệp đã về, 4 năm sau, vùng hạ phát triển 3 khu công nghiệp với diện tích gần 900ha. Và đến nay, hai địa phương đều thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. 

Từ Tân Lân, Tân Ân, Mỹ Lệ, huyện Cần Đước đến các vùng: Phước Lâm, Phước Hậu, Long Hậu, Tân Tập, huyện Cần Giuộc, đi đâu, chúng ta cũng đều cảm nhận được sự thay đổi từ mảnh đất miền hạ, bởi những cánh đồng lúa, rau ngút ngàn, những guồng quay của vô vàn cánh quạt tung bọt trắng xóa giữa vuông tôm và cả những con đường thênh thang dẫn về các khu, cụm công nghiệp. Khó khăn năm xưa phải nhường chỗ cho sự phát triển. Trên Đường tỉnh 830 - công trình trọng điểm nối liền các khu, cụm công nghiệp của 4 huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc về Cảng Quốc tế Long An đang được khẩn trương thi công, hứa hẹn mở ra cho vùng hạ bước phát triển mới. Tôi chợt nghĩ, vài năm nữa sẽ có những đổi thay vượt bậc. Ghé tạm quán ven đường, bên ly cà phê, nghe ấm lòng với giọng hát “Về miền hạ quê em/ Về bên sông Soài Rạp/ Về Cần Giuộc hôm nay/ Vui trong từng câu hát...”./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết