Tiếng Việt | English

22/06/2021 - 09:58

Nghề báo - Nghề của sự đam mê và dấn thân

Bất kỳ nghề nghiệp nào cũng cần sự dấn thân của những người tham gia. Nhưng với riêng những nhà báo, phóng viên cần đặc biệt có sự dấn thân, vượt qua những nguy hiểm, cám dỗ để có những tác phẩm báo chí chất lượng. Đam mê, dấn thân không chỉ đơn giản là trách nhiệm của mỗi nhà báo mà đó còn là trách nhiệm với bạn đọc, xã hội đấu tranh trước cái sai để mang đến những điều tốt đẹp hơn cho xã hội.

Bài 3: Bản lĩnh với nghề, trách nhiệm cao với xã hội

Báo chí đã và đang là chỗ dựa tin cậy của người dân và là kênh quan trọng giúp Đảng, Nhà nước giám sát, quản lý những vấn đề trong xã hội.

Mỗi nhà báo cần có bản lĩnh với nghề, trách nhiệm cao với xã hội (Trong ảnh: Nhà báo Lê Đức trong những chuyến tác nghiệp)

Mỗi nhà báo cần có bản lĩnh với nghề, trách nhiệm cao với xã hội (Trong ảnh: Nhà báo Lê Đức trong những chuyến tác nghiệp)

Xung kích trên mọi mặt trận

Trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam là phải nắm vững và tuyên truyền sâu, rộng, kịp thời, có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Đồng thời, báo chí góp phần phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội. Báo chí còn đóng vai trò tiên phong, xung kích trên mặt trận đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhưng để thực hiện được trách nhiệm xã hội, người làm báo cần hiểu rõ và nắm vững chức năng đặc thù của báo chí. Đó là chức năng thông tin; chức năng định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng; chức năng văn hóa, giáo dục; chức năng thẩm định, giám sát và phản biện xã hội. Vì vậy, dù viết ở bất cứ lĩnh vực nào, trách nhiệm xã hội và ý thức nghề nghiệp của những người làm báo - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng phải được đề cao và trở thành phản xạ tự nhiên khi cầm bút.

Làm báo, nhất là các bài viết phản ánh, phản biện chắc chắn sẽ đụng chạm nhiều dẫn đến mất lòng nhiều người nhưng cũng “được” không ít những người bạn. Đó là điều rất bình thường mà người làm báo phải chấp nhận. Điều cốt lõi, nhà báo đã nói lên được sự thật. Sự thật ấy là có lợi cho cái chung, cho lợi ích công, lớn hơn đó chính là lợi ích cho dân tộc, cho đất nước. Báo chí là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng; mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng; nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng.

Công tâm, khách quan

Từ những vụ việc “bé” đến vụ việc “lớn”, cái “tốt” hay cái “xấu” đều được người dân thông báo cho nhà báo, tòa soạn. Đơn giản vì họ trông cậy và đặt niềm tin rằng, khi báo chí vào cuộc, sự việc được đưa lên mặt báo thì nhất định sẽ có những giá trị thông tin. Có thể cái tốt được nhân rộng, cái xấu ít đi, còn những khúc mắc, oan sai sẽ được các cơ quan chức năng để ý hơn, giải quyết nhanh hơn.

Ông cha ta thường nói “bút sa gà chết”, nên khi viết những tiêu cực, nếu để sai sót, nhiều khi để lại hậu quả rất khủng khiếp cho người bị nêu và ảnh hưởng xấu đến xã hội. Nếu nhà báo không cẩn thận, làm việc cẩu thả hoặc thiếu công tâm thì đôi khi sự việc “từ trắng sẽ thành đen”, từ “nàng tiên” nhưng lại bị biến thành “phù thủy” hoặc ngược lại.

Nếu để xảy ra những sự việc này thì không chỉ “bút sa gà chết”, nhiều khi nhà báo cũng “chết” vì phải chịu trách nhiệm, bị xử lý trước pháp luật với những thông tin nêu sai. Đồng thời, uy tín tờ báo và đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cơ quan báo chí cũng bị ảnh hưởng.

Theo đó, để thực hiện được sứ mệnh và trách nhiệm với nghề nghiệp, xã hội, người làm báo luôn phải nỗ lực, phấn đấu. Không chỉ là trau dồi về kỹ năng nghề nghiệp mà phải luôn nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống để miễn nhiễm, không sa ngã trước những cám dỗ.

Trao đổi qua những lần sinh hoạt nghề nghiệp với những hội viên, người làm báo trẻ trong tỉnh, nhà báo Lê Hồng Phước - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Long An, luôn nhấn mạnh: “Người làm báo chí cách mạng phải luôn thể hiện bản lĩnh, tinh thần cách mạng, trách nhiệm cao với xã hội, nghề nghiệp, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ. Người làm báo cách mạng phải luôn đặt danh dự của bản thân vào trong mỗi bài viết, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, hạnh phúc của nhân dân lên hàng đầu”.

Nghề báo là vậy đó, vui - buồn - trăn trở - sướng - khổ cứ luôn đồng hành. Nhiều khi phải chấp nhận cả những nguy hiểm, khó khăn, thử thách để nói lên sự thật, bảo vệ công lý. Tôi vẫn luôn ấn tượng với lời đúc kết, nhắn nhủ của một người làm báo giàu kinh nghiệm: “Nếu bạn im lặng trước những cái xấu, ngày mai chính bạn hoặc con cái bạn là người lãnh đủ. Nếu bạn im lặng trước bất công, ngày mai có thể chính bạn sẽ là nạn nhân, nếu bạn thấy cuộc đời này còn những điều chưa đẹp, hãy chỉ ra vì sao và hãy tự hỏi bạn đã làm gì để nó đẹp hơn. Nếu bạn im lặng trước những nỗi đau, đừng hỏi sao cuộc đời nhiều ngang trái. Nếu bạn để ký ức đẹp đẽ trôi tuột đi, không gìn giữ, bạn còn di sản gì cho tâm hồn mình? Nó sẽ cằn cỗi và không nở hoa”.

(còn tiếp)

Bài 4: Không được vô cảm với cuộc sống​

Kiên Định - Lam Hồng

Chia sẻ bài viết