Tiếng Việt | English

12/04/2020 - 18:16

Ở nhà cách ly, làm gì để vui?

Hãy thức dậy chỉ cần với suy nghĩ “mỗi ngày là một niềm vui”, bạn sẽ thấy bầu không khí quanh ta trong lành hơn.

Bước sang tuần thứ hai giãn cách xã hội, trong những giờ cao điểm, số lượng xe cộ đi lại ở Hà Nội đã gia tăng trở lại. Trong khi đó dịch bệnh Covid-19 không loại trừ bất cứ ai, và diễn biến phức tạp như khó lường trước. Vì vậy mọi người dân không để tâm lý chủ quan lấn án và tuyệt đối không để tâm lý đó tồn tại trong tuần thứ hai thực hiện giãn cách xã hội này.

Hãy ở trong nhà nếu bạn không phải đi làm, không có việc cấp bách. Không ra đường vài ba ngày hay cả tháng cũng không chết. Không ra đường tập thể dục, chạy bộ cũng không yếu đi. Không tụ tập nhà bạn bè hay họ hàng cũng không vì thế mà tình cảm nhạt nhòa. Vậy nên hãy ở nhà và ở nhà, nhất là trong thời điểm này.

Nhiều người nói, ở nhà dài chán quá, cuồng hết cả chân. Ở nhà quay đi từ phòng ngủ ra phòng khách rồi tới phòng bếp, chỉ nấu nấu, ăn ăn, uống uống mệt nhoài. Ở nhà nằm ườn lướt phây, xem phim cũng mỏi mắt, ngứa ngáy chân tay, khó chịu lắm rồi. Quả thật, từ ngày này qua ngày khác, di chuyển của mỗi người chỉ trong một không gian chật hẹp sẽ gây ra cảm giác buồn bực, khó chịu là điều không tránh khỏi. Nhưng để thoát ra khỏi tâm lý đó không phải không làm được, chỉ là bạn có muốn thay đổi thói quen không mà thôi.


Điều quan trọng đầu tiên để cảm thấy không nhàm chán, bức bối khó chịu khi ở nhà đó là hãy hướng suy nghĩ của mình tới những điều tích cực. Bởi đây cũng là dịp rảnh rỗi hiếm hoi giúp bạn có nhiều thời gian hơn để làm những việc mà trước nay bạn vẫn cho rằng mình quá bận hoặc ngại thử sức.

Dành thời gian cho người thân nhiều hơn. Bình thường đi làm bận bù đầu, thời gian thăm hỏi bố mẹ đôi bên chắc cũng không thường xuyên. Vậy nếu ở gần hãy thường xuyên qua thăm động viên bố mẹ, tiện thể mua thêm đồ để ông bà dùng dần không phải ra ngoài. Dành thời gian cho vợ/chồng, con cái. Ban ngày thì cùng chồng hay con nấu ăn, đọc sách. Cùng với bạn đời tâm sự chuyện tương lai gần, bàn những việc cần làm ngay sau khi hết dịch. Quán xuyến con cái học hành, trò chuyện với con về ước mơ, rèn con đọc sách và thực hiện cùng con những trò mà chúng ao ước có sự tham gia của bố mẹ.

Thời gian này không gặp được bạn bè, những người có mối quan hệ quan trọng thì gọi điện, nhắn tin hỏi thăm và không quên dặn dò giữ gìn sức khỏe. Chỉ cần vậy thôi thì họ cũng cảm thấy ấm lòng bởi sự quan tâm của bạn dành cho họ, nhất là trong lúc dịch bệnh thế này.

Đâu cần thiết phải tập thể dục. Cả nhà cùng hò nhau tập tại nhà cũng là cách tốt để nâng cao sức khỏe. Khi tập cùng nhau chắc chắn sẽ rất vui, tiếng cười đùa rộn vang sẽ khiến năng lượng tích cực tràn ngập căn nhà bạn. Nếu bạn cần phải có những bài tập riêng thì đây cũng là dịp hình thức tập online ra đời. Nhiều người thích thiền thì có hẳn những trang page dành riêng.

Ngoài thời gian dành cho gia đình, bạn cũng nên dành chút thời gian cho mình để thưởng thức âm nhạc. Nếu cuộc sống không có âm nhạc thì thật buồn tẻ. Âm nhạc cũng giống như liều thuốc bổ giúp bạn tăng thêm sức đề kháng vui tươi, phấn chấn. Đọc thêm những cuốn sách mà mình yêu thích cũng nhanh hết ngày lắm. Rèn thói quen đọc sách cho bản thân và con cái sẽ nhận ra nhiều điều thú vị qua những trang sách mà mình đã đọc. Cả một khối lượng kiến thức siêu to khổng lồ trong đó kiểu gì bạn cũng rút ra được nhiều điều hay ho.

Với những người nấu ăn chưa phải là ngon thì tại sao không tranh thủ thời gian này liều mình thử nghiệm những món ăn mà bấy lâu nay không dám nghĩ tới. Có hỏng thì mới có thành công. Công thức nấu ăn có đầy ắp trên mạng. Còn nếu không hãy tham gia những group như Yêu bếp, Nghiện ăn để học hỏi thêm công thức các món ăn ngon. Cứ phải vượt qua chính bản thân để làm điều mà mình ấp ủ bao lâu nay.

Cùng với các con nấu những món ăn đơn giản hàng ngày. Chỉ cần trải qua hết thời gian cách ly xã hội tay nghề nấu nướng của bọn trẻ sẽ được nâng cao. Nấu ăn cũng là kỹ năng mềm mà các con cần được trang bị.


Nấu ăn cũng là kỹ năng mềm mà các con cần được trang bị

Viết nhật ký ghi lại những ngày cách ly xã hội cũng là việc đem lại niềm vui cho bản thân. Có thể ngày mai, ngày kia bạn còn nhớ những gì đang diễn ra nhưng 1 tháng nữa có lẽ những câu chuyện vui, những tình huống hài ước trong dịp này có lẽ sẽ bị quên lãng. Nhưng nếu được ghi lại biết đâu nó sẽ có giá trị cho sau này. Ghi chép lại cuộc sống cũng là cách lưu giữ lại quá khứ một cách trân trọng.

Làm từ thiện- tại sao không? Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Hãy cùng với các con lên phương án làm từ thiện như nào. Có thể đóng góp vào quỹ phòng chống dịch Covid-19 mà xã phường nào cũng đang kêu gọi. Hay thiết thức nhất là mang gạo ra ủng hộ cây ATM gạo hiện có ở TP. HCM và Hà Nội. Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều người lâm vào canh mất việc làm, đói kém, túng quấn, đôi ba cân gạo lúc này thực sự khiến những gia đình khó khăn cũng thấy phần nào ấm lòng có thể vượt qua được mùa dịch.

Và quan trọng hãy tỉnh dậy mỗi ngày với suy nghĩ tích cực, rằng một ngày mới đã đến, cả gia đình vẫn khỏe mạnh, ai cũng vui vẻ ở nhà để thực hiện việc cách ly xã hội, đó là việc đáng để vui. Năng lượng tích cực ở đâu xa, ngay cạnh mỗi người chỉ là bạn biết cách khơi thông nguồn năng lượng đó mà thôi.

Hãy thức dậy chỉ cần với suy nghĩ “mỗi ngày là một niềm vui”, bạn sẽ thấy bầu không khí quanh ta trong lành hơn… Đó chính là cách để chúng ta nhìn ra những điều tích cực và không thấy chán nản khi phải ở nhà quá lâu./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích