Tiếng Việt | English

08/04/2020 - 16:35

Thủ Thừa

Quê hương đổi mới

Qua 5 năm nhìn lại, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An từng bước chuyển mình. Khoảng cách nông thôn và thị trấn dần thu hẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Đó là kết quả của ý Đảng, lòng dân thống nhất để cùng dệt nên bức tranh quê hương đổi mới.

Tuyến đường ấp Bà Nghiệm được đal hóa là niềm vui, tự hào của người dân nơi đây
Tuyến đường ấp Bà Nghiệm được đal hóa là niềm vui, tự hào của người dân nơi đây

Những công trình hợp lòng dân

Những tuyến đường, cầu bêtông nối liền xã, ấp không chỉ giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện mà còn góp phần tạo nên một diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Đó là “quả ngọt” từ sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân khi thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT)” - 1 trong 3 chương trình đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XI đề ra.

Nếu như 5 năm trước, tuyến đường ấp Bà Nghiệm, xã Mỹ Lạc, là nỗi trăn trở của người dân và chính quyền địa phương. Đường đá đỏ với “điệp khúc” “nắng bụi, mưa lầy” ấy cũng là con đường đi lại, vận chuyển hàng hóa thường xuyên của đa số người dân tại ấp Bà Nghiệm.Có thể nói, bêtông hóa con đường chỉ có trong giấc mơ của người dân nơi đây.5 năm trôi qua, giấc mơ tưởng chừng khó thực hiện nay lại hiện hữu ngay trong đời thực. Tuyến đường ấp Bà Nghiệm dài 2,7km được bêtông hóa 100%, đáp ứng nhu cầu đi lại cho hơn 200 hộ dân trên địa bàn ấp và hàng ngàn lượt đi lại mỗi ngày của người dân địa phương khác.

Bà Nguyễn Thị Hấu (60 tuổi), ngụ ấp Bà Nghiệm, tâm sự: “Tuyến đường bêtông sạch, đẹp được hình thành là niềm vui, tự hào và như một giấc mơ của người dân ấp Bà Nghiệm. Nhờ có tuyến đường này, người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản thuận tiện, bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc.Các gia đình hai bên tuyến đường, trong đó có gia đình tôi làm cổng rào để tăng vẻ mỹ quan cho vùng quê.Đây là công trình nhân dân đồng thuận và đóng góp xây dựng nên ai cũng cố gắng gìn giữ để sử dụng lâu dài”.

Không chỉ tuyến đường ấp Bà Nghiệm mà còn nhiều công trình hợp lòng dân khác do nhân dân chung tay xây dựng. Từ năm 2015-2019, xã Mỹ Lạc thực hiện được 21 công trình, gồm: 12 đường bêtông, 5 cây cầu và 4 giếng nước, trong đó, đường GTNT thực hiện được 12,3km.

Bí thư Đảng ủy đồng thời Chủ tịch UBND xã Mỹ Lạc - Lê Hoàng Việt chia sẻ: “5 năm trước, đa số đường GTNT trên địa bàn xã là đường đất, đá đỏ, rất ít đường bêtông. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy về Huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT, bộ mặt nông thôn xã Mỹ Lạc dần thay đổi. Các tuyến đường được nâng cấp, mở rộng và bêtông hóa, nhờ vậy xóm, ấp được nối liền, thuận tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa.Thực hiện được điều đó là nhờ xã luôn chú trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.Khi quyết định xây dựng một công trình bất kỳ, xã luôn họp dân và lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân. Theo đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó, người dân luôn là chủ thể và người thụ hưởng trực tiếp. Nhờ vậy, các công trình được chọn luôn là công trình hợp lòng dân và có sự tham gia đóng góp của nhân dân”.

Tại các địa phương khác cũng vậy, xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá để phát triển KT-XH. Theo đó, các địa phương vận động vốn người dân trực tiếp thụ hưởng công trình theo đúng chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng GTNT, góp phần xây dựng nông thôn mới. Cùng với vốn người dân, các địa phương cũng tranh thủ vận động những người con thành đạt của quê hương, mạnh thường quân đóng góp thêm kinh phí xây dựng hạ tầng GTNT cho quê hương. Kết quả, từ năm 2015-2019, toàn huyện thực hiện được 46,36km đường bêtông, đạt gần 93%; 91,174km đường cấp phối đá, đạt gần 152%; 67 cây cầu bêtông, đạt hơn 446% so với chỉ tiêu nghị quyết.

Trường Tiểu học Thị trấn Thủ Thừa mang phong cách vừa cổ kính, vừa hiện đại

Trường Tiểu học Thị trấn Thủ Thừa mang phong cách vừa cổ kính, vừa hiện đại

Tự hào ngôi trường đạt chuẩn quốc gia

Ngôi trường mới, khang trang, đầy đủ trang thiết bị dạy học được hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm học 2018-2019, đến nay Trường Tiểu học Thị trấn Thủ Thừa vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đây cũng là kết quả của Công trình trọng điểm được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XI đề ra.

Thay cơ sở cũ, xuống cấp, thiếu phòng học, phòng chức năng là ngôi trường mới, được thiết kế theo phong cách vừa cổ kính, vừa hiện đại với 30 phòng học, 10 phòng chức năng và khu hành chính riêng. Đây là niềm vui, tự hào của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh (HS) nhà trường; đồng thời, cũng là yêu cầu để trường nỗ lực hơn nữa, xứng đáng với kỳ vọng của phụ huynh và tầm vóc ngôi trường hiện đại.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Thủ Thừa - Trương Thành Thông cho biết: “Trước đây, cơ sở cũ chỉ có 23 phòng học, trong khi có 31 lớp, thiếu phòng chức năng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học của nhà trường. Từ khi chuyển qua cơ sở mới, đầy đủ phòng học, phòng chức năng, trường thuận lợi trong triển khai những đổi mới về giáo dục, trong đó 100% giáo viên thay đổi phương pháp dạy, lấy HS làm trung tâm. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của trường được nâng lên so với trước đây”.

Lớp học có tivi để học sinh xem các chương trình hoạt hình, thế giới động, thực vật vào giờ nghỉ trưa

Lớp học có tivi để học sinh xem các chương trình hoạt hình, thế giới động, thực vật vào giờ nghỉ trưa

Mỗi lớp 1 phòng học với đầy đủ trang thiết bị phục vụ dạy học, giáo viên thuận lợi trong việc thay đổi phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin giúp các tiết học trở nên sinh động, tạo hứng thú cho HS. “Lớp học rộng rãi, bàn ghế rời nên tôi có thể cho HS học nhóm bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, tùy theo bài học, tôi sử dụng máy chiếu để cho HS xem hình ảnh, video thực tế trong quá trình giảng dạy giúp các em dễ hiểu bài hơn. Lớp còn có tivi, các em có thể xem phim hoạt hình, các chương trình về động vật, thực vật vừa để giải trí, vừa mở rộng kiến thức.Có thể nói, từ khi chuyển qua cơ sở mới, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao” - cô Huỳnh Thị Hồng Nhẹ thổ lộ.

Ngoài mỗi lớp 1 phòng học, khi học các môn: Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật,…HS được học tại phòng chức năng riêng với đầy đủ trang thiết bị đặc thù của từng môn. Bên cạnh đó, HS còn có thể tìm hiểu thêm kiến thức và vui chơi tại Thư viện, nhà đa năng, sân bóng mini,…Với những điều kiện thuận lợi ấy, HS có thể theo đuổi sở thích và phát huy được năng khiếu bản thân trong quá trình học tập tại trường.

Học sinh học môn Tiếng Anh tại phòng chức năng với đầy đủ trang thiết bị phục vụ học tập

 

Học sinh học môn Tiếng Anh tại phòng chức năng với đầy đủ trang thiết bị phục vụ học tập

 

Cùng những thành công của các chương trình đột phá, công trình trọng điểm được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, Thủ Thừa đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, kinh tế tăng trưởng nhanh (tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015-2020 ước đạt 15,6%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao và là động lực của sự phát triển. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, đời sống tinh thần của người dân được cải thiện, tỷ lệ giảm nghèo ở mức cao; chính sách người có công, an sinh xã hội được thực hiện tốt,…Đặc biệt, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tập trung thực hiện, có sự tham gia của hệ thống chính trị và nhân dân, đạt nhiều kết quả quan trọng. Kế thừa những thành quả ấy, hiện nay, Thủ Thừa đang tích cực triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tuyến đường bêtông sạch, đẹp được hình thành là niềm vui, tự hào và như một giấc mơ của người dân ấp Bà Nghiệm. Nhờ có tuyến đường này, người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản thuận tiện, bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc”./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết