Tiếng Việt | English

21/10/2021 - 14:16

Vươn lên từ nghèo khó

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Trụ, tỉnh Long An theo chương trình giải quyết việc làm, gia đình anh Huỳnh Ngọc Bình có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Khi cuộc sống đã ổn định, anh còn tạo việc làm, giúp nhiều người dân địa phương vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Cơ sở kinh doanh đồ gỗ của anh Huỳnh Ngọc Bình giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động nhàn rỗi ở địa phương

Cơ sở kinh doanh đồ gỗ của anh Huỳnh Ngọc Bình giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động nhàn rỗi ở địa phương

Cách đây 10 năm, khi ra riêng, vợ chồng anh Bình (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) chỉ có hai bàn tay trắng, kinh tế gia đình dựa vào số tiền vác cừ tràm thuê của anh. Với bản tính cần cù, chịu khó, anh vừa chăm chỉ làm thuê, vừa tích góp được một số tiền, sau đó mạnh dạn mở cơ sở kinh doanh cừ tràm. Anh thu mua cừ tràm và nhận đóng cừ tràm cho các công trình, đơn vị thi công, từ đó kinh tế gia đình ngày càng ổn định và vươn lên trở thành hộ khá ở địa phương.

Không chỉ giàu nghị lực vươn lên thoát nghèo, anh còn có tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Anh vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trang thiết bị, nhận gia công đồ gỗ cho các cửa hàng kinh doanh đồ gỗ, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó chủ yếu là người già và thanh niên muốn học nghề.

Ông Nguyễn Văn Biên (xã Long Sơn, huyện Cần Đước) bộc bạch: “Trước đây, tôi đi làm công nhân ở TP.HCM nhưng lớn tuổi, công ty cho nghỉ việc. Không trụ nổi ở TP.HCM, tôi về quê sống bằng nghề bán vé số, dù vậy, số tiền kiếm được cũng chẳng đủ lo chi phí sinh hoạt trong gia đình. Biết được hoàn cảnh gia đình, cháu Bình nhận tôi vào làm việc, với thu nhập trung bình 300 ngàn đồng/ngày và bao 1 bữa cơm, từ đó cuộc sống gia đình bớt vất vả”.

Nhận thấy nhu cầu học nghề làm gỗ của thanh niên địa phương nhiều, anh Bình quyết định vay thêm 100 triệu đồng, cùng với số tiền tích góp được, mở rộng quy mô kinh doanh đồ gỗ từ việc nhận gia công sang nhận đặt hàng trực tiếp từ các hộ gia đình. Anh Bình trải lòng: “Xuất thân từ nghèo khó, tôi hiểu người nghèo luôn khát khao vươn lên nhưng lại không có điều kiện.

Do đó, tôi mở cơ sở kinh doanh đồ gỗ để dạy nghề cho thanh niên và tạo việc làm cho người nghèo ở địa phương. Hiện nay, cơ sở kinh doanh đồ gỗ của tôi giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động nông thôn. Ban đầu, thanh niên đến đây sẽ được dạy nghề miễn phí, sau đó ai ham học hỏi, siêng năng thì trả lương 300 ngàn đồng/ngày hoặc làm chia tiền theo sản phẩm”.

Đối với người nghèo, việc được học nghề miễn phí và có việc làm, thu nhập ổn định sau khi học nghề là “chìa khóa” giảm nghèo hiệu quả, thiết thực nhất. Và thời gian qua, cơ sở kinh doanh đồ gỗ của anh Bình đã góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội ở địa phương. Hy vọng, thời gian tới, cơ sở kinh doanh đồ gỗ của anh tiếp tục phát triển để nhiều người nghèo được học nghề, thoát nghèo./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết