Tiếng Việt | English

22/03/2018 - 15:34

Đồng hành cùng người yếu thế

Bài 2: Tận tâm vì người khác

Mỗi người có sự lựa chọn khác nhau cho cuộc sống của mình và có không ít người lựa chọn sống vì người khác,...

Tại Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội có đường dây nóng hoạt động 24/7 để tư vấn cho người cần giúp đỡ (Trong ảnh: Anh Phạm Tấn  Ngàn trực đường dây nóng)

Cùng bước qua nỗi đau

Năm 2016, ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xảy ra chuyện đau lòng, bé gái 10 tuổi bị chú ruột dâm ô, dẫn đến hoảng loạn tinh thần. Cô bé bị giày vò nhiều lần và bi kịch chỉ kết thúc khi gia đình phát hiện sự việc. Câu chuyện nhanh chóng được người dân thông báo với Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (CTXH). Nhận được tin báo, trung tâm lập tức lập hồ sơ để có phương án hỗ trợ kịp thời. Các CTXH viên trực tiếp đến gia đình bé để tìm hiểu sự việc, giúp bé ổn định tinh thần. Gần 2 năm sau, những ám ảnh trước kia tạm lắng xuống, cô bé dần bắt nhịp lại với cuộc sống.

Kể lại sự việc trên, CTXH viên - Phạm Tấn Ngàn chia sẻ: “Vì gia đình khó khăn, cha mẹ bé đi làm suốt nên gửi bé cho ông bà. Khi sự việc bị phát hiện, chúng tôi tư vấn gia đình chuyển ra ở riêng, giúp bé ổn định tinh thần. Mỗi tuần, thông qua các cộng tác viên, cán bộ xã, chúng tôi nắm bắt tình hình, tư vấn cha mẹ bé cách giúp bé hòa nhập lại với cuộc sống”.

Mỗi năm, trung tâm tiếp nhận khoảng 10 ca cần can thiệp sâu như vậy và thân chủ được hỗ trợ miễn phí, xuyên suốt đến khi hoàn toàn ổn định. Với những ca như thế, CTXH viên buộc phải tiếp cận, tìm hiểu và tư vấn, đồng thời theo dõi quá trình hồi phục của thân chủ. Anh Ngàn cho biết thêm, tùy sự khẩn cấp của từng trường hợp mà CTXH viên xác định cần hỗ trợ khẩn cấp hay làm theo quy trình. Với những thân chủ rơi vào tình cảnh không nơi nương tựa: Trẻ mồ côi, trẻ lạc, phụ nữ, trẻ em bị bạo hành gia đình mà chưa thể trở về nhà,... có thể ở tại nhà tạm lánh của trung tâm một thời gian.

Hàng năm, ngoài những trường hợp phải lập hồ sơ can thiệp sâu, trung tâm còn tư vấn hàng trăm trường hợp khác về tất cả lĩnh vực: Tình cảm, hôn nhân - gia đình, chế độ, chính sách, tìm kiếm việc làm,... Những người làm việc ở trung tâm không chỉ tư vấn trực tiếp mà còn trả lời email và trực đường dây nóng 24/7.

Chọn làm việc ở trung tâm nghĩa là chọn một công việc phải biết nghĩ đến người khác, nhận ra nỗi đau mà thân chủ đang gánh để có cách tháo gỡ phù hợp. Họ phải là một người nhiệt tình, không quản khó khăn đến tận nhà thân chủ tư vấn, hỗ trợ và tự trang bị những kiến thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể tư vấn cho thân chủ đi đến quyết định đúng đắn. Trung tâm như một điểm tựa vững chắc cho những người gặp khó khăn và đường dây nóng 10801567 luôn sẵn sàng phục vụ, chia sẻ.

Lương y không lương

Rời Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH, chúng tôi đến gặp bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ ấp 2, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành. Bao nhiêu năm nay, bà vẫn lặng lẽ chữa bệnh miễn phí bằng phương pháp đông y cho nhiều người. Nếu người bệnh không thể đi lại, bà đến tận nhà chữa trị.

Gặp bà tại một ngôi chùa ở phường 7, TP.Tân An khi bà đến điều trị cho người bệnh bị chấn thương cột sống, không thể đi lại được. Tại chùa, còn vài người nữa đang chờ bà điều trị. Với mong muốn được giúp người, sau khi có chứng chỉ hành nghề, bà Hoa điều trị bệnh miễn phí cho nhiều người và ngày càng nhiều bệnh nhân tìm đến nhờ bấm huyệt, xoa bóp.

Bà Nguyễn Thị Hoa đang điều trị cho bệnh nhân tại phường 7, TP.Tân An

Bà Hoa xin phép chính quyền địa phương tổ chức điều trị tại nhà vào tất cả buổi sáng trong tuần; buổi chiều, bà dành thời gian đến tận nhà những bệnh nhân không thể đi lại được. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Bích Tuyền cho biết: “Bà Hoa là hội viên năng nổ, trị bệnh cho nhiều người bằng phương pháp y học cổ truyền. Hiện nay, bà được cấp giấy phép hành nghề, đây là niềm vui và vinh dự để bà tiếp tục công việc ý nghĩa này”.

Vừa xoa bóp cho bệnh nhân, bà Hoa vừa tươi cười: “Tôi nghĩ mình còn sức khỏe thì cứ giúp mọi người. Tôi điều trị không nhận tiền nhưng cũng có nhiều trường hợp, sau khi khỏi bệnh, người nhà bệnh nhân hỗ trợ chi phí đi lại cho tôi. Tôi dùng tiền đó mua sắm máy móc phục vụ việc trị bệnh, phần còn lại, tôi đóng góp cho địa phương để giúp đỡ người nghèo”. Được biết, bà Hoa còn là người gầy dựng phong trào thể dục dưỡng sinh tại xã Hòa Phú và nhân rộng ra một số xã khác trong huyện với mong muốn mọi người ý thức hơn trong việc rèn luyện sức khỏe.

Chia tay bà Hoa, chúng tôi nhận thấy, bà cũng như những CTXH viên khác có một điểm chung: Tận tâm, tận lực nhằm xoa dịu nỗi đau của người gặp khó khăn về cả tinh thần lẫn thể chất. Những người sống vì người khác./.

Phương Phương
(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết