Tiếng Việt | English

12/01/2016 - 10:57

Dọc đường biên giới Tân Hưng (Long An)

Bài 4: Những phận đời không quốc tịch

Là Việt kiều trở về từ Biển Hồ, sinh sống tại xã Hưng Hà, Tân Hưng nhưng họ không tiền, không giấy tờ tùy thân, không đất đai,... Cuộc sống phía trước của họ vẫn còn nhiều bấp bênh.

 

Những người như ông Nguyễn Văn Sơn, Trần Văn Xuân về sinh sống ở xóm Việt Kiều trên 10 năm nhưng vẫn chưa có hộ tịch.

Bên dòng kênh KT7, xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng có một xóm Việt kiều nghèo khó. Họ là những người trở về từ Biển Hồ, Campuchia. Hằng ngày họ vẫn làm thuê, làm mướn, cuộc sống bấp bênh.

Vào khoảng năm 2004, có nhiều người dân rời bỏ Biển Hồ về sinh sống tại xã Hưng Hà. Lúc đầu về xã, nhiều hộ dựng nhà tạm ở bên các bờ kênh. Nguyên nhân rời bỏ Biển Hồ cũng vì nơi đây không còn “hào phóng” như ngày trước, cá, tôm ngày càng cạn kiệt, cuộc mưu sinh mỗi ngày một vất vả hơn. Thời gian đầu có nhiều hộ chuyển về, ngược lại nhiều hộ lại chuyển đi đâu không biết.

Đến năm 2006, số lượng hộ về sinh sống ở xã ngày càng đông gây nhiều khó khăn, nhất là tình hình an ninh trật tự. Dù có tạo ra áp lực cho xã nhưng không vì thế mà chính quyền làm ngơ, Hưng Hà xin chủ trương thành lập xóm Việt kiều ở trên tuyến dân cư kênh KT7.

“Lúc đầu họ sống rải rác, chính quyền rất khó quản lý và còn gây ô nhiễm môi trường nhưng sau khi gom về thành một xóm thì việc tuyên truyền dễ dàng hơn, dễ quản lý hơn, rác thải được tập trung lại rồi xử lý bằng cách đốt. Mấy năm qua, lượng người đến, đi cũng ít. Đến nay, xóm Việt kiều bên kênh KT7 có hơn 73 hộ với 356 nhân khẩu” - một cán bộ xã Hưng Hà cho biết.

Mang danh là xóm Việt kiều, nhưng họ không đất sản xuất, không tiền, nơi họ trú ẩn ngày, đêm chỉ là căn chòi, nhà lá, tole, nhà tạm bợ liêu xiêu và thấp lè tè nằm san sát nhau.

“Đất dựng những căn nhà tạm này cũng là mượn của Nhà nước chứ ít người mua được. Muốn mua nhưng chúng tôi toàn là nghèo thì tiền ở đâu ra”, ông Nguyễn Văn Sơn - một Việt kiều của xóm nói.

Xóm nhà việt kiều tạm bợ, liêu xiêu bên kênh KT7 

Trong số họ, chúng tôi được biết nhiều người vẫn rất rành tiếng Việt nhưng cũng có một số người không thạo lắm. Bởi, có nhiều người được sinh ra và lớn lên trên Biển Hồ, nhiều người chỉ biết có ông bà, cha, mẹ là người Việt, quê ở Đồng Tháp, An Giang, còn chưa một lần về quê. Nhiều người trong số họ cha, mẹ đã chết chôn cất ở bên Biển Hồ.

“Hằng ngày, chúng tôi đi làm mướn kiếm sống. Có việc thì kiếm được 50.000 hay 100.000 đồng nhưng có ngày cũng không có đồng nào. Nếu không ai mướn, chúng tôi đi giăng câu, thả lưới. Nhiều người ở đây cũng đi bán vé số. So với cuộc sống bên Biển Hồ thì ở quê mình vẫn dễ sống hơn”, ông Trần Văn Xuân -, một người đã rời bỏ Biển Hồ về sinh sống ở đây được 11 năm cho biết.

Ngoài thiếu việc làm, đa số những Việt kiều rời bỏ Biển Hồ về sinh sống tại xã Hưng Hà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nên địa phương không thể nhập hộ tịch cho họ. Cũng vì không nhập hộ tịch nên không có giấy tờ tùy thân, trẻ em Việt kiều cũng không thể làm giấy khai sinh, không thể đến trường. Thanh niên đến tuổi lao động không thể đi xa, không thể làm công nhân,...

Vì thế, dù về sinh sống ở xóm này từ hơn 10 năm nhưng những người như ông Nguyễn Văn Sơn, chị Nguyễn Thị Chi, Trần Văn Xuân mà chúng tôi gặp và trò chuyện đều chưa được cấp hộ tịch. “Không giấy tờ tùy thân nên không được vay vốn. Theo quy định của Nhà nước phải cư trú ở địa phương 20 năm mới được nhập hộ tịch”, Chủ tịch UBND xã Hưng Hà - Vũ Kim Thành cho biết.

Qua thống kê, hiện xóm Việt kiều sinh sống dọc kênh KT7 có khoảng 30 trẻ em trong độ tuổi học tiểu học. Trong đó, có 10 em được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho học tiểu học. Theo ông Thành, đa số họ kiếm cái ăn còn vất vả thì việc cho con cái đi học vẫn là quá sức.

Theo một cán bộ biên phòng, những năm trước, Đồn Biên phòng Sông Trăng đóng chân trên địa bàn xã có mở một số lớp học tình thương dạy chữ cho những con Việt kiều từ Biển Hồ trở về. Từ lớp học này, nhiều em đã biết đọc, biết viết. Hy vọng từ cái chữ, cuộc đời của những đứa trẻ này sẽ không phải lênh đênh, vất vả như đời cha, mẹ chúng./.

Lê Đức (còn tiếp)

Bài 5: Chuyện tình bên dòng Cái Cỏ

Chia sẻ bài viết