Tiếng Việt | English

25/04/2018 - 11:41

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc đảm bảo quyền của người bản địa

Từ ngày 16-27/4, tại trụ sở Liên hợp quốc, New York, Diễn đàn Thường trực Liên hợp quốc về các vấn đề bản địa (UNPFII) tổ chức khóa họp thường niên lần thứ 17 với sự tham dự của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc và hơn 1.000 tổ chức bản địa.

Một phiên họp của Liên hợp quốc. Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trọng tâm của khóa họp năm nay là trao đổi về các thách thức, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong việc bảo đảm quyền của người bản địa trong lĩnh vực đất đai và tài nguyên. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhiều là tác động của việc xây dựng các công trình thủy điện, hạ tầng đường bộ/đường sắt, khai thác gỗ, khai khoáng, dự án phát triển… tới môi trường, tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các nhóm bản địa, bộ lạc, thổ dân, đặc biệt là ở khu vực Mỹ Latinh, châu Đại Dương và châu Phi. 

Bên cạnh đó, theo thông lệ, khóa họp cũng kiểm điểm và thảo luận biện pháp thúc đẩy triển khai sáu lĩnh vực của Tuyên bố về Quyền của Người Bản địa, gồm phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, môi trường, giáo dục, sức khỏe và nhân quyền, trong đó tập trung nội dung bảo tồn ngôn ngữ, hướng tới kỷ niệm Năm 2019 là Năm Quốc tế về các ngôn ngữ bản địa. 

Tham gia thảo luận tại khóa họp, đại diện Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc có bài phát biểu, nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia gồm 54 dân tộc với truyền thống đoàn kết và tương trợ, đồng thời khẳng định không dân tộc nào ở Việt Nam thuộc nhóm người bản địa. 

Với tinh thần xây dựng và chia sẻ, đoàn Việt Nam đã thông tin về các chính sách dân tộc như phát triển kinh tế-xã hội cho các dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu vùng xa, đầu tư cơ sở hạ tầng, giao đất hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo, phát triển rừng và bảo vệ môi trường, giáo dục… 

Đoàn Việt Nam khẳng định việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số là một nội dung ưu tiên trong chính sách giáo dục, chia sẻ các kinh nghiệm như triển khai thí điểm, trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), các chương trình song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại ba tỉnh có mật độ dân tộc thiểu số cao, phát hành các ấn phẩm song ngữ của Thông tấn xã Việt Nam bằng tiếng Kinh và tiếng dân tộc, tăng thời lượng và độ phủ sóng của các chương trình tiếng dân tộc của Đài Truyền hình và Phát thanh ở cả cấp quốc gia và địa phương./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết