Tiếng Việt | English

28/02/2019 - 10:15

Doanh nghiệp tăng cường thu mua lúa vụ Đông Xuân

Vụ Đông Xuân 2018-2019, trên địa bàn tỉnh có tổng diện tích gieo sạ 230.806ha, dự kiến tổng sản lượng đạt 1.420.000 tấn. Hiện nay, một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Long An bắt đầu vào cuộc thu mua tạm trữ lúa của nông dân.

Vào cuộc thu mua

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông Xuân 2018-2019, trên địa bàn tỉnh có tổng diện tích gieo sạ 230.806ha, dự kiến tổng sản lượng đạt 1.420.000 tấn. Đến ngày 25/02/2019, có trên 55.350ha đã thu hoạch. Thời điểm đầu tháng 3, lúa sẽ chín rộ và thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 3-2019.

Vụ Đông Xuân 2018-2019, có 16 DN ký kết hợp đồng liên kết xây dựng 103 lượt cánh đồng với diện tích xuống giống trên 9.229ha, 2.952 hộ tham gia. Trong 16 DN ký kết hợp đồng liên kết, có 3 DN thực hiện đầu tư từ đầu vụ, từ lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho đến bao tiêu sản phẩm. Hiện tình hình tiêu thụ lúa Đông Xuân gặp nhiều khó khăn, một số DN hợp đồng bao tiêu cánh đồng lớn không mua hết sản lượng lúa theo hợp đồng. Bên cạnh đó, số lượng thương lái tham gia mua lúa ít hẳn và chần chờ trong việc thu mua. Vì vậy, giá lúa tươi tại ruộng giảm mạnh, bình quân mỗi kilôgam lúa giảm từ 600-1.200 đồng (tùy loại) so cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường thăm và làm việc tại Long An, khảo sát việc thu mua lúa vụ Đông Xuân

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường thăm và làm việc tại Long An, khảo sát việc thu mua lúa vụ Đông Xuân

Tuy nhiên, hiện có không ít DN đang vào cuộc thu mua lúa vụ Đông Xuân từ hợp tác xã và nông dân để tránh tình trạng ùn ứ. Một trong những đơn vị tiên phong là Công ty (Cty) Cổ phần Tân Đồng Tiến (phường Khánh Hậu, TP.Tân An). Ngay từ đầu năm 2019, Cty đã ký kết hợp đồng xuất khẩu được 100.000 tấn. Đây là cơ sở để Cty đẩy mạnh thu mua lúa trong dân. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Cty Cổ phần Tân Đồng Tiến - Nguyễn Thành Mười cho biết: “Đầu năm 2019, Cty đã ký được hợp đồng xuất khẩu khoảng 40.000 tấn gạo trắng và 60.000 tấn gạo thơm, gạo nếp. Tính đến hết tháng 02-2019, Cty xuất khẩu đạt khoảng 35.000 tấn”.
Dự kiến năm 2019, Cty Cổ phần Tân Đồng Tiến sẽ xuất khẩu 250.000 tấn. Nhằm đẩy mạnh thu mua phục vụ xuất khẩu cũng như tiêu thụ lúa vụ Đông Xuân cho nông dân, Cty sẽ thu mua hết lượng lúa liên kết với nông dân (3.000ha) và tiếp tục làm việc với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để thu mua dự trữ trong kho khoảng 25.000 tấn quy gạo các loại (gạo trắng, gạo thơm, gạo nếp).

Là một trong những đơn vị tham gia kinh doanh và xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh, thời điểm này, Cty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An (xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An) cũng đang chuẩn bị nguồn lực thu mua lúa của nông dân tại các huyện: Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng với diện tích khoảng 1.200ha. 

Doanh nghiệp khó đầu ra lẫn nguồn vốn

Hiện nay, vụ Đông Xuân vào vụ thu hoạch rộ nhưng đầu ra không ổn định, lượng hàng tồn kho trong DN còn khá lớn, khoảng 157.483 tấn lúa (trong đó, gạo khoảng 53.000 tấn). Cùng với đó, giá xuất khẩu liên tục giảm từ đầu năm đến nay khiến DN chưa mạnh dạn thu mua, điều này dẫn đến giá lúa, gạo trong nước và xuất khẩu giảm liên tục trong nhiều tuần qua.

Giám đốc Cty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An - Đặng Thị Liên cho biết: “Từ cuối năm 2018 đến nay, giá xuất khẩu liên tục giảm, bình quân từ 80-100 USD/tấn.

Giá gạo liên tục giảm bởi DN tham gia xuất khẩu gạo chưa có sự liên kết, đồng thuận trong giá bán ra. DN thường tranh mua, tranh bán trên thị trường nội địa lẫn quốc tế nên giá bán ra càng giảm. Chính vì lý do gạo tồn kho lớn, chưa có hợp đồng xuất khẩu nên nhiều DN khó khăn về vốn trong thu mua tạm trữ. Vì vậy, các ngân hàng cần sớm tăng hạn mức tín dụng để DN có nguồn vốn xoay sở”.

Gạo tồn kho còn nhiều nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn thu mua lúa vụ Đông Xuân

Gạo tồn kho còn nhiều nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn thu mua lúa vụ Đông Xuân

Ông Nguyễn Thành Mười chia sẻ: “Nông dân là người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi giá lúa xuống thấp. Hầu hết nông dân đều có tâm lý muốn bán lúa và nhận tiền liền. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ nâng hạn mức cho vay đối với DN thu mua lúa, gạo để đủ kinh phí tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Trong đó, DN xuất khẩu cần được ưu tiên nâng hạn mức cũng như lãi suất”.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Mười, tuy đầu năm 2019, thị trường xuất khẩu còn khó khăn nhưng thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển, bởi Quốc hội chính thức phê chuẩn Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh đó, sau khi Festival Lúa, gạo Việt Nam lần thứ 3 diễn ra tại Long An vào tháng 12-2018, gạo Việt Nam có logo và thương hiệu gạo Việt Nam sẽ được DN đối tác nhận diện. Đây là cơ hội cho DN chủ động tìm kiếm khách hàng để đàm phán và ký kết hợp đồng thương mại.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường cho rằng, giải pháp tốt nhất để kéo giá lúa vụ Đông Xuân tăng lên là DN tham gia chế biến và xuất khẩu phải đồng loạt triển khai thu mua. Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Long An cũng như các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần đôn đốc DN liên kết với nông dân, phải thu mua hết diện tích đã liên kết. Bên cạnh đó, đề xuất của lãnh đạo tỉnh Long An, một số tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như DN liên kết với nông dân được nâng hạn mức tín dụng cho DN là chính đáng. Đề xuất này sẽ được tháo gỡ nhanh chóng.

Hy vọng, với sự vào cuộc của các bên liên quan như Nhà nước, ngân hàng cùng sự chủ động của DN trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, giá lúa mua tại ruộng của nông dân sẽ tăng trở lại./.

Mai Hương

 

Chia sẻ bài viết