Tiếng Việt | English

08/03/2017 - 09:11

Giữ nếp nhà, đậm đà hạnh phúc

Cuộc sống hôm nay dù tiến bộ đến đâu thì nếp nhà vẫn phải được gìn giữ, vun bồi. Cùng với sự yêu thương, chia sẻ, gìn giữ truyền thống gia đình là chìa khóa giữ hạnh phúc của mỗi nhà, mỗi người,...


Chị Trần Ngọc Lê Như Ngân học mẹ ruột sự khéo léo, chu toàn công việc gia đình để trở thành "dâu hiền, vợ đảm"

Giữ nếp nhà là giữ gìn hạnh phúc!

Đang ngồi trò chuyện cùng cha mẹ nhưng thấy ông ngoại đến, em Phan Thị Thanh Trúc liền khoanh tay chào hỏi lễ phép. Mẹ của Trúc, chị Phạm Thị Cẩm Tú (ngụ ấp 1, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nói: “Từ nhỏ, vợ chồng tôi đã dạy các con phải lễ phép nên bây giờ, 2 cháu đều duy trì thói quen này”. Theo quan niệm của vợ chồng chị, cha mẹ cần giáo dục các con biết cội nguồn của mình.

Chị Tú kể: “Không chỉ riêng những ngày giỗ, lễ, tết mà bất kể ngày nào, hễ có thời gian rảnh rỗi, vợ chồng tôi đều đưa con về thăm 2 bên nội, ngoại”. Dù là con dâu nhưng chị Tú luôn xem trọng nhà chồng cũng như nhà mình, không phân biệt và dạy các con phải biết thương yêu, kính trọng nội, ngoại như nhau. Chính sự hiếu thảo, lễ nghĩa của chị Tú là gương sáng để các con noi theo.

Còn bà Lê Thị Huệ (ngụ ấp 6, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) dù đã 67 tuổi nhưng mỗi khi nói chuyện với mẹ - bà Đinh Thị Thiết, 88 tuổi, vẫn “dạ, thưa” vô cùng lễ phép. “Đây là thói quen từ bé đến giờ. Khi mình biết tôn trọng cha mẹ thì các con của mình cũng lễ phép, giữ nền nếp giống như vậy” - bà Huệ chia sẻ.

Ngày nay, do công việc bận rộn mà nhiều gia đình ít dành thời gian dùng cơm chung. Điều này dễ dẫn đến khoảng cách giữa các thành viên trong nhà. Nhưng với bà Bùi Thị Bích Thu (ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa), trước đây, khi còn dạy học, dù bận bịu nhưng mỗi ngày, bà đều thu xếp chuẩn bị bữa cơm gia đình. “Bây giờ, tôi nghỉ hưu nên có thời gian chăm lo gia đình nhiều hơn. Bữa cơm là “sợi dây” gắn kết các thành viên với nhau” - bà Thu chia sẻ. Hiện tại, các con của vợ chồng bà dù học tập ở TP.HCM nhưng cuối tuần đều về thăm nhà, sum họp cùng cha mẹ. Điều này như một thói quen mà từng thành viên đều ý thức giữ gìn để mái ấm mãi an vui.


Gia đình chị Phạm Thị Cẩm Tú hạnh phúc bên nhau

Đong đầy yêu thương nhờ bàn tay người phụ nữ

Ngoài việc giữ gìn truyền thống, kỷ cương, nền nếp, hạnh phúc gia đình còn được vun bồi từ nền tảng của tình yêu thương mà trong đó, người phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng, là “sức mạnh mềm” để tổ ấm được bền vững, ấm êm. Mỗi lần nhắc đến gia đình bà Lê Thị Huệ, bà Lê Giang Hà - Bí thư Chi bộ ấp 6, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa lại nói vui: “Đến nhà chị Huệ, mười mấy người mà không biết ai là dâu, là rể hay con ruột vì mọi người nói chuyện với nhau thân thiện, không hề phân biệt đối xử”. 6 người con của bà Huệ đều lập gia đình. Hiện tại, bà sống cùng 2 vợ chồng người con trai út.

Bà Huệ bộc bạch: “Tuy ở riêng nhưng các con đều phụ việc cho tôi ở nhà máy xay xát lúa. Nếu tính luôn dâu, rể, con, cháu, cả nhà tôi phải hơn 20 người nên để có sự hòa thuận, an vui thì phải biết nhường nhịn, thương yêu nhau. Tôi là mẹ nên phải thương các con như nhau, không phân biệt con trai, con gái, con dâu hay con rể. Chỉ có tình yêu thương mới không xảy ra bất hòa trong gia đình "tứ đại đồng đường" như thế”.


Dù lớn tuổi nhưng bà Lê Thị Huệ vẫn lễ phép với mẹ. Mỗi ngày, bà đều chăm sóc mẹ chu đáo

Có thể nói, vai trò của người phụ nữ vô cùng quan trọng trong việc vun vén hạnh phúc gia đình. Ông bà ta thường nói “Lạt mềm buộc chặt”, chính sự dịu dàng, mềm mỏng của người phụ nữ mà gia đình gìn giữ được “ngọn lửa” yêu thương. Chị Trần Ngọc Lê Như Ngân (ngụ ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành) lập gia đình khi vừa 19 tuổi nên kinh nghiệm sống lúc ấy chưa nhiều. Những năm đầu làm dâu, chị vô cùng bỡ ngỡ vì vừa phải hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan, vừa quán xuyến việc nhà, chăm lo cho cha mẹ, các con.

Nhớ lời mẹ ruột dạy, cái gì không biết thì phải hỏi vì nếp sống mỗi nhà mỗi khác, chị phải tập thích nghi với môi trường mới và luôn biết kiềm chế để giữ gìn hòa khí trong gia đình. Chị Ngân hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Hòa Phú. Vì tính chất công việc mà chị phải đi sớm, về khuya, nhất là mỗi khi họp Chi hội Phụ nữ, chị đều nhờ chồng đưa đón nhằm bảo đảm tính minh bạch trong công việc và để chồng thêm tin tưởng cũng như thấu hiểu công việc của vợ.

Chị Ngân chia sẻ: “2 người mẹ, ở mỗi người, tôi học được những đức tính đáng quý khác nhau. Với mẹ ruột, tôi học được sự khéo léo cả trong công việc lẫn cách đối nhân, xử thế. Còn mẹ chồng, tôi học sự kiên nhẫn và dịu dàng”. Mẹ ruột chị Ngân - bà Lê Thị Mỹ Châu cho biết: “Từng làm dâu ở gia đình có đến 11 người con, tôi luôn khuyên nhủ các con phải thực sự xem nhà chồng cũng như nhà mình thì mới có thể thành dâu hiền, vợ đảm”.

Yêu thương được lan tỏa thì hạnh phúc sẽ mãi đong đầy! Đây là một trong những “bí quyết” để xây dựng hôn nhân bền vững. Yêu thương còn là sự chia sẻ, tôn trọng nhau giữa các thành viên trong gia đình. Gia đình chị Phạm Thị Cẩm Tú tưởng chừng đổ vỡ nhưng bây giờ vẫn trong ấm, ngoài êm. Thời gian đầu khi mới cưới, vì kinh tế khó khăn cộng thêm “cái tôi” mỗi người quá lớn nên vợ chồng hay xảy ra cãi vã. Sau một thời gian chung sống và có 2 con, vợ chồng chị rút ra nhiều bài học để giữ hạnh phúc gia đình.

“Đã là vợ chồng, không nên hơn thua mà phải nhường nhịn nhau. Là phụ nữ, khi chồng nóng giận, tôi thường im lặng đến lúc nguôi ngoai mới phân tích để chồng hiểu. “Một điều nhịn chín điều lành” sẽ giúp gia đình êm ấm như ông bà ta đã dạy” - chị Tú tâm tình.

Những người phụ nữ như bà Thu, bà Huệ, chị Tú hay chị Ngân, dù khác nhau về độ tuổi, công việc hay địa vị xã hội nhưng luôn biết quý trọng, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Với họ, tiền bạc, vật chất không thể nào sánh được với “tài sản” quý báu là tiếng cười, sự gắn bó giữa các thành viên. Gia đình hạnh phúc chính là nền tảng để vun bồi nhân cách của các thế hệ con cháu, duy trì truyền thống “kính trên, nhường dưới”, gìn giữ nếp nhà luôn đầy ắp tình yêu thương../.

Thùy Hương - Cát Tường

Chia sẻ bài viết