Tiếng Việt | English

04/12/2017 - 20:54

Mô hình canh tác thủy canh - làn gió mới cho nông nghiệp Đức Hòa

Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, canh tác rau thủy canh tại ấp Tân Hòa, xã Đức Lập Hạ là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Tham quan mô hình canh tác thủy canh hồi lưu

Đến với vườn rau thủy canh “Hương Vị” của gia đình ông Liên Hiền và bà Nguyễn Thị Thu Hương, nhiều người sẽ bất ngờ với một không gian xanh, sạch và thoáng khí. Không còn hình ảnh người nông dân phải vất vả chăm sóc, tưới nước, bón phân cho cây rau nữa mà được tự động hóa hoàn toàn. Nước, dung dịch thủy canh được hẹn giờ phun tưới.

Mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu khá hiện đại. Để hiện thực hóa mô hình này, vợ chồng ông Hiền đã nhen nhóm ý tưởng từ trước đó vài năm. Đến năm 2015, mô hình mới thực sự đi vào hoạt động với diện tích 1.000m2, kinh phí đầu tư trên 1 tỉ đồng.

Từng dãy rau tươi xanh được thiết kế trồng trên hệ thống thủy canh hồi lưu cách mặt đất hơn 1m, vừa tầm để chăm sóc. Do đó rất sạch và thuận lợi cho việc thu hoạch cũng như quan sát, xử lý bệnh cho cây. Mô hình này được thực hiện hoàn toàn trong nhà lưới nên khả năng chống côn trùng gây hại khá tốt, hạn chế tác hại do ảnh hưởng của thời tiết. Vườn rau thủy canh Hương Vị của gia đình ông Hiền chủ yếu trồng các loại rau: Rau muống, cải ngọt, cải bẹ xanh, cải thìa và các lọai rau thơm có xuất xứ từ Úc, Nhật,... được nhân giống ngay tại vườn ươm.

Mô hình rau thủy canh không tốn nhiều công chăm sóc

Hiện nay, mô hình rau thủy canh của vợ chồng ông Hiền đã đi vào thu hoạch gần 2 năm cho năng suất khá tốt, chất lượng rau thành phẩm tươi xanh, ít sâu bệnh.

Ông Liên Hiền cho biết: “Mô hình thủy canh chi phí khá cao nhưng vì đam mê nên tôi thực hiện. Làm mô hình này vừa thoải mái, ít cỏ, sạch sẽ, vừa có nguồn rau sạch phục vụ người dân với lợi nhuận cũng tương đối. Hiện nay trừ hết chi phí, vườn rau của tôi có thể lãi từ 300.000 đến trên 1 triệu đồng/ngày tùy lượng rau thu hoạch”.

Theo đánh giá của ông Hiền, cái khó của mô hình trồng thủy canh ngoài nguồn vốn còn cần phải biết kỹ thuật ươm cây, làm sạch đất và pha chế dung dịch thủy canh.

Ông Hiền chia sẻ, gia đình ông sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cũng như hỗ trợ đối với những người có tâm huyết và muốn thực hiện vườn rau thủy canh như mình. Trong thời gian tới, ông cũng có ý định phát triển và nhân rộng mô hình này với diện tích lớn hơn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa - Trần Văn Rí chia sẻ: “Thời gian qua, mô hình trồng rau thủy canh đạt kết quả khá cao. Hướng tới, Hội Nông dân và khuyến nông xã sẽ vận động hội viên nông dân tham gia mô hình trồng rau thủy canh. Hội Nông dân cũng hỗ trợ thành lập hợp tác xã trồng rau; vận động hội viên tham gia HTX để sản xuất rau có đầu ra tốt hơn”.

Phương thức trồng rau thủy canh hồi lưu cho chất lượng rau khá tốt

Hiện nay, dù chất lượng rau của vườn rau Hương Vị khá tốt, sản phẩm thương lái thu mua ổn định; tuy nhiên thị trường tiêu thụ vẫn chỉ tập trung ở các chợ tại TP.HCM và địa phương. Giá thành sản phẩm vẫn ở mức cào bằng so với các sản phẩm rau được trồng theo phương pháp truyền thống. Hy vọng rằng, sẽ có những cơ chế hỗ trợ thêm về giá, kỹ thuật, vốn,... cho những nông dân "xung kích" trong việc ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nông sản, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng./.

Mai Nhã

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích