Tiếng Việt | English

15/02/2018 - 17:08

Sắc xuân trên xã văn hóa

Những năm tháng khó khăn, gian khổ đã qua! Trong tiết xuân phơi phới, người dân ở xã văn hóa vui cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc và đủ đầy về mọi mặt.

1. Tết này, bà Trình Thị Thẩm (58 tuổi), ngụ ấp Văn Phòng, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An không còn lội bộ ra đường lớn để bắt xe về thăm nhà mẹ. Từ ngày đường làng, ngõ xóm thông thương, mọi người đi lại thuận tiện. “Nhờ người dân đóng góp, đường được mở rộng, bêtông hóa nên xe chạy một mạch từ nhà ra tận đường Tân Hòa. Hồi trước, trời mưa đường lầy lội, học sinh đến trường, mỗi khi ngang qua nhà tôi phải dừng lại, cạy bớt bùn đất bám vào bánh xe rồi mới đi tiếp; giờ không còn cảnh ấy nữa! Thấy việc đóng góp làm đường mang lại lợi ích thiết thực, tôi cũng hiến đất, góp tiền hưởng ứng” - bà Thẩm vui mừng nói.

Hệ thống trường, lớp được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học

Hệ thống trường, lớp được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học

Anh Trần Quốc An (40 tuổi), ngụ ấp Văn Phòng, cũng không còn vất vả mỗi khi vận chuyển nông sản. Anh An kể: “Hồi trước, mỗi lần thăm ruộng, tôi đều lội bộ. Lúa thu hoạch xong phải thuê người vác ra cặp kênh Ngàn Bắc rồi dùng xuồng chở về nhà. Khoảng 3 năm trở lại đây, đường kênh nội đồng được Nhà nước và nhân dân cùng làm nên vận chuyển nông sản dễ dàng, giảm chi phí thuê mướn và bán được giá, có lời nhiều hơn”.

Đường rộng, hàng hóa thông thương, đi lại thuận tiện không những mang lại lợi ích cho người dân mà còn góp phần thay đổi diện mạo làng quê. “Cảnh quan môi trường có nhiều đổi mới, nông thôn khởi sắc là nét nổi bật sau 5 năm xây dựng thành công xã văn hóa” - Chủ tịch UBND xã Tân Hòa - Nguyễn Văn Hùng thông tin.

Ông Hùng nói thêm: “Vừa qua, nghe dự báo lũ lên cao, xã lập danh sách những hộ có xuồng để huy động khi cần thiết. Mấy năm trước, danh sách này nhiều, còn bây giờ lác đác vài hộ. Vì từ ngày làm cầu, đường giao thông nông thôn, nhiều người mua xe máy, mỗi nhà có ít nhất cũng 2 chiếc”. Ðó cũng là minh chứng cho sự “thay da, đổi thịt” của một làng quê.

Diện mạo đổi thay, bật lên sắc xuân xã văn hóa! Đường Tân Hòa - đường chính vào trung tâm xã được tráng nhựa, rộng mở thênh thang. Hai bên đường, mỗi nhà đều trồng hoa, cây xanh. Mùa Xuân, đi trên con đường này, sắc hoa ven đường khiến nhiều người ngỡ ngàng trước vẻ đẹp một làng quê. Vào các ấp, thậm chí những nơi từng được ví von là “ốc đảo” giờ đều có cầu, đường nối liền. Trên các tuyến đường, hầu như không có rác thải. “Từ năm 2014 đến nay, tổng vốn thực hiện các công trình xây dựng, sửa chữa cầu, đường và nạo vét kênh, mương nội đồng hơn 30 tỉ đồng, trong đó, người dân đóng góp hơn 16 tỉ đồng. Còn rác thải, những hộ cặp tuyến đường chính có xe thu gom, những hộ ở nội đồng và các ấp, xã vận động người dân đào hố chôn hoặc đốt” - ông Hùng cho biết thêm.

“Trong lúc rác thải là nỗi lo của nhiều địa phương thì cảnh quan môi trường ở xã vùng sâu Tân Hòa lại xanh, sạch, đẹp như vậy!” - Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Trần Ngọc Thái đánh giá khi phúc tra công nhận xã văn hóa theo tiêu chuẩn mới. Ông Thái còn nói: “Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã hoạt động rất tốt dù được cải tạo từ trụ sở UBND cũ từ năm 2012”.

Tại trung tâm, 17 giờ mỗi ngày, học sinh lại đến học võ cổ truyền. Từ ngày có trung tâm, hoạt động văn nghệ được tổ chức thường xuyên hơn. Câu lạc bộ Đờn ca tài tử có nơi sinh hoạt. “Ngoài ra, 7/7 ấp đều có nhà văn hóa do người dân đóng góp cùng địa phương xây dựng, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt” - ông Hùng chia sẻ. 

Đời sống tinh thần được nâng lên, cuộc sống vật chất cũng đổi thay. Hộ nghèo còn 79 hộ, chiếm hơn 3%. Nhiều nông dân Tân Hòa gặp nhau, uống trà lại rôm rả chuyện “đổi đời” trong cuộc sống. Nhiều người nói: “Bây giờ, cuộc sống ổn rồi! Nhiều hộ khá lên nhờ mô hình “Tiêu thụ ngó sen” của Đoàn Thanh niên. Một số nông dân làm giàu nhờ nuôi cá tra giống, thu nhập từ 300-600 triệu đồng/ha/năm. Trồng lúa cũng hiệu quả hơn khi mỗi năm sản xuất 3 vụ, năng suất bình quân 6 tấn/ha”.

Dù có nhiều mô hình làm kinh tế nhưng lúa vẫn là cây chủ lực với diện tích 3.300ha. Mỗi năm, vụ Đông Xuân đều đạt năng suất 8 tấn/ha; năm nay, nếu lúa được giá thì nông dân Tân Hòa sẽ ăn tết lớn, vui cuộc sống mới trên xã văn hóa!

2. Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc là một trong những địa phương giữ vững danh hiệu xã văn hóa sau 5 năm phúc tra, công nhận lại. Bí thư Đảng ủy xã - Đặng Văn Tuấn cho biết: "Sau 5 năm duy trì và nâng chất xã văn hóa, địa phương đạt nhiều kết quả: Hộ nghèo giảm còn 0,74%; trên 97% nhà kiên cố và bán kiên cố. Nếu năm 2012, thời điểm công nhận xã văn hóa lần đầu, thu nhập người dân khoảng 23 triệu đồng/người thì hiện tại, con số này tăng lên 50 triệu đồng. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng,...".

Hàng năm, 4/4 ấp thực hiện tốt quy ước, giữ vững danh hiệu ấp văn hóa. Qua bình xét, có trên 96% hộ đạt 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Hệ thống giáo dục trên địa bàn xã ngày càng hoàn chỉnh. Hiện, 3/4 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Bà Nguyễn Thị Thanh (56 tuổi), ngụ ấp Lộc Tiền, phấn khởi: "Điện, đường, trường, trạm được đầu tư, phục vụ tốt người dân. Đặc biệt, nhà văn hóa ấp được quan tâm đầu tư, chỉnh trang, phục vụ sinh hoạt cộng đồng nhằm thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm. Từ khi có nhà văn hóa ấp, mọi hoạt động diễn ra thuận lợi. Nhà văn hóa thường xuyên mở cửa phục vụ các hoạt động hội họp, tập dưỡng sinh, văn nghệ, thể thao,...". 

Nhờ trồng rau màu đạt hiệu quả kinh tế, nhiều nông dân xã Mỹ Lộc có cuộc sống ổn định, góp phần xây dựng và giữ vững danh hiệu xã văn hóa

Nhờ trồng rau màu đạt hiệu quả kinh tế, nhiều nông dân xã Mỹ Lộc có cuộc sống ổn định, góp phần xây dựng và giữ vững danh hiệu xã văn hóa

Xã Mỹ Lộc cũng có thành tích nổi bật trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn an ninh, trật tự, đặc biệt mô hình Camera an ninh phát huy hiệu quả tốt. Có thể nói, xây dựng xã văn hóa là cả chặng đường dài khó khăn nhưng giữ vững lại càng khó hơn, trong đó, sự chung sức, đồng lòng của người dân rất quan trọng.

Xuân này, trở lại những xã văn hóa, thấy cái khó không còn, nông thôn khởi sắc, ai cũng thấy vui, phấn khởi. Đó là sắc xuân trên xã văn hóa do chính quyền, người dân chung sức, đồng lòng dệt nên!

Hiện nay, toàn tỉnh có 116 /192 xã phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, văn minh đô thị. Nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần người dân xã văn hóa ngày càng được nâng cao. Diện mạo có nhiều khởi sắc, tạo môi trường sống lành mạnh cho người dân.

Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Trần Ngọc Thái

Lê Vy-Song Hồng

Chia sẻ bài viết