Tiếng Việt | English

10/03/2017 - 16:28

Thực phẩm "xách tay" từ quê ra phố

Trước tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan như hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những thực phẩm sạch được “xách tay” từ quê ra phố: Gà thả vườn, rau vườn, trái cây vườn, cá đồng,...

Băn khoăn khi chọn mua thực phẩm

Tại góc cuối chợ phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An vào một buổi chiều, vài người dân bày bán mớ rau muống, rau lang, đọt nhãn lồng,  rau tập tàng, vài nải chuối,...

Chị Nguyễn Thị Mai Thi, nhà ở đường Châu Thị Kim, phường 3 chia sẻ: “Để chuẩn bị cho bữa cơm chiều, tôi thường mua nhiều rau xanh nhưng làm thế nào để mua được rau an toàn luôn là vấn đề “đau đầu”. Vợ chồng tôi đều làm công nhân nên rất bận rộn, không có thời gian đi siêu thị, những điểm bán thực phẩm an toàn thì lại ít nên tôi thường chọn mua các loại rau, củ, quả “cây nhà lá vườn” được bày bán vào những buổi chợ chiều”.

Hàng "xách tay" từ quê ra phố

Nắm bắt được tâm lý đó, một số người tìm mua hoặc hái rau vườn mang ra chợ bán. Đó có thể là vài ba trái bầu, mướp, nắm rau dền, mồng tơi nhưng rất đắt hàng.

Bà Nguyễn Thị Ráng, 57 tuổi, ở ấp 3, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An cho biết: “Nhà tôi có khoảng sân vườn rộng, tôi hay trồng một ít rau muống, rau dền, cải xà lách. Những lúc thu hoạch rộ, gia đình ăn không hết, tôi đem bán bớt. Khi có quày chuối chín, tôi lựa mấy nải mang ra chợ. Mấy bà nội trợ mê rau, trái vườn này lắm!”.

Trước xu hướng tìm mua thực phẩm ở quê, bảo đảm chất lượng, nhiều người đổ xô “buôn” hàng quê kiếm lời. Chính vì thế, nếu không biết rõ nguồn gốc các loại thực phẩm "vườn nhà" này, người tiêu dùng cũng rất dễ nhầm lẫn hay bị lừa bởi tình trạng mua đi bán lại và trộn lẫn rau vườn với các loại rau khác.

Chị Nguyễn Thị Diễm Trang, ấp Thuận Tây II, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc cho biết: Tôi thường xuyên theo dõi báo, đài nên biết được thời gian qua, các ngành chức năng phát hiện hàng loạt vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, nhiều thực phẩm bị “phù phép” cho tươi mới, trái cây nhúng hóa chất cho chín nhanh và giữ màu sắc đẹp mắt,... Những điều đó gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Mỗi lần đi chợ, rất khó phân biệt đâu là thực phẩm chất lượng, đâu là thực phẩm “ngậm” hóa chất.

Thực phẩm "xách tay" - Cung chưa đủ cầu

Theo ghi nhận, hiện nay, tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh ,những điểm bán các loại thực phẩm “cây nhà lá vườn” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người mua cần rất nhiều nhưng người bán thì rất ít.

Chị Võ Ngọc Thắm, ở phường 6, TP.Tân An thông tin: "Tôi có 2 con nhỏ, phải thường xuyên nấu cháo dinh dưỡng cho bé nên cần mua thịt, rau, củ bảo đảm chất lượng và an toàn. Tôi có một “mối” quen ở chợ Tân An bán các loại rau vườn, còn thịt, cá thì tôi chỉ tin tưởng mua ở siêu thị".

Thực phẩm vườn hiện nay rất hiếm và không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Những điểm bán thực phẩm sạch có địa chỉ cụ thể, rõ ràng chưa nhiều càng khiến cho người tiêu dùng tin rằng các mặt hàng “xách tay” từ vườn là an toàn tuyệt đối và họ tìm mua.

Chị Hà Hồng Hiền Nhi, nhà ở ấp 5, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức cho biết: “Do sợ thịt, cá tồn dư chất tăng trưởng nên gần đây, hầu như gia đình tôi chuyển sang ăn rau, củ. Vì là hàng quê, không phải lúc nào cũng có sẵn, những lúc muốn mua, tôi phải dặn trước. Khi có thì mấy bà, mấy dì quen gọi đến lấy, tuy giá cao hơn cũng vẫn chấp nhận vì như vậy sẽ yên tâm hơn. Khi thực phẩm không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến như hiện nay nên rau xấu, trái cây sần sùi ở quê được nhiều người tin tưởng chọn mua".

Thịt, rau, củ, quả,... là những thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người dân. Lo sợ thực phẩm mua tại chợ không rõ nguồn gốc, người dân chuộng thực phẩm quê có nguồn gốc tự nhiên, an toàn, tươi và sạch. Buôn bán thực phẩm quê chủ yếu dựa trên lòng tin.

Tuy nhiên, hầu hết các nguồn cung cấp thực phẩm quê đều do người bán "quảng cáo" và người mua tự kiểm chứng bằng kinh nghiệm chứ không qua cơ quan kiểm định chất lượng. Vì vậy, người tiêu dùng phải sáng suốt để tránh mua phải thực phẩm gắn mác "hàng quê"./.

 Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết