Tiếng Việt | English

28/05/2018 - 10:05

Đồng hành với người chăn nuôi theo hướng an toàn

Khởi động từ năm 2010, đến nay, Dự án Lifsap (Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm) trên địa bàn tỉnh Long An mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Chăn nuôi theo hướng Gahp mang lại nhiều hiệu quả

Đồng hành với người chăn nuôi

Dự án Lifsap triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến nay. Đây là dự án đầu tiên của ngành nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ trên lĩnh vực chăn nuôi và an toàn thực phẩm (ATTP). Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi, giảm thiểu tác động môi trường từ hoạt động chăn nuôi, giết mổ và phân phối thịt, nâng cao ATTP trong chuỗi cung ứng các sản phẩm chăn nuôi (chủ yếu là thịt).

Thời gian qua, nhiều mô hình thực hành chăn nuôi trong vùng ưu tiên (gọi tắt là vùng GAHP) trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả, nâng cao hiệu quả kinh tế cho những hộ chăn nuôi. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh gồm các hợp phần A.1 (khuyến khích thực hành chăn nuôi an toàn trong vùng GAHP), A.3 (nâng cấp chợ thực phẩm và cơ sở giết mổ) và C.2 (quản lý và giám sát dự án).

Thông qua các cuộc sinh hoạt nhóm theo định kỳ, tập huấn, hội nghị,... do Dự án Lifsap tổ chức giúp người chăn nuôi cải thiện phương thức chăn nuôi theo quy trình an toàn theo hướng GAHP; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người chăn nuôi trong lựa chọn con giống chất lượng, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong vùng triển khai dự án; thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nắm bắt thông tin tình hình chăn nuôi, dịch bệnh của địa phương và các địa phương lân cận nhằm chủ động bảo vệ và phát triển đàn vật nuôi theo đúng khuyến cáo.

Giai đoạn 2010-2015, dự án hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình điểm chăn nuôi theo hướng GAHP (5,6 triệu đồng/hộ); các hộ thành viên (2 triệu đồng/hộ); chi phí mua sắm trang thiết bị phục vụ hội họp, vận hành đường dây nóng thông báo dịch bệnh; hầm biogas (200USD/hầm),...; hỗ trợ trang thiết bị cải thiện điều kiện vệ sinh chuồng trại (bình phun thuốc sát trùng, máy bơm nước, bồn chứa nước,...), đèn giữ ấm, kim tiêm, tủ thuốc thú y, máy tự trộn thức ăn, thuốc sát trùng,...

Giai đoạn 2016-2018 là giai đoạn kéo dài dự án nên không hỗ trợ nhiều về vật tư cho từng thành viên, chỉ hỗ trợ vật tư chung như cấp phát thuốc sát trùng vệ sinh chuồng trại, tăng cường công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tập huấn, sinh hoạt nhóm,... giám sát huyết thanh điều tra dịch tễ, giám sát định kỳ và đột xuất mức ô nhiễm, chất lượng thức ăn gia súc. Ông Trần Văn Chiếm (ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Nhờ tham gia mô hình, tôi được hướng dẫn quy trình phòng, trị bệnh cho heo nên tránh được rủi ro. Theo giá hiện nay, khi xuất chuồng, tôi lãi trên 1 triệu đồng/con heo”.

Ông Nguyễn Thanh Cảnh (ngụ xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) cho biết: “Gia đình tôi nuôi heo từ lâu nhưng chưa áp dụng theo quy trình nào. Khi tham gia vào nhóm GAHP, tôi thường xuyên được tập huấn về cách nhận biết dấu hiệu bệnh của vật nuôi, chăn nuôi theo quy trình sản phẩm sạch và được hỗ trợ trong chăn nuôi. Tôi thấy hiệu quả hơn vì người nuôi có lợi nhuận cao, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn”.

Theo Trưởng phòng Dịch tễ Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Nguyễn Văn Cường, khi tham gia các lớp tập huấn, người chăn nuôi được hướng dẫn cách nhận biết, triệu chứng, cách điều trị, qua đó, chủ động phòng, chống các bệnh như dịch tả heo, bệnh tiêu chảy cấp, bệnh đóng dấu heo, hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp,... Ngoài ra, còn được hướng dẫn về kỹ thuật tiêm vắc-xin, giám sát sau tiêm phòng, trao đổi thông tin mới về dịch bệnh, giải đáp những khó khăn, thắc mắc trong chăn nuôi, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng người chăn nuôi nâng cao chất lượng và số lượng đàn vật nuôi, tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn về ATTP theo hướng GAPH, góp phần tăng thu nhập, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Chăn nuôi theo hướng Gahp hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường

Mang lại nhiều hiệu quả

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh nhận định: Hoạt động hỗ trợ phát triển vùng GAHP thời gian qua mang lại nhiều kết quả tích cực. Tỉnh hình thành được 4 vùng chăn nuôi theo quy trình VietGAHP (thành lập 45 nhóm GAHP với 728 thành viên, trong đó có 40 nhóm GAHP heo/676 người tham gia, 5 nhóm GAHP gà/79 người tham gia thuộc 4 huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc) phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh.

Việc áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAHP giúp người nuôi giảm nhiều chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Nhờ kết hợp các chương trình, chính sách của tỉnh như hỗ trợ vắc-xin (tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm, tiêu độc, khử trùng chuồng trại,...), tập huấn tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh,... cho người chăn nuôi tham gia dự án nên những năm gần đây, dịch bệnh không xảy ra tại những vùng dự án.

Mặt khác, khi tham gia dự án, người chăn nuôi nâng cao nhận thức, nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAHP. Đây là kết quả đáng ghi nhận, cơ sở để phối hợp, xây dựng và kết nối với các chương trình, chính sách khác nhằm xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm VietGAHP.

“Hiện nay, tại 4 địa phương thuộc vùng GAHP vẫn duy trì các hoạt động sẵn có của dự án. Sau khi Dự án Lifsap kết thúc (còn 6 tháng cuối năm 2018), với nền tảng hiện tại, người chăn nuôi tiếp tục duy trì và phát huy nhằm ổn định và phát triển đàn vật nuôi theo hướng GAHP, cung cấp nguồn thịt sạch từ trang trại đến bàn ăn - đây cũng là mục tiêu của dự án. Về phía tỉnh, hàng năm vẫn duy trì hỗ trợ về phòng, chống dịch bệnh cho các địa phương tham gia GAHP (cấp phát vắc-xin miễn phí, tiêu độc, khử trùng chuồng trại theo đối tượng của tỉnh hỗ trợ và tổ chức tập huấn cho người chăn nuôi). Ngành chuyên môn tiếp tục hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật và phối hợp các cơ quan liên quan dự báo cho người chăn nuôi việc phát triển đàn vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm giảm rủi ro, thiệt hại. Sau khi dự án kết thúc, ngành tiếp tục tham mưu tỉnh về việc quản lý, vận hành cơ sở giết mổ, chợ đã được dự án hỗ trợ” - bà Khanh cho biết thêm./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết