Tiếng Việt | English

02/05/2016 - 08:58

Giọt nước mắt của vị tướng trong giờ toàn thắng

Đứng trên bậc thềm, trước cửa chính của Dinh Độc lập, Tư lệnh Quân đoàn 2 - Nguyễn Hữu An ôm Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn Phó Trung đoàn 66 khóc, nước mắt giàn giụa. Những giọt nước mắt của một vị tướng qua 2 cuộc trường chinh vĩ đại thật là xúc động.

Nguyễn Hữu An (1926-1995) là một nhà chỉ huy quân sự quyết đoán và mưu lược (lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) với 50 năm quân ngũ, anh tham gia trọn vẹn 3 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Trưởng thành từ chiến sĩ lên đến quyền Tư lệnh Quân khu, Giám đốc Học viện Quốc phòng với quân hàm Thượng tướng, Phó giáo sư khoa học quân sự. Thượng tướng Nguyễn Hữu An là một trong những vị “tướng trận mạc” lăn lộn khắp các chiến trường. Anh thường được giao những nhiệm vụ khó khăn, trong những tình huống hết sức phức tạp, khẩn trương…

Ở mặt trận Điện Biên Phủ, ngày 27-3-1954, các cán bộ từ trung đoàn trở lên về sở chỉ huy Mường Phăng, nhận nhiệm vụ tác chiến đợt 2. Trước cuộc họp, Lê Quảng Ba – Đại đoàn trưởng 316 nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vũ Lăng Trung - Đoàn trưởng 98 đề nghị được đánh A1 nhưng Đại đoàn phải trao cho Nguyễn Hữu An - Trung đoàn trưởng 174, vì Trung đoàn 174 là đơn vị chủ công. Mặt khác, Nguyễn Hữu An đã hai lần tham gia tiêu diệt Đông Khê, có nhiều kinh nghiệm trong các trận đánh công kiên.

Tuy nhiên trong đợt 2, ta chưa hoàn thành tất cả những mục tiêu đề ra, đặc biệt là chưa chiếm được hoàn toàn A1, chìa khóa mở cửa vào trung tâm Mường Thanh, sở chỉ huy của Đề Cát. Đây chính là mục tiêu trọng yếu của đợt tiến công này. Trong hội nghị tổng kết đợt 2, Nguyễn Hữu An bị phê bình nghiêm khắc vì mở cửa đột phá chậm, nguyên nhân chủ yếu là do 174 nổ súng trễ nửa giờ; vì tới giờ G, anh không liên lạc được với Đại đoàn, chạy hỏi Tham mưu trưởng ở sở chỉ huy tiền phương cũng không biết. Anh chủ động ra lệnh cho bộ đội tiến công, khi đó pháo địch đã hoàn hồn tập trung bắn vào cửa đột phá tiêu hao nhiều lực lượng ta trước khi lọt vào đồn. Chiếc hầm ngầm ở A1, như sau này chúng ta biết, không quá khó đối với Nguyễn Hữu An, người đã từng tiêu diệt các cứ điểm Boong Ke của quân Pháp ở đồng bằng. Đây là thất bại đầu tiên trong những trận đánh công kiên của anh.

10 năm sau, Đại tướng vào thăm Sư đoàn 325 ở Nghệ An, khi đó anh là Tư lệnh, anh nói: “Hồi đó, các anh phê bình oan tôi”. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, gặp lại Nguyễn Hữu An ở Viện bảo tàng lịch sử, Đại tướng nói: “Ở Điện Biên Phủ cậu bị phê bình oan vì người chịu trách nhiệm nổ súng là Đại đoàn”.

Năm 1972, anh vào chiến trường Trị Thiên đảm nhiệm chức Tham mưu trưởng Mặt trận B5 với quân hàm Đại tá. Năm 1974, khi thành lập Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang), anh làm Tư lệnh và được thăng hàm Thiếu tướng và Quân đoàn đã tiến vào “Mùa xuân đại thắng”. Sau khi mất Tây Nguyên, toàn bộ thế trận của đối phương rung chuyển. Bộ Chính trị quyết định chuyển sang phương án thời cơ. Chính quyền Sài Gòn vẫn còn một lực lượng quân sự lớn 10 vạn quân ở Quân khu 1 tại Huế và Đà Nẵng, ta phải tiêu diệt bằng được lực lượng này tại chỗ, không để co cụm về Sài Gòn. Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 nhận lệnh gấp rút giải phóng Huế.

Ngày 18-3-1975, Quân đoàn nổ súng tấn công 2 liên đoàn biệt động quân ở phía Tây thành phố Huế. Sau 5 ngày quần nhau với địch không có xe tăng và pháo binh yểm trợ, lực lượng ta bị thương vong lớn. Hai Sư đoàn (325 và 304) đều xin rút ra để củng cố. Với trách nhiệm Tư lệnh Quân đoàn, anh rất đau xót vì mới đánh với 2 liên đoàn biệt động, quân ta đã mất gần nửa lực lượng của Quân đoàn. Điều này không thể chấp nhận được, anh ra lệnh Sư đoàn 304, 325 không được rút ra. Ngay đêm nay, 2 Sư đoàn củng cố tổ chức lấy 2 trung đoàn mạnh và anh sẽ trực tiếp chỉ huy.

Đêm đó, anh xuống từng đơn vị, tổ chức và động viên bộ đội cho trận đánh quyết định vào rạng sáng ngày 24-3-1975 như những ngày đêm đánh đồi A1. Một chi đội xe tăng 6 chiếc và 2 tiểu đoàn pháo binh yểm trợ cho 2 trung đoàn bộ binh tăng cường. Sau 1 giờ tiến công, 2 liên đoàn biệt động quân của địch đã bị tiêu diệt. Thừa thắng xông lên, vẫn lực lượng bộ binh ấy, có người bị thương và đất cát đầy mình, dưới sự chỉ huy của anh đã tiến vào giải phóng thành phố Huế. Mờ sáng ngày 26-3, lá cờ chiến thắng tung bay trên đỉnh cột cờ thành nội Huế.

Kế hoạch giải phóng Sài Gòn được hoạch định trong quá trình Tổng tiến công và nổi dậy. Trong các cánh quân đánh vào Sài Gòn có một cánh quân không được dự kiến lúc đầu là cánh quân của Quân đoàn 2 ở hướng Đông.

Từ Huế, với sức mạnh thần tốc, Quân đoàn đã tiến vào giải phóng Đà Nẵng, đánh dọc Quốc lộ 1, phá vỡ tuyến phòng thủ Phan Rang, bắt sống tướng Nguyễn Vĩnh Nghi. Đúng là vị tướng của trận mạc, bên mình anh chỉ có tấm bản đồ tác chiến, một bình tông nước, một ống nhòm và một túi lương khô 702. Khi chỉ huy trận đánh cầu Rạch Chiếc, anh ngồi ngay cạnh lộ, dưới gốc cây xà cừ, cách địch chưa đầy 1 km chỉ huy bộ đội tiến công. Diệt xong ổ đề kháng cuối cùng, anh nhảy lên chiếc com-măng-ca đầy bụi, tiến sau xe tăng và mấy xe chở lính bộ binh vào giải phóng Sài Gòn.

Thần tốc, táo bạo, Quân đoàn tiến thẳng vào Sài Gòn, cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, bắt sống toàn bộ Chính phủ của Dương Văn Minh. Năm 2014, Thượng tướng Nguyễn Hữu An được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân./.

Nguyễn Anh Chiến

Chia sẻ bài viết