Tiếng Việt | English

09/12/2021 - 09:15

Lắng nghe thanh niên nói

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út, lãnh đạo các sở, ngành vừa có cuộc gặp gỡ, đối thoại với 350 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh xoay quanh chủ đề “Khởi nghiệp, lập nghiệp”.

Tạo điều kiện cho thanh niên về quê phát triển kinh tế

Mở đầu cuộc đối thoại, đại diện ĐVTN huyện Tân Hưng đặt câu hỏi: Thời gian qua, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, không ít TN lựa chọn trở về quê sinh sống. Thời gian tới, tỉnh có định hướng, giải pháp gì nhằm ổn định cuộc sống cho TN về quê sau dịch?

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh giải đáp vấn đề thanh niên đặt ra

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: Từ ngày 27/4 đến ngày 30/10/2021, có khoảng 6.165 người dân Long An trở về tỉnh, trong đó có trên 3.700 người lao động đi làm ăn xa trở về Long An, đa số TN là lao động tự do không giao kết hợp đồng lao động. Nhằm ổn định cuộc sống cho TN đã trở về Long An, UBND tỉnh triển khai, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề của TN để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, thường xuyên dưới 3 tháng gắn với giải quyết việc làm cho TN từ Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp chính quyền địa phương giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp giúp TN có thu nhập, ổn định cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi cho TN có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

ĐVTN huyện Châu Thành quan tâm đến những biện pháp giúp các sản phẩm, dịch vụ từ mô hình dự án phát triển kinh tế của TN được liên kết đầu ra ổn định. Trước vấn đề này, đại diện Sở Công Thương cho biết, công tác xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp được các cấp lãnh đạo quan tâm. Hàng năm, ngân sách dành khoảng 3 tỉ đồng cho công tác này. Chương trình xúc tiến thương mại trong nước được thực hiện với nhiều hoạt động như hội chợ, triển lãm, giao thương, kết nối cung - cầu, nghiên cứu thị trường, đào tạo về kỹ năng kinh doanh,…

Bên cạnh đó, nguồn chương trình khuyến công của Sở Công Thương hàng năm sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị mới để phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và chương trình ứng dụng thương mại điện tử, tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Đây cũng là kênh quảng bá, tiêu thụ tốt.

Hỗ trợ thanh niên nông thôn

Thời gian qua, ĐVTN tích cực tham gia sản xuất, khởi nghiệp, tuy nhiên vẫn gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Anh Nguyễn Tuấn Anh (huyện Châu Thành) cho biết, sau dịch Covid-19, nhiều sản phẩm (nông sản, thủy sản) từ các mô hình phát triển kinh tế của TN bị ứ đọng dẫn đến thua lỗ. Anh mong muốn lãnh đạo tỉnh có biện pháp giúp TN tiếp cận được các nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để tái sản xuất và duy trì mô hình.

Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

Được biết, hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang triển khai 15 chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. TN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có nhu cầu vay vốn để duy trì mô hình phát triển kinh tế có thể tiếp cận các chương trình cho vay để phục vụ sản xuất, kinh doanh tùy theo đối tượng thụ hưởng như cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn;...

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh còn triển khai các chương trình cho vay để phục vụ các nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống mà TN có thể vay vốn như chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay xây dựng, cải tạo nhà ở (nhà ở cho hộ nghèo; nhà trả chậm trên cụm, tuyến dân cư; mua, thuê mua nhà ở xã hội; sửa chữa, xây mới nhà để ở), cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cũng hướng dẫn ĐVTN quy định, quy trình để sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP.

Qua buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh có dịp lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, đề xuất và giải đáp những thắc mắc của TN. Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng ĐVTN, người lao động và mong muốn ĐVTN tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo; các phong trào Đoàn cần hướng mạnh về cơ sở, qua đó lãnh đạo tỉnh sẽ nắm được TN có gì và cần gì.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đặc biệt lưu ý, Long An có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh kinh tế của địa phương như khóm, chanh, gạo Nàng Thơm Chợ Đào, dưa hấu, lạp xưởng,... nhưng việc xây dựng sản phẩm độc quyền, thương hiệu mang tầm quốc gia thì chưa có. Theo đó, ông Nguyễn Văn Út đề nghị thời gian tới, Tỉnh đoàn cần nỗ lực hơn nữa, kết hợp chặt chẽ với ngành Công Thương xây dựng sản phẩm độc quyền mang thương hiệu Long An./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết