Tiếng Việt | English

01/04/2019 - 14:00

Phát triển cây ăn quả chủ lực

5 năm trở lại đây, diện tích các loại cây ăn quả chủ lực có xu hướng tăng, một phần do nhiều địa phương chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao và hướng đến thị trường quốc tế.

Thanh long là cây trồng có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao

Thanh long là cây trồng có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao

Trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả cao

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An, thanh long là cây trồng có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao với tổng diện tích trên 11.000ha. Thanh long trồng tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành và một số huyện lân cận: Thủ Thừa, Tân Trụ và TP.Tân An. Từ năm 2011, do hiệu quả kinh tế cao nên diện tích trồng thanh long tăng rất nhanh, người dân từng bước cải tạo vườn từ trồng bằng trụ sống chuyển sang trồng bằng trụ bêtông kết hợp đầu tư thâm canh tăng năng suất. Bà Nguyễn Thị Diễm My (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) cho biết: “Cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nên hiện nay, diện tích thanh long tăng khá nhanh. Giá thanh long biến động theo kỳ, hiện thanh long ruột trắng có giá từ 10.000-15.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ có giá từ 35.000-40.000 đồng/kg. Nông dân có lãi từ 100-400 triệu đồng/ha/năm”.

Toàn tỉnh hiện có 66 cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu, gồm 5 hợp tác xã (HTX) vừa sản xuất, vừa tiêu thụ thanh long; 6 doanh nghiệp và 55 cơ sở kinh doanh thu mua; 15 cơ sở đóng gói có kho lạnh bảo quản, trong đó có 1 cơ sở có kho xử lý nước nóng và kho lạnh đạt tiêu chuẩn quốc tế; 1 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu thanh long đi Nhật - Hàn Quốc; 2 HTX (Dương Xuân, Tầm Vu) và 2 doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Hoàng Huy, Công ty TNHH MTV Trung Hiếu) được cấp code thanh long xuất đi Mỹ. Các doanh nghiệp, đại lý thu mua còn lại đều không xuất khẩu trực tiếp mà chỉ đóng gói xuất khẩu qua trung gian các doanh nghiệp ở TP.HCM và Bình Thuận, địa điểm tập kết giao hàng tại cảng TP.HCM.

Bên cạnh cây thanh long, cây chanh cũng mang lại hiệu quả cao hơn so với cây lúa. Chanh được trồng tập trung ở các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Đức Huệ với tổng diện tích trên 9.470ha. Các giống chanh chủ yếu: Chanh có hạt, chanh không hạt, chanh tàu bông tím chùm. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 35 cơ sở thu mua và tiêu thụ chanh, 2 HTX vừa sản xuất, vừa tiêu thụ chanh (HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hòa, HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình), trong đó có 2 cơ sở thu mua lớn: Cơ sở Nguyên Loan và Nông trang Hải Âu có dây chuyền rửa chanh, đóng gói bán công nghiệp, thu mua và xuất sang các nước Trung Đông, Thái Lan thông qua Công ty Rồng Vàng. Các doanh nghiệp thu mua chanh có: Công ty Cổ phần Chanh Việt, Công ty TNHH MTV Fruit Republic Cần Thơ (vừa thu mua, vừa trực tiếp xuất khẩu). Hiện nay, có 4 HTX liên kết sản xuất với Công ty TNHH MTV Fruit Republic Cần Thơ với diện tích liên kết khoảng 500ha/250 hộ tham gia, trong đó, công ty hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP diện tích 40ha (11 hộ), sản lượng khoảng 810 tấn/năm tại xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, chủ yếu xuất sang thị trường châu Âu. Với giá chanh dao động theo kỳ: Chanh có hạt từ 5.000-25.000 đồng/kg; chanh không hạt từ 10.000-30.000 đồng/kg, nông dân có lãi từ 50-150 triệu đồng/ha/năm.

Cây chanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa

Cây chanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, những năm gần đây, do giá thanh long, chanh ổn định, có khả năng xuất khẩu tốt và điều kiện tự nhiên thuận lợi nên diện tích trồng thanh long, chanh phát triển nhanh và bảo đảm thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, diện tích một số cây trồng khác như chuối, khóm cũng tăng. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 705ha chuối. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Công ty TNHH Huy Long An và Công ty Đầu tư nông nghiệp Hòa Bình Xanh đang phát triển mô hình trồng chuối ứng dụng công nghệ cao khoảng 200ha, áp dụng quy trình trồng trọt theo công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhân lực, áp dụng công nghệ tưới phun điều khiển bán tự động, vận hành hệ thống vận chuyển chuối bằng cáp tải, hạn chế sử dụng phân hóa học, tập trung chủ yếu là phân vi sinh, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời không gây hại cho môi trường. Diện tích trồng khóm đến hết năm 2018 là 869,7ha, nông dân có lãi 20-30 triệu đồng/ha. Ngoài ra, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh tăng diện tích một số cây ăn quả do người dân trồng tự phát như dừa (1.098,4ha), mãng cầu (95,7ha), sầu riêng (42,6ha), bưởi (211ha),...

Định hướng thời gian tới

Trước tình hình diện tích cây ăn quả tăng nhanh, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4711/QĐ-UBND, ngày 14/12/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Long An đến năm 2030. Theo đó, dự kiến điều chỉnh diện tích cây ăn quả đến năm 2020 là 34.291ha (tăng 13.593ha so với năm 2017); đến năm 2025 là 39.650ha và đến năm 2030 là 45.709ha. Các loại cây ăn quả chủ lực giai đoạn 2021-2025 là thanh long (11.240ha), chanh (18.780ha), khóm (1.270ha) và một số loại khác 8.360ha.

Cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế và xuất khẩu cao

Cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế và xuất khẩu cao

Ông Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Để thực hiện mục tiêu, thời gian tới, ngành tăng cường công tác quản lý quy hoạch vùng sản xuất thanh long, chanh, tập trung theo hướng nâng cao chất lượng và đầu ra của sản phẩm; tiếp tục đầu tư và hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phát triển sản xuất: Giao thông, thủy lợi, điện,...; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hoạt động khuyến nông, bảo vệ thực vật; rà soát, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng trong các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm bảo đảm cho việc vận chuyển máy móc, hàng hóa. Bên cạnh đó, ngành triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các cơ chế, chính sách khác nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất giống, bảo đảm đúng giống, giống chất lượng khi đưa vào sản xuất; nghiên cứu, đầu tư công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch thanh long; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành; đẩy mạnh áp dụng GAP trong sản xuất vì đây là xu thế tất yếu theo lộ trình bắt buộc áp dụng trong Luật An toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục thành lập mới và nâng cao năng lực các HTX, các tổ liên kết, hợp tác sản xuất thanh long hiện có; tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho các mặt hàng cây ăn quả chủ lực; theo dõi việc thực hiện các hợp đồng, nội dung ghi nhớ đã được ký kết với các ngành, đơn vị liên quan để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các hợp đồng đã ký kết. Ngoài ra, ngành tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm với hình thức liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ trái cây; đẩy mạnh công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu, trước mắt là trên cây chanh và thanh long”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết