Tiếng Việt | English

04/01/2016 - 14:58

Thể thao... chẳng cần kiếm tiền

Cách đây hơn 20 năm, vào tháng 9-1995, giải bóng chuyền bãi biển quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Mỹ Khê (Đà Nẵng).

Ngày ấy, người có sáng kiến và tổ chức sự kiện này - ông Trần Văn Nghĩa (lúc đó là phó tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền VN, tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM) đã vẽ nên một viễn cảnh tươi đẹp: Ai cũng biết VN là một đất nước được thiên nhiên ban tặng những bãi biển vô cùng tuyệt vời, và đó là một yếu tố vô cùng quan trọng để phát triển du lịch.

Bóng chuyền bãi biển hút khách du lịch rất nhiều. Ảnh minh họa. Tác giả ảnh: Lê Dân

Nhưng muốn du lịch phát triển mạnh mẽ, cần phải có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đi kèm. Như du khách đến với biển đâu chỉ có tắm biển rồi xong. Ở những nước làm tốt việc thu hút khách du lịch đến với biển, họ phải nghĩ ra để tổ chức làm sao xuống biển ngoài chuyện tắm còn được xem, được tham gia những hoạt động thể thao; đêm phải có những hoạt động văn hóa hấp dẫn...

Từ đó, ông Nghĩa bắt tay vào tổ chức môn bóng chuyền bãi biển, một môn mà chúng ta xem tivi vẫn thường thấy nó hút khách du lịch rất nhiều trên những bãi biển nổi tiếng.

Tuy nhiên, ước mơ của ông Nghĩa bị dở dang, khi ông bị “đá văng” khỏi ngành thể thao bởi cái bệnh GATO (ghen ăn tức ở). Để rồi bây giờ bóng chuyền bãi biển vẫn còn tồn tại nhưng theo chiều hướng khác, vốn ăn sâu vào máu của các nhà quản lý: thích tính toán đếm huy chương!

Tôi lục lại tất cả các bài viết trên các tờ báo, tạp chí, trang web của Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL hồi tham gia Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần 4-2014 tổ chức ở Phuket (Thái Lan) và chỉ thấy toàn những bài viết kiểu hôm nay ta thắng ai, ta sẽ có bao nhiêu huy chương, ta chuẩn bị thế nào để kiếm huy chương...

Tuyệt đối không thấy chuyện tìm hiểu chủ nhà Thái Lan đã làm gì để dùng đại hội này quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Phuket! Chính vì vậy, hơn một năm trước, tại ABG (viết tắt của Đại hội thể thao bãi biển châu Á) lần 4, Thái Lan đã ra mắt trang web giới thiệu sự kiện này, và vào đấy xem toàn thấy chuyện quảng bá du lịch chứ chẳng thấy chủ nhà lăm le kiếm bao nhiêu huy chương.

Chính tư duy tiếp cận ABG hẹp hòi đó nên giờ đây, khi chỉ còn hơn tám tháng nữa là khai mạc ABG 5 tại Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL như ngồi trên lửa và kêu gào Nhà nước sớm rót cho số tiền 460 tỉ đồng để tổ chức sự kiện này. Chính những người trong cuộc thừa nhận kinh phí tổ chức chỉ trông chờ ngân sách, chứ vận động tài trợ là cực kỳ khiêm tốn.

Vâng, làm sao mà kiếm tài trợ cho nhiều được khi cứ chăm chăm đến huy chương ở một sự kiện mà giá trị cốt lõi của nó không nằm ở những chiếc huy chương!? Quan trọng hơn, thử hỏi đến giờ này mấy ai quan tâm đến sự kiện này, dù nó sẽ có mặt hơn 5.000 vị khách quốc tế đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ? Các phương tiện truyền thông thì lặng lẽ, vì chính “nhân vật chính” - Bộ VH-TT&DL cùng Tổng cục TDTT cũng mờ nhạt trong khâu quảng bá. Không tin, mọi người cứ thử vào trang web của hai cơ quan này mà xem...

Xin đừng đổ là do kinh tế khó khăn. Vì có khó khăn đến mấy, các doanh nghiệp cũng cần phải quảng cáo để làm ăn. Ví dụ, tôi có một chị bạn là giám đốc tiếp thị của một hãng mỹ phẩm nổi tiếng. Chị cho biết chỉ nội một sản phẩm kem dưỡng da chống nắng đã là một “chiến trường” khốc liệt của các hãng hóa mỹ phẩm.

Lẽ ra các nhãn hiệu về mặt hàng này phải mở một cuộc đua quyết liệt để có mặt tại ABG 5 ở Đà Nẵng vào tháng 9-2016, vì đây là một nơi hết sức phù hợp để quảng cáo cho kem chống nắng, nhưng có ai tiếp thị với các hãng hóa mỹ phẩm về ABG 5 đâu; và cho dù có chào mời thì họ cũng còn phải xem xét là khâu quảng bá sự kiện của các nhà tổ chức có tốt không, hiệu quả không...

Tóm lại, thể thao kiểu ấy chẳng cần kiếm tiền, chỉ cần chờ tiền ngân sách!

Huy Thọ/tuoitre online

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích