Tiếng Việt | English

10/01/2020 - 17:15

Xây cầu cho vùng khó khăn Đồng Tháp, An Giang

Chương trình Cầu nông thôn do Tạp chí Nông thôn Việt phát động thực hiện đến nay được hơn 3 năm. Thời gian chưa dài nhưng chương trình đã khẳng định được “thương hiệu” trong vận động, xây dựng cầu nông thôn. Xuất phát điểm tại Long An, chương trình đã lan tỏa đến những vùng khó khăn, biên giới của 2 tỉnh Đồng Tháp, An Giang.

Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang kiểm tra tại một công trình

 1. Tân Hồng là huyện biên giới của tỉnh Đồng Tháp, sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Các cấp chính quyền địa phương rất quan tâm đầu tư hệ thống giao thông của huyện nhưng nguồn lực có hạn nên chủ yếu dành cho xây dựng cầu trên các tuyến kênh lớn. Đối với những tuyến kênh nhỏ, đấu nối với các cụm dân cư nhiều nơi chưa được đầu tư xây dựng cầu bêtông. Do vậy, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, phục vụ sản xuất, giao thương của địa phương rất khó khăn, vất vả. Đây là nỗi trăn trở, kìm hãm sự phát triển nhiều năm qua của Tân Hồng. Thế rồi, Chương trình Cầu nông thôn đã đến và chia sẻ phần nào những khó khăn này với địa phương bằng việc vận động xây dựng cầu. Sau thời gian chờ đợi, tháng 8/2019, 10 cây cầu ở huyện Tân Hồng được xây dựng từ chương trình hoàn thành và khánh thành, đưa vào sử dụng. Mỗi cây cầu có chiều dài từ 28-78m, rộng từ 4-5m, tải trọng 5 tấn, tổng kinh phí đầu tư gần 40 tỉ đồng. Trong đó, vốn địa phương đối ứng 17,8 tỉ đồng và 21,7 tỉ đồng còn lại do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, Tạp chí Nông thôn Việt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp vận động mạnh thường quân tài trợ. 

Trong ngày khánh thành cầu, chị Phan Thị Phương, ngụ ấp Gò Da, xã Bình Phú, bỏ hết mọi việc để ra đón bác Tư Sang, Ban Tổ chức, doanh nghiệp về dự lễ. “Mấy cây cầu này nhiều tiền như vầy mà để một mình địa phương chắc không làm nổi. Giờ có cầu rồi, kéo lúa sẽ dễ dàng, ít tốn kém, bà con bán lúa sẽ có lời nhiều hơn. Dân tụi tui mang ơn bác Tư Sang, Ban Tổ chức chương trình và nhà tài trợ nhiều lắm!” - chị Phương chia sẻ. Dự lễ khánh thành, Bí thư Huyện ủy Tân Hồng - Đinh Văn Năm cũng không giấu được niềm vui mừng. “Nay có Chương trình Cầu nông thôn chung tay, góp sức xây dựng cầu cho địa phương, chúng tôi biết ơn vô cùng! Những cây cầu sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở địa phương” - ông Năm bày tỏ. Càng xúc động khi đại diện một đơn vị tài trợ chia sẻ: “Không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực kinh tế dồi dào. Tuy nhiên, vì muốn đóng góp cho sự thay đổi, phát triển nông thôn, nâng chất đời sống người dân nên các doanh nghiệp đã đồng hành cùng chương trình xây cầu”.

Sau huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, Chương trình Cầu nông thôn chọn huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang để vận động tài trợ xây dựng cầu. Tri Tôn là huyện còn khó khăn, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Dù đã được chính quyền địa phương cố gắng đầu tư, nâng cấp, sửa chữa nhưng hạ tầng giao thông nông thôn của huyện chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển KT-XH.

Những cây cầu tạm chuẩn bị được thay thế bằng cầu bêtông

Để đáp ứng sự mong mỏi của người dân, ngày 21/9/2019, 16 cây cầu thuộc Chương trình Cầu nông thôn xây dựng tại 8/15 xã, thị trấn của huyện Tri Tôn đã được khởi công. 16 cây cầu có tổng chiều dài 528m, tải trọng từ 2-5 tấn, rộng 4m, tổng vốn đầu tư gần 19 tỉ đồng. 16 công trình cầu giao thông nông thôn là món quà có ý nghĩa rất lớn đối với người dân địa phương. Càng vui hơn khi những cây cầu này có ý nghĩa thiết thực trong lưu thông và phát triển kinh tế, giúp học sinh, người dân đi lại an toàn, đỡ vất vả trong mùa mưa, lũ. 

2. Hôm dự lễ khởi công, ông Nguyễn Việt Dũng (66 tuổi) - người dân xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, nhà gần kênh ngang Huệ Đức, vui mừng nói: “Nghe tin những cây cầu được xây dựng, tôi mừng lắm! Lâu nay không có cầu, mỗi ngày tôi phải dậy sớm chống xuồng ra ruộng nên mất nhiều thời gian. Có cầu, tôi có thể đi bằng xe máy chỉ mất độ 10 phút, đỡ mất sức mà còn an toàn. Rất mong cây cầu sớm ngày được hoàn thành để người dân và các cháu nhỏ đi lại dễ dàng hơn”.

Ngoài 26 cây cầu xây dựng tại huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) và Tri Tôn (An Giang), trước đó, chương trình đã thực hiện xây dựng nhiều cây cầu ở các huyện khác của 2 tỉnh. Tính đến giữa tháng 11/2019, riêng 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang có gần 60 cầu, cống được đầu tư thực hiện từ chương trình. Giờ đây, Chương trình Cầu nông thôn để lại ấn tượng mạnh. Điều đó thể hiện với số lượng cầu, cống được xây dựng, số kinh phí huy động tài trợ và cả thời gian để hoàn thành công trình rất nhanh chóng. 

Những cây cầu góp phần thay đổi diện mạo vùng quê

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt, Phó Trưởng ban Tổ chức chương trình Cầu nông thôn - Nguyễn Thị Quốc Hương tâm sự: “Tạp chí Nông thôn Việt có tuổi đời còn non trẻ, chỉ mới thành lập hơn 4 năm nhưng đã có 3 năm thực hiện Chương trình Cầu nông thôn. Bản thân tôi cũng bất ngờ, xúc động với những gì chương trình đã thực hiện được đến thời điểm này”. 

Và theo Ban Tổ chức, Chương trình Cầu nông thôn do Tạp chí Nông thôn Việt phát động được biết đến nhiều hơn và thành công như hôm nay là nhờ những tình cảm sâu đậm, đầy trăn trở của nhiều người, doanh nghiệp dành cho những vùng khó khăn, biên giới, sông nước miền Tây. Nổi bật là nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, người luôn đồng hành cùng chương trình từ những ngày đầu cho đến nay và trực tiếp vận động nhiều doanh nghiệp tài trợ kinh phí. 

Hình ảnh bác Tư Sang đi dép, đội nón tai bèo đến những vùng sâu, biên giới khảo sát địa điểm, thăm, kiểm tra công trình, dự lễ khánh thành, gặp người dân ân cần thăm hỏi, trò chuyện và căn dặn chí thú làm ăn được mọi người nhắc đến nhiều với lòng cảm mến. Đó còn là tấm gương gần dân, đầy nhiệt huyết với công tác xã hội cho cán bộ, lãnh đạo đang làm việc học tập, noi theo, áp dụng vào công việc.

“Phải xây cầu thật nhanh, thật nhiều, thật tốt để biến ước mơ của người dân ở những vùng nông thôn nghèo khó thành hiện thực…”. Đó cũng chính là tinh thần, quyết tâm mà bác Tư Sang, Ban Tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình luôn nhấn mạnh. Cứ thế, những cây cầu nông thôn lại tiếp tục được xây dựng giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, bộ mặt nông thôn thêm đổi mới và phát triển./.

Từ sau lễ phát động (ngày 05/10/2016) đến nay, mới hơn 3 năm, Chương trình Cầu nông thôn đã vận động xây dựng được hơn 200 cầu, cống tại 3 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang với trị giá hơn 160 tỉ đồng.

Lam Hồng - Miền Tây

Chia sẻ bài viết