Tiếng Việt | English

27/01/2016 - 10:17

Xuân về với mẹ vùng biên

Nắm chặt tay từng người, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thảnh vui mừng nói: “Các con đến thăm mẹ đừng quà cáp gì hết, Nhà nước lo cho mẹ nhiều lắm rồi, ở đây mấy đứa bộ đội ngoài huyện cũng thường xuyên đến thăm mẹ”.

 

Bí thư Trung ương đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội sinh viên Việt Nam - Lê Quốc Phong (người ngồi gần mẹ bên trái) cùng các thành viên trong đoàn công tác quây quần bên mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thảnh

Trong những ngày giáp tết, chúng tôi về thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thảnh ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Nghe có khách đến thăm, mẹ kêu cháu nội dìu ra tận ngoài cửa đón. Như những đứa con đi xa trở về, Bí thư Trung ương đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội sinh viên Việt Nam - Lê Quốc Phong ôm chầm lấy mẹ.

Nắm chặt tay từng người trong đoàn, mẹ vui mừng nói: “Các con đến thăm mẹ đừng quà cáp gì hết, Nhà nước lo cho mẹ nhiều lắm rồi, ở đây mấy đứa bộ đội ngoài huyện cũng thường xuyên đến thăm mẹ”.

Mẹ hỏi tên, nắm tay từng người trong đoàn. Bên hiên nhà, chúng tôi nghe mẹ kể chuyện quê hương, gia đình hồi chiến tranh và câu chuyện về 2 người con của mẹ đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Lúc đó, con trai lớn của mẹ - anh Trần Văn Đực vừa tròn 15 tuổi xin mẹ tham gia cách mạng. Lúc tiễn con lên đường, mẹ chỉ dặn “Khi đã đi thì con phải kiên trung”.

Mang theo lời dặn của mẹ và ý chí quyết tâm, lòng căm thù giặc sâu sắc, anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Lúc đầu, anh tham gia vào lực lượng du kích của xã, sau đó biên chế vào đơn vị bộ đội địa phương. Địa bàn lúc ấy vô cùng ác liệt, cả đêm lẫn ngày không ngớt tiếng súng, tiếng bom.

Ngày 10-10-1972, anh Trần Văn Đực anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất quê nhà, khi ấy anh là tiểu đội phó. Hay tin, mẹ gần như gục ngã nhưng đành nén lòng tiễn người con thứ hai, chị Trần Thị Liên lên đường làm nhiệm vụ giao liên. Và chị cũng hy sinh khi mới 12 tuổi.

Biến nỗi đau thành hành động, mẹ vừa nuôi dạy 4 con nhỏ vừa đào hầm, mang cơm nuôi bộ đội. Địch biết gia đình mẹ là cơ sở nuôi giấu cán bộ, không biết bao nhiêu lần, chúng đốt nhà và bắt mẹ nhưng vẫn không khai thác được gì nên đành thả mẹ ra và đưa vào diện theo dõi đặc biệt.

Giờ, tuổi cao sức yếu, nguyện vọng cuối đời của mẹ đã được thực hiện, chính quyền địa phương mang 2 người con của mẹ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Hưng về gần nhà để mẹ chăm sóc phần mộ cho anh, chị./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết