Tiếng Việt | English

08/04/2020 - 16:49

Thạnh Hóa: Nông dân cần chủ động ứng phó khi độ mặn tăng cao

Độ mặn đo được vào ngày 06/4 trên sông, rạch thuộc địa bàn huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2016. Do đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tăng cường thông tin đến nông dân tình hình hạn, mặn để có biện pháp đối phó phù hợp.

Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạnh Hóa, hiện nay đang vào thời kỳ triều cường kết hợp với gió chướng mạnh nên độ mặn trên tuyến sông, kênh, rạch dao động ở mức 0,9 - 6,4g/l, tăng từ 0,8 - 1,7g/l so với ngày 01/4 và cao hơn từ 0,9 - 4g/l so với cùng kỳ năm 2016.

Như vậy, độ mặn trên sông, rạch trên địa bàn huyện tăng cao so với năm 2016, có chỗ chưa từng bị mặn xâm nhập thì nay đã bị mặn, địa bàn bị mặn xâm nhập phủ rộng trên sông, rạch hầu như toàn huyện, kể cả vùng giáp ranh với địa bàn huyện Mộc Hóa.

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, dự báo độ mặn tiếp tục tăng cao trong những ngày tới cho đến đầu tháng 5/2020. Do đó, Trung tâm sẽ thường xuyên thông báo rộng rãi về tình hình độ mặn trên sông, rạch để người dân chủ động tích trữ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện - Nguyễn Kinh Kha cho biết: Độ mặn trên nguồn nước tưới sẽ gây trở ngại cho việc sinh trưởng và phát triển của cây trồng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và thậm chí gây chết cây.

Cây Thanh long khá mẫn cảm với độ mặn trong nước tưới

Theo đó, nhóm cây mẫn cảm với mặn (chỉ chịu được nồng độ từ 0,5 đến dưới 01g/l) gồm bơ, thanh long, chuối, nhãn, đu đủ, chanh dây, chôm chôm, bòn bon, măng cụt, nhóm rau ăn lá và rau gia vị; riêng cây sầu riêng chỉ chịu được độ mặn dưới 0,5g/l; nhóm cây chịu mặn trung bình (chịu độ mặn từ 1 - 2g/l) gồm Sơ ri, cây có múi, ổi, khóm, vú sữa, lúa, bắp, đậu phộng, dưa hấu, cà chua, bầu bí, hành, dưa chuột, cần tây, khoai mỡ, khoai lang, bắp cải. Riêng đối với cây lúa giai đoạn đòng - trổ thì độ mặn khoảng 1,5g/l sẽ làm giảm năng suất.

Ngoài ra, mít, xoài, mãng cầu xiêm, na, mía là những cây trồng có khả năng chịu mặn mức độ khá (từ 3 - 4g/l), nhóm cây có khả năng chịu mặn tốt (từ 5 - 6g/l) là dừa, sapoche và me.

Tại Thạnh Hóa, khóm là loại cây trồng có mức độ chịu mặn trung bình 

Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa cũng thông tin, những khuyến cáo trên chỉ mang tính chất tương đối vì còn tùy thuộc vào giống cây, gốc ghép và chế độ chăm sóc,... Do đó, khi chăm sóc cây, nông dân cần lấy nước tưới dưới ngưỡng chịu mặn của từng loại cây trồng như đã nêu. Ngoài ra, cần trang bị máy đo nồng độ mặn hoặc gửi mẫu nước cho cơ quan chuyên môn để được hỗ trợ xác định độ mặn.

Đồng thời, đối với cây lúa, khuyến cáo nông dân không gieo sạ vụ Hè Thu sớm từ nay đến hết tháng 4/2020; tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, mặn xâm nhập, tăng cường trữ nước ngọt. Với cây ăn trái, không tiến hành xử lý ra hoa hoặc trồng mới trong thời gian còn hạn, mặn. Còn những cây đã trồng áp dụng kỹ thuật tiên tiến tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa) thì tưới luân phiên, đúng thời điểm, vừa đủ nước kết hợp tủ gốc giữ ẩm, tăng cường bón phân hữu cơ. Trên chân đất nhiễm phèn nặng thì tăng cường bón vôi nung, thường xuyên kiểm tra phát hiện dịch hại để xử lý kịp thời,…/.

Độ mặn trên địa bàn huyện Thạnh Hóa vào ngày 06/4:

Tại cống Rạch Gỗ, xã Tân Đông, độ mặn là 6,4g/l (cao hơn cùng kỳ 2016 là 2,7g/l).

Tại cầu La Khoa, xã Tân Đông, độ mặn là 6,2 g/l (cao hơn cùng kỳ 2016 là 2,6g/l).

Tại cầu Vàm Lớn, xã Thuận Nghĩa Hòa, độ mặn là 4,2g/l (cao hơn cùng kỳ 2016 là 4,2g/l).

Tại cầu Cái Tôm, xã Thủy Tây, độ mặn là 2,4g/l (cao hơn cùng kỳ 2016 là 2,4g/l).

Tại cầu Kênh Xáng, xã Thạnh Phú, độ mặn là 4g/l (cao hơn cùng kỳ 2016 là 4g/l).

Tại kênh Ma Reng, xã Thạnh Phước, độ mặn là 3,7g/l (cao hơn cùng kỳ 2016 là 3,7g/l).

Tại Kênh 2/9, xã Thạnh Phước, độ mặn là 2,8g/l (cao hơn cùng kỳ 2016 là 2,8 g/l).

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết