Tiếng Việt | English

30/08/2018 - 13:52

Thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp

“Ngoài tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng tạo ra sản phẩm chất lượng, địa phương còn hỗ trợ 102 hộ nông dân thoát nghèo bền vững trên diện tích canh tác nhỏ thông qua những mô hình sản xuất mới” - Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An - Đoàn Văn Liệt khẳng định.

Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tân Thạnh kiểm tra hiệu quả vốn ưu đãi hỗ trợ nông dân nghèo ấp Kênh Bích nuôi ếch

Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tân Thạnh kiểm tra hiệu quả vốn ưu đãi hỗ trợ nông dân nghèo ấp Kênh Bích nuôi ếch

Khởi nghiệp với mô hình nuôi ếch Thái Lan

Tân Ninh là xã vùng sâu của huyện Tân Thạnh. Toàn xã còn 102/1.851 hộ nghèo (5,5%). “Trước đây, các hộ nghèo và cận nghèo đều ít hoặc không có đất sản xuất, chủ yếu đi làm mướn, mùa lũ ra đồng giăng câu, thả lưới. Nhờ khởi nghiệp bằng những mô hình sản xuất hiệu quả, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn có cơ hội vươn lên khá giả” - Chủ tịch UBND xã Tân Ninh - Đoàn Văn Liệt thông tin.

Trong số 102 hộ nghèo của xã, ấp Kênh Bích có 14 hộ. Năm 2013, anh Nguyễn Văn Thời (hộ nghèo) cùng các anh: Nguyễn Văn Bự, Nguyễn Văn Bảy học cách nuôi ếch Thái Lan. Vì thiếu vốn, vợ chồng anh Thời chỉ cải tạo 1.000m2 đất để xây 8 chuồng làm bằng mùng lưới, thả nuôi 20.000 con ếch giống. Thu hoạch vụ đầu tiên, vợ chồng anh lãi được vài chục triệu đồng. Qua hiệu quả của việc chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi ếch Thái Lan của anh Thời, anh Bự và anh Bảy, nhiều hộ nghèo ở Kênh Bích làm theo và đạt hiệu quả.

Khi ngân hàng cùng đồng hành

Bà Nguyễn Thanh Tuyền - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm - Vay vốn (TKVV) ấp Kênh Bích, cho biết: Năm 2014, Chi hội Nông dân ấp Kênh Bích thành lập tổ TKVV, nhận ủy thác nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Tính đến tháng 8/2018, tổ có 56 hộ
thành viên, dư nợ 1,082 tỉ đồng, trong đó có một số hộ nghèo vay nuôi ếch Thái Lan.

Với 4 thành viên, thu nhập từ sản xuất 500m2 đất không đủ để gia đình anh Trần Văn Mến trang trải cuộc sống. Năm 2015, anh tham gia tổ TKVV, được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng vốn trung hạn. Từ nguồn vốn này và 20 triệu đồng tích góp từ làm mướn, anh cải tạo 500m2 đất lúa sang nuôi ếch. Năm đầu tiên, anh thả nuôi 20.000 con giống, vài năm sau tăng số lượng gấp 3 lần. Trung bình mỗi năm, anh thu được 4 lứa; riêng năm 2018 thu 2 lứa được 14 tấn, giá bán từ 38.000-40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, vợ chồng anh lãi trên 200 triệu đồng. “Sau 3 năm nuôi ếch, vợ chồng tôi không phải làm mướn. Cuối năm 2017, tôi tự nguyện xin thoát nghèo” - anh Trần Văn Mến kể.

Nhờ có sự đồng hành của ngân hàng, những nông dân nghèo có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống./.

Khuynh Diệp

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích