Tiếng Việt | English

15/08/2018 - 09:22

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thanh long

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 04/3/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Long An triển khai thực hiện Đề án sản xuất 2.000ha thanh long ƯDCNC, đến nay đạt một số kết quả bước đầu.

Cận cảnh béc phun nước tiết kiệm của anh Sơn

Hiệu quả từ hệ thống tưới “3 trong 1”

Vườn thanh long của anh Nguyễn Hoàng Sơn, ấp Long Bình, xã Long Trì, được ƯDCNC với hệ thống tưới “3 trong 1”. Trên diện tích 6.600m2, anh trồng khoảng 1.000 gốc thanh long ruột đỏ, được 18 tháng. Lúc bắt đầu trồng thanh long, anh được tư vấn, lắp đặt hệ thống tưới nước “3 trong 1”. Mỗi gốc thanh long đều được lắp ống tưới, phía trên có các béc phun, kết nối với hệ thống đường ống chính đến bồn chứa nước thông qua hệ thống máy bơm nước.

Sử dụng hệ thống tưới này giúp anh chủ động được thời gian tưới; tiết kiệm chi phí thuê nhân công; giảm lượng nước tưới và điện; lượng phân bón cũng ít bị hao hụt. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp thanh long ít nhiễm bệnh do mưa nhiều như hiện nay.

“Vì nhân công lao động khan hiếm, chi phí thuê người tưới nước, bón phân,... lại khá cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận nên tôi đầu tư khoảng 140 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Sau thời gian vận hành, tôi thấy hệ thống này mang lại hiệu quả thiết thực” - anh Sơn nói.

Ngoài mô hình “3 trong 1”, anh còn gắn camera tại vườn thanh long để dễ quan sát hơn. Buổi tối, khi trời mưa, qua hình ảnh từ camera, anh có thể phát hiện ruộng thanh long có bị ngập hay không. Và, chỉ cần ngồi tại nhà, anh vẫn có thể điều khiển hệ thống bơm rút nước.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là mô hình mới, hiệu quả trong việc ƯDCNC vào sản xuất thanh long. Địa phương khuyến khích một số nông dân có điều kiện đầu tư nhằm mang lại hiệu quả kinh tế.

Anh Nguyễn Hoàng Sơn lắp đặt camera giám sát tại vườn thanh long

Nhân rộng những mô hình điểm

Hiện tại, Châu Thành có trên 8.200ha thanh long, trong đó có hơn 6.600ha thanh long ruột đỏ. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện đề án, huyện hoàn thành công tác quy hoạch xác định vị trí, ranh giới của vùng sản xuất thanh long ƯDCNC diện tích 2.000ha, với hơn 5.300 hộ tại 12 xã, thị trấn. Đến nay, địa phương triển khai trên 1.300ha thanh long ƯDCNC, với hơn 2.200 hộ tham gia. Huyện có 77 mô hình tưới nước tiên tiến với diện tích 56,75ha; xây dựng 4 mô hình ủ phân hữu cơ từ cành thanh long, bố trí 170 thùng chứa vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các địa phương.

Bí thư Huyện ủy Châu Thành - Trương Văn Biết cho biết, ƯDCNC vào sản xuất thanh long bước đầu mang lại hiệu quả, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp trong những năm tiếp theo. Đây là bước đi đúng đắn trong nền nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng, giá trị cao, tăng lợi nhuận và tạo nhãn hiệu riêng cho trái thanh long.

Thông qua đề án, nông dân chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi tập quán, tư duy canh tác. Nông dân bắt đầu sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường sống. Gắn với thực hiện đề án là việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó, các thành viên được tập huấn, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Huyện Châu Thành đề xuất tỉnh cần xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại, từng bước xây dựng thương hiệu thanh long Châu Thành nói riêng và thanh long Long An nói chung, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm trái thanh long trên thị trường trong và ngoài nước. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí, nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo. Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, đăng ký mã vạch, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho cây thanh long. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, danh mục thiết bị, công nghệ ưu tiên hỗ trợ nhằm bảo đảm lộ trình đề ra./.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn huyện có 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, 50 hố xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 16 kho lạnh với tổng sức chứa 8.000 tấn. Từ đó, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả, bền vững và phát huy được thế mạnh của địa phương.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích